SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG NGUYỄN VĂN THOẠI

Địa chỉ: 132 đường Đô Đốc Lân - phường Hòa Xuân - quận Cẩm Lệ - TP Đà Nẵng

Điện thoại: (0236) 3721 888

Sách hay: Bản án chế độ thực dân Pháp

Bạn đọc thân mến!

Cách đây 113 năm (ngày 05/6/1911), người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã lên con tàu Amiral Latouche Tréville, từ Bến cảng Nhà Rồng, thành phố Sài Gòn đi Marseille (Pháp) với ý chí mãnh liệt và hoài bão sẽ tìm được con đường cứu nước, giải phóng nhân dân khỏi ách nô lệ của thực dân, đế quốc.

Chứng kiến cảnh tượng thực dân Pháp bắt người da đen lội ra chiếc tàu khi biển trong cơn gió to sóng lớn, Nguyễn Ái Quốc nhận định: “Người Pháp ở Pháp phần nhiều là tốt. Song, những người Pháp thực dân rất hung ác, vô nhân đạo. Ở đâu cũng thế. Ở ta, tôi cũng thấy chuyện như thế xảy ra ở Phan Rang. Bọn Pháp cười sặc sụa trong khi đồng bào ta chết đuối vì chúng nó. Đối với bọn thực dân, tánh mạng của người thuộc địa da vàng hay da đen cũng không một xu”…
          Phải đến sau này, khi gởi yêu sách của nhân dân An Nam đến Hội nghị Véc-xây, đặc biệt khi tiếp xúc bản sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lê-nin, Nguyễn Ái Quốc càng hiểu rõ và nhận ra đầy đủ bản chất không chỉ của bọn thực dân Pháp mà đó là của chủ nghĩa thực dân nói chung.Chúng là kẻ thù của tất cả các dân tộc thuộc địa ở khắp các châu lục. Từ đó, Nguyễn Ái Quốc không chỉ tố cáo tội ác của thực dân Pháp mà là tố cáo tội ác man rợ của tất cả bọn thực dân ở các thuộc địa trên toàn thế giới.

Nguyễn Ái Quốc khẳng định: chủ nghĩa thực dân là con đẻ của các cường quốc tư bản chủ nghĩa. Chúng không chỉ áp bức bóc lột nhân dân các dân tộc thuộc địa mà còn áp bức bóc lột nhân dân lao động ở chính quốc. Chủ nghĩa thực dân là kẻ thù chung của các dân tộc thuộc địa và nhân dân lao động ở chính quốc. Chủ nghĩa thực dân là giai đoạn mở đầu của chủ nghĩa đế quốc, là nguyên nhân của các cuộc chiến tranh trên thế giới.

Nguyễn Ái Quốc bằng nhiều hình thức từ viết bài đăng báo đến diễn đàn tố cáo tội ác của chủ nghĩa thực dân. Đặc biệt, “Bản án chế độ thực dân Pháp” là tác phẩm viết bằng tiếng Pháp trong khoảng những năm 1921-1925 và được xuất bản đầu tiên năm 1925 tại Paris (Thủ đô nước Pháp). Tác phẩm vừa có giá trị lớn về chính trị, tư tưởng, vừa có giá trị lớn về văn học của Nguyễn Ái Quốc, như một quả bom công phá thành trì chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc trên toàn thế giới.

Cuốn sách: Bản án chế độ thực dân Pháp

Tác phẩm gồm 12 chương và phần phụ lục, chú thích với cách thành văn ngắn gọn, súc tích, cùng với những sự kiện đầy sức thuyết phục, tố cáo thực dân Pháp dùng mọi thủ đoạn khốc liệt bắt “dân bản xứ” phải đóng “thuế máu” cho chính quốc… để “phơi thây trên chính trường Châu Âu”, đày đọa phụ nữ, trẻ em “thuộc địa”; các thống sứ, quan lại thực dân độc ác như một bầy thú dữ, v.v… Tác phẩm đã gây được tiếng vang lớn ngay từ khi ra đời, thức tỉnh lương tri của những con người yêu tự do, bình đẳng, bác ái, hướng các dân tộc bị áp bức đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười Nga và Chủ nghĩa Mác-Lênin, thắp lên ngọn lửa đấu tranh cho độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội của dân tộc Việt Nam.

Năm 1946, ở Việt Nam, cuốn sách đã được xuất bản bằng tiếng Pháp tại Hà Nội. Năm 1960, Nhà xuất bản Sự thật đã xuất bản bằng tiếng Việt lần thứ nhất và đã in trong tuyển tập của Hồ Chí Minh.

Bản án chế độ thực dân Pháp là một bản cáo trạng, tố cáo tội ác của thực dân Pháp không chỉ ở Đông Dương, ở Việt Nam mà ở khắp các thuộc địa: An-giê-ri, Tuy-ni-di, Tây-Phi…Đồng thời đóng góp sáng tạo vào việc truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam đánh dấu sự trưởng thành trong ý thức cách mạng của nhân dân ta, đáp ứng những đòi hỏi bức thiết của cách mạng Việt Nam về một đường lối sáng suốt và đúng đắn, để thoát ra khỏi tình trạng mơ hồ về phương hướng và mục tiêu cách mạng. Với tác phẩm này, ánh sáng của chân lý cách mạng của thời đại đã soi rọi vào tâm trí nhân dân ta và các dân tộc bị áp bức…

Cuốn sách hiện có tại thư viện, quý thầy cô và các bạn tìm đọc nhé!