SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG NGUYỄN VĂN THOẠI

Địa chỉ: 132 đường Đô Đốc Lân - phường Hòa Xuân - quận Cẩm Lệ - TP Đà Nẵng

Điện thoại: (0236) 3721 888

Kính chào bạn đọc!

Mỗi con người trong hành trình trưởng thành đều phải đối mặt với những ngã rẽ, những khoảng lặng của sự hoang mang, và cả những lúc bế tắc giữa muôn vàn lựa chọn. Trong những khoảnh khắc như thế, một cuốn sách nhỏ đôi khi lại trở thành người bạn lớn, giúp ta định hình lí tưởng sống, tiếp thêm động lực để bước tiếp. Với tôi, “Trên đường băng” của Tony Buổi Sáng chính là một cuốn sách như vậy.

Lần đầu tiên xuất bản vào năm 2015 bởi Nhà xuất bản Trẻ, “Trên đường băng” nhanh chóng tạo được tiếng vang và được đón nhận nồng nhiệt từ đông đảo độc giả, đặc biệt là giới trẻ. Cuốn sách không chỉ là tập hợp những bài viết truyền cảm hứng, mà còn là một cẩm nang định hướng tư duy sống tích cực, hiện đại, thực tế và đầy tính nhân văn.

“Trên đường băng” là tập hợp những bài viết được Tony chia sẻ trên mạng xã hội trước đó, được tuyển chọn, biên tập và sắp xếp lại một cách mạch lạc thành ba phần: Chuẩn bị hành trang, Trong phòng chờ sân bayLên máy bay. Tựa đề cuốn sách cũng như các phần trong sách đều được xây dựng dựa trên hình ảnh ẩn dụ của một chuyến bay tượng trưng cho hành trình trưởng thành và vươn ra thế giới của người trẻ.

Phần một: Chuẩn bị hành trang Ở phần này tác giả như một người anh đi trước, chia sẻ với thế hệ trẻ về việc cần rèn luyện tư duy độc lập, thói quen đọc sách, học ngoại ngữ, và sống có kỷ luật. Những câu chuyện về bạn A, bạn B, thằng C, con D… dù không thật nhưng rất “đời”, khiến người đọc vừa bật cười, vừa nhận ra mình trong đó. Tony khuyến khích người trẻ “ra khỏi ao làng”, dám ước mơ lớn, dám đi xa, và quan trọng nhất là không ngừng học hỏi để trưởng thành.

 Phần hai: Trong phòng chờ sân bay – Là lúc người trẻ đã sẵn sàng, nhưng lại phân vân, do dự, sợ thất bại. Tony không né tránh việc nói về những khó khăn, thất bại, va vấp, nhưng luôn nhấn mạnh rằng mọi trải nghiệm đều đáng giá nếu ta giữ được tinh thần tích cực. Qua mỗi trang viết, người đọc cảm nhận rõ ràng: sự thành công không đến từ may mắn, mà từ chuẩn bị kĩ lưỡng và bản lĩnh đương đầu.

 Và phần ba: Trên đường băng Chính là lúc chúng ta cất cánh. Đây là phần tràn đầy cảm hứng nhất. Tony kể về những bạn trẻ đã dám bước ra khỏi vùng an toàn, dấn thân vào những vùng đất mới, mang trong mình tinh thần Việt Nam, trí tuệ và bản lĩnh vươn xa. Từ đó, ta nhận ra: có một thế hệ mới đang trưởng thành,không chỉ sống tốt cho bản thân, mà còn mang khát vọng cống hiến cho cộng đồng, cho đất nước.

Điều tôi thích nhất ở cuốn sách này là nó không giảng đạo lí, mà dạy bằng chính những câu chuyện đời thường. Một câu nói của Tony khiến tôi nhớ mãi: “Muốn có tương lai khác biệt, thì ngày hôm nay phải khác đi.”

Các bạn thân mến!

“Trên đường băng” không phải là cuốn sách hô hào sáo rỗng, cũng không phải liều thuốc tinh thần ngắn hạn. Đó là một cẩm nang sống, một tấm bản đồ định hướng cho người trẻ trên hành trình tìm lại chính mình, nuôi dưỡng khát vọng và sống có trách nhiệm hơn với cộng đồng và đất nước. Trong thời đại mà quá nhiều luồng thông tin khiến người trẻ dễ hoang mang và mất phương hướng, thì cuốn sách này như một làn gió trong lành, giúp chúng ta tỉnh thức và vững vàng hơn trên con đường đã chọn.

Dù đã xuất bản cách đây gần một thập kỷ, “Trên đường băng” vẫn giữ nguyên giá trị và sức ảnh hưởng. Nó không chỉ là một cuốn sách hay, nó là một lời đánh thức, một cú hích để người trẻ Việt Nam cất cánh, vươn mình ra thế giới bằng bản lĩnh, trí tuệ và khát vọng của dân tộc.

Và nếu bạn đang đứng giữa ngã ba của những lựa chọn, hãy thử mở cuốn sách ra, biết đâu bạn sẽ tìm thấy câu trả lời cho chính mình.

Trân trọng giới thiệu./.

Kính chào bạn đọc!

Trong dòng chảy không ngừng của văn học thế giới, có những tác phẩm vượt khỏi khuôn khổ thời gian để trở thành bất tử, trở thành lời tự sự của cả một thời đại, một vùng đất, và sâu xa hơn là của thân phận con người. “Trăm năm cô đơn” của nhà văn Colombia Gabriel García Márquez chính là một trong những kiệt tác như thế – một bản giao hưởng kì vĩ, thấm đẫm màu sắc huyền ảo nhưng lại chân thực đến từng con chữ. Sách gồm 425 trang, do nhà xuất Văn học ấn hành năm 2003.

Nhà văn Colombia Gabriel García Márquez

Cuốn sách ra đời nhanh chóng gây tiếng vang lớn không chỉ ở khu vực Mỹ Latinh mà trên toàn thế giới, được xem là đỉnh cao của trào lưu văn học hiện thực huyền ảo. Đó là câu chuyện kéo dài qua bảy thế hệ của dòng họ Buendía tại ngôi làng hư cấu Macondo – một nơi tưởng như tách biệt với thế giới, nơi lịch sử và thời gian không vận động theo logic thông thường, mà như một vòng tròn định mệnh, nơi con người không thể thoát ra khỏi bóng ma của quá khứ.

Gabriel García Márquez đã xây dựng vùng đất Macondo như một bản sao thu nhỏ của châu Mỹ Latinh, nơi các vấn đề về chính trị, chiến tranh, tình yêu, sự cô lập và sự tha hóa lần lượt hiện diện qua số phận từng nhân vật. Mỗi thế hệ của dòng họ Buendía từ José Arcadio Buendía say mê tri thức đến Úrsula kiên cường gánh vác gia đình đều mang trong mình một nỗi cô đơn sâu thẳm – một nỗi cô đơn không phải là sự vắng mặt của người khác, mà là cảm giác lạc lõng giữa chính gia đình, lịch sử, và bản ngã của mình.

Điều đặc biệt trong tác phẩm này chính là phong cách hiện thực huyền ảo mà tác giả sử dụng tài tình. Ông miêu tả những hiện tượng siêu nhiên, phi lí như thể đó là điều bình thường nhất trong cuộc sống: Những cơn mưa kéo dài suốt bốn năm mười một tháng, những hồn ma hiện về trò chuyện với người sống, hay người phụ nữ bay lên trời cùng tấm drap giường… Tất cả hòa quyện vào nhau tạo nên một không gian đầy mê hoặc, vừa kỳ ảo vừa trần trụi, khiến người đọc không còn ranh giới giữa thực và mộng.

Tuy nhiên, đằng sau lớp sương mù huyền ảo ấy là những vấn đề rất thực: chiến tranh, bạo lực, sự cô lập về tinh thần, sự lặp lại của lịch sử do con người không chịu học hỏi từ những sai lầm cũ. Các thành viên trong gia đình Buendía dường như không thể thoát khỏi vòng luẩn quẩn của định mệnh. Dù cố gắng thay đổi, họ vẫn bị cuốn vào chuỗi lặp của sai lầm, của tình yêu loạn luân, của những tham vọng vượt quá tầm tay. Cuối cùng, tất cả kết thúc trong sự tan rã, một cái kết không ồn ào, nhưng ám ảnh.

Bạn đọc thân mến!

Nếu bạn từng đứng giữa dòng đời và tự hỏi mình là ai? Sống để làm gì? Và vì sao lại có những nỗi buồn không thể gọi tên thì có lẽ, “Trăm năm cô đơn” sẽ như một tấm gương phản chiếu những suy nghĩ sâu kín nhất trong bạn. Nó không cho bạn câu trả lời cụ thể, nhưng sẽ khuấy động trong bạn những câu hỏi quan trọng nhất.

Sự cô đơn là số phận tất yếu nếu con người không tìm được sự kết nối thật sự với nhau và với chính mình – làthông điệp cốt lõi mà tác phẩm gửi gắm. Đó không chỉ là câu chuyện của một gia đình, dòng họ, mà còn là lời cảnh tỉnh cho cả nhân loại rằng nếu ta cứ lặp lại quá khứ, không biết yêu thương và thấu hiểu, thì chúng ta – những con người sống trong thế giới hiện đại đầy kết nối vẫn có thể mãi cô độc.

Tác giả từng nói: “Cuộc đời không phải là những gì ta đã sống, mà là những gì ta nhớ lại và kể lại.” “Trăm năm cô đơn” là cuốn sách không chỉ để đọc mà để sống cùng, để chiêm nghiệm, để mang theo trong hành trình khám phá chính mình.

Hãy một lần bước vào thế giới Macondo, để rồi hiểu rằng, giữa trăm năm cô đơn của kiếp người, vẫn luôn có hy vọng, ánh sáng, và tình yêu, dù chỉ le lói  đủ để con người tiếp tục đi tới.

Trân trọng giới thiệu tới bạn đọc!

Sách hay: Đắc nhân tâm của tác giả Dale Carnegie

Kính chào bạn đọc thân mến!

Trong cuộc sống hiện đại, khi các mối quan hệ xã hội ngày càng trở nên đa dạng và phức tạp hơn, hiểu rõ những quy tắc ứng xử để việc giao tiếp trở nên hiệu quả là vô cùng quan trọng. Cuốn sách “Đắc nhân tâm” của tác giả Dale Carnegie là một trong những tác phẩm nổi bật giúp chúng ta hiểu được bí quyết thành công trong giao tiếp, từ đó xây dựng mối quan hệ tốt đẹp hơn giữa bản thân với những người xung quanh.

Cuốn sách được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1936 và nhanh chóng trở thành một trong những cuốn sách bán chạy nhất trên thế giới. Các nội dung trong tác phẩm không chỉ đơn thuần trang bị cho chúng ta về kĩ năng giao tiếp, mà đó còn là một cẩm nang giúp chúng ta cải thiện khả năng đối nhân xử thế, xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với bạn bè, đồng nghiệp và thậm chí là với những người thân trong gia đình. Những nguyên tắc đề cập trong cuốn sách được tổng hợp từ những kinh nghiệm thực tiễn của tác giả và những người thành công, giúp người đọc nhận thức sâu sắc về giá trị của sự quan tâm, thấu hiểu và lòng kiên nhẫn trong giao tiếp.

Cuốn sách bắt đầu với câu chuyện về một người đàn ông không bao giờ nhận được sự yêu mến từ đồng nghiệp, nhưng khi ông thay đổi cách tiếp cận, tập trung vào sự quan tâm, tôn trọng người khác, ông đã tạo dựng được những mối quan hệ vững chắc và thành công hơn trong công việc. Điều này tạo ra một cơ sở nền tảng lí luận vững chắc cho các nguyên lí mà Dale Carnegie chia sẻ trong suốt cuốn sách: Làm thế nào để có thể giao tiếp hiệu quả, thuyết phục người khác và dành được sự yêu mến. Cũng như tiêu đề của nó, “Đắc nhân tâm” không chỉ là một phương pháp, đó còn là một triết lí sống, giúp con người xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với những người xung quanh thông qua sự hiểu biết và tôn trọng.

Một trong những thông điệp quan trọng mà cuốn sách mang đến là “đặt mình vào vị trí của người khác”. Điều này có nghĩa là để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp, ta không những phải hiểu rõ bản thân mình mà còn cần phải hiểu được cảm xúc và suy nghĩ của đối phương, họ suy nghĩ như thế nào, cần gì và muốn gì?

Ngoài ra, tác giả cũng nhấn mạnh đến việc tạo ra ấn tượng đầu tiên tốt đẹp và duy trì sự tôn trọng trong suốt quá trình giao tiếp. Ông chia sẻ rằng, khi ta chú ý đến thái độ, cử chỉ và lời nói, sẽ giúp cho người đối diện cảm thấy thoải mái và dễ dàng kết nối với mình. Điều này đặc biệt quan trọng trong những tình huống cần xây dựng sự tin tưởng và hợp tác lâu dài. Hãy thử tưởng tượng, nếu bạn gặp ai đó lần đầu tiên mà họ có thái độ lạnh lùng, thiếu quan tâm, liệu bạn có muốn tiếp tục mối quan hệ đó hay không?

Một điểm đáng chú ý nữa trong cuốn sách là việc tạo ra sự khích lệ và động viên cho người khác thay vì chỉ trích họ. Chúng ta đều có những điểm yếu, nhưng thay vì chỉ trích và đổ lỗi, chúng ta có thể giúp người khác nhận ra lỗi sai của họ một cách nhẹ nhàng, từ đó giúp họ có động lực để cải thiện bản thân. Một ví dụ điển hình trong sách là câu chuyện về một người cha đã thuyết phục được con trai mình thay đổi hành vi bằng sự khuyến khích và động viên. Chứng tỏ rằng, thay vì chỉ trích, bắt buộc, việc khuyến khích và tôn trọng đối phương sẽ mang lại kết quả tích cực hơn rất nhiều. Điều này không chỉ giúp xây dựng một môi trường giao tiếp tích cực mà còn giúp cải thiện mối quan hệ giữa các cá nhân trong xã hội.

Một vấn đề đáng suy ngẫm là liệu những nguyên tắc trong “Đắc nhân tâm” có phù hợp trong mọi hoàn cảnh hay không? Có thể nói, mặc dù những nguyên tắc mà Dale Carnegie đưa ra rất hữu ích trong hầu hết các tình huống giao tiếp, nhưng cũng có những trường hợp, khi đối diện với những người không chân thành hoặc có những hành vi xấu, ta không thể chỉ sử dụng những nguyên tắc nhẹ nhàng để giải quyết vấn đề. Trong những tình huống như vậy, việc kiên quyết bảo vệ quyền lợi của bản thân cũng cần được chú trọng.

Bạn đọc thân mến!

 “Đắc nhân tâm” là một cuốn sách vô cùng giá trị, giúp mỗi người đọc nâng cao kĩ năng giao tiếp, cải thiện mối quan hệ và tạo dựng niềm tin từ những người xung quanh. Những nguyên tắc mà Dale Carnegie đưa ra không chỉ áp dụng trong công việc mà còn là chìa khóa giúp ta sống hòa hợp với cộng đồng. Việc học hỏi và vận dụng những điều này trong cuộc sống hàng ngày sẽ giúp chúng ta trở thành những người có ảnh hưởng tích cực và có thể tạo dựng một cuộc sống hạnh phúc hơn.

Trân trọng giới thiệu./.

Kính chào bạn đọc của chuyên mục “Mỗi tuần một cuốn sách hay” tuần này!

Trong những ngày tháng Ba lịch sử, khi dấu mốc kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931 – 26/3/2025) và 50 năm Ngày Giải phóng thành phố Đà Nẵng (29/3/1975 – 29/3/2025), thư viện xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc cuốn tiểu thuyết“Thép đã tôi thế đấy của tác giả Nikolai Ostrovsky – cuốn sách gối đầu giường của hàng triệu trái tim tuổi trẻ, của bao thế hệ thanh niên Việt Nam. Tác phẩm đã trở thành điển hình sâu sắc cho những phẩm chất chính trị, tinh thần cao quý, lòng trung thành sâu sắc của người thanh niên thời chiến đối với Đảng, Tổ quốc, nhân dân.

Tác giả Nikolai Ostrovsky (1904 – 1936)

“Thép đã tôi thế đấy được dịch ra hơn 70 thứ tiếng và in ra ở hơn 80 nước, trong đó có Việt Nam. Cuốn sách gồm 18 chương, được phát hành bởi NXB Văn học. Nội dung kể về cuộc đời của người chiến sĩ cách mạng tháng Mười: Pavel Korchagin – hiện thân của chính tác giả Ostrovsky. Pavel là một chàng thanh niên mang trong mình những tính cách lì lợm, bướng bỉnh và vô cùng dũng cảm, kiên trì. Khi lớn lên vào giai đoạn cuộc cách mạng đang bùng nổ, mang trong mình lòng yêu Tổ quốc cao cả, lí tưởng cống hiến sức trẻ của mình cho cách mạng, Đảng cộng sản. Rồi Pavel bị thương nặng trong cuộc chiến và phải đối mặt với nhiều khó khăn khi mắc bệnh thương hàn, bại liệt, mù, vôi hóa cột sống và phải ngồi xe lăn. Tuy nhiên, với tinh thần thép và niềm tin vào lý tưởng cách mạng, anh đã vượt qua tất cả –“Thép đã tôi trong lửa đỏ và nước lạnh. Từ đó thép trở nên cứng rắn và không hề biết sợ. Thế hệ chúng tôi đã được tôi luyện như vậy”.

Trong quyển sách, tác giả đã dẫn dắt người đọc đi qua từng cung bậc cảm xúc khác nhau. Ngoài sự can trường của Pavel, người đọc sẽ dễ dàng nhận ra được sự khốc liệt, tàn ác mà chiến tranh mang lại. Chính bằng những trải nghiệm của bản thân, tác giả đã khắc họa Pavel giống như chất thép được tôi luyện giữa lò đời bỏng rát khẳng định sự can trường dũng cảm trong cuộc sống và chiến đấu. Người chiến sĩ cách mạng Paven là hình mẫu lý tưởng lan tỏa, truyền lửa nhiệt huyết cho nhiều thế hệ với phương châm:“Cái quý nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người…”. Qua câu chuyện của Pavel Korchagin, độc giả có thể nhận ra giá trị của cuộc sống, ý nghĩa của sự cống hiến và lòng dũng cảm trong việc theo đuổi lý tưởng của chính mình. Chính điều này đã làm nên giá trị bất hủ của tác phẩm, truyền cảm hứng cho biết bao thế hệ mai sau.

Các bạn thân mến!

Lý tưởng cao đẹp nhất là sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người, không chỉ bó hẹp trong một giai đoạn lịch sử đấu tranh giành chính quyền, không chỉ ở phạm vi một quốc gia nào, mà càng ngày, chúng ta càng thấy rõ sự nghiệp ấy chỉ mới bắt đầu. Nó không chỉ là một sự lựa chọn của một cá nhân, một giai cấp mà là sự nghiệp thống nhất của nhân dân toàn thế giới.

“Thép đã tôi thế đấy” đã truyền tải thông điệp rất rõ ràng của tác giả với mong muốn đặt trọn niềm tin, sự hy vọng vào cuộc cách mạng, sẵn sàng cống hiến và cháy hết mình cho công cuộc bảo vệ quê hương, tổ quốc và đồng bào của mình. Đây có lẽ cũng là lý tưởng vĩ đại được những thế hệ thanh niên Việt Nam từ trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ như người thương binh Phạm Hồng Sơn, nữ bác sĩ anh hùng Đặng Thùy Trâm, nữ thanh niên xung phong Võ Thị Tần.., và rất nhiều những thanh niên khác nữa đã dâng hiến tuổi xuân cho Tổ quốc. Như lời Liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc từng viết trong nhật kí: “…Cuộc sống của Pavel là một dòng mùa xuân bất tận giữa cuộc đời. Đó là cuộc sống của người Đảng viên trẻ tuổi, cuộc sống của một chiến sĩ hồng quân. Mình thèm khát được sống như thế. Sống trọn vẹn cuộc đời dành cho Đảng, cho giai cấp. Sống vững vàng trước những cơn bão táp của cách mạng và của cuộc đời riêng…”. (Trích – “Mãi mãi tuổi hai mươi”). Đó cũng chính là ngọn lửa và chất thép hào hung bồi đắp cho giới trẻ hành trang vào đời để họ sống một cuộc đời nồng nhiệt, có phương châm, có lý tưởng rõ ràng.

Trân trọng giới thiệu./.

Sách hay: Quẳng gánh lo đi & vui sống của tác giả Dale Carnegie

Kính chào bạn đọc trong chuyên mục mỗi tuần một cuốn sách hay!

Trong nhịp sống hiện đại với những lo toan của cuộc sống, đâu đó chúng ta không tránh khỏi những căng thẳng và những muộn phiền. Nếu ta cứ liên tục chịu đựng gánh nặng sầu lo ấy, lâu dần nó sẽ trở nên trầm trọng làm chúng ta gục ngã khi nào không hay… Bạn muốn giải toả những lo lắng? Bạn muốn có một cuộc sống tràn ngập niềm vui? Hãy đến với “Quẳng gánh lo đi & vui sống” – cuốn sách sẽ mang đến một luồng gió, sức sống mới tích cực hướng bạn tới những điều hạnh phúc, an yên – “Nếu đời người quả là bể thảm thì quyển sách này chính là ngọn gió thần đưa thuyền ta tới cõi Niết Bàn, một cõi Niết Bàn ngay trần thế” (Trích lời tựa).

 “Quẳng gánh lo đi & vui sống” của tác giả Dale Carnegie (Nguyễn Hiến Lê dịch) được nhà xuất bản Văn hóa ấn hành năm 2001. Tác giả viết từ những kinh nghiệm sau 7 năm nghiên cứu về các triết gia cổ, kim, đông, tây; tiểu sử của hàng trăm danh nhân đương thời và rất nhiều những câu chuyện của những người dân bậc trung lưu, về những những thành công và cả những nỗi âu lo ở họ. Tất cả được gói gọn trong 8 phần, chứa đựng nhiều thông điệp sâu sắc và hữu ích, giúp người đọc tìm thấy phương hướng để loại bỏ lo âu, hướng đến một cuộc sống bình yên và hạnh phúc. 8 phần ấy được chia thành 30 chương, và chắc chắn bạn sẽ thấy tư tưởng sầu thảm của mình tiêu tan như sương mù gặp nắng xuân ngay từ những chương đầu.

Theo đó, cuốn sách trình bày 6 cách tránh mệt và ưu tư để bảo toàn nghị lực và can đảm; những phương thức căn bản để diệt lo; 7 cách luyện tinh thần để sống thanh thản và sung sướng,… Một nội dung lớn được đề cập và phân tích sâu sắc, đồng thời là phương châm ngắn gọn nhất mà chúng ta có thể áp dụng là: Phương cách tuyệt vời để chế ngự nỗi lo lắng là lấy niềm tin làm điểm tựa

Các phương pháp của Dale Carnegie đã xây dựng được thái độ sống tích cực cuốn sách không chỉ đọc một lần, bạn có thể đọc khi đang trong cơn nguy khó và cần một điểm tựa tinh thần; có thể đọc khi gặt hái thành công, khi thấy mình yếu lòng, khi người thân của bạn cần một lời động viên, an ủi…Chính vì vậy, đây là một trong rất nhiều cuốn sách mang sứ mạng cao quý là gột rửa những sầu lo, muộn phiền để mang đến thành công và hạnh phúc cho mọi người.

Tác giả cũng cung cấp những phương pháp giảm thiểu lo lắng trong công việc, mối quan hệ, và tài chính, giúp người đọc xây dựng một thái độ tích cực để có cuộc sống an nhiên, buông bỏ lo âu và tập trung vào niềm vui của từng khoảnh khắc. Trước nhất cuốn sách được viết cho chính bản thân họ. Bên cạnh đó, nội dung gắn liền với thực tế, và bất cứ ai cũng có thể ứng dụng nó dễ dàng. Trong từng chương, Carnegie đưa ra những chân lí sâu sắc, và để người đọc tin vào những chân lí ấy, ông kể nhiều câu chuyện có thực, bằng một giọng điệu rất có duyên, hóm hỉnh, nên không gây nhàm chán mà lại dễ nhớ, với những cái tên thú vị, kiểu như: “Không ai đá đồ chó chết cả”, “Đừng mất công cưa vụn mạt cưa”, “Định mệnh chỉ cho ta một trái chanh hãy làm thành một ly nước chanh ngon ngọt”,…

Bên cạnh những bài học là những lời khuyên rất chân thành: “Trong mỗi ngày, mỗi người ít nhất cũng điên 5’. Đừng điên quá cái độ ấy tức là khôn vậy!” Hay một câu nói hết sức độc đáo : “Ăn một đĩa rau vui vẻ, còn hơn ăn cả một con bò quay có hương vị của oán thù”. Đọc những trang sách ấy, chắc chắn ai ai cũng sẽ cảm thấy nhẹ lòng. Đặc biệt, bạn sẽ tìm được “Một quyết định quan trọng nhất trong đời bạn”. Có thể bạn sẽ không thấy điều gì mới mẻ, nhưng bạn sẽ nhận ra nhiều điều đã bị chúng ta bỏ quên. Từ những quy tắc được rút ra, nếu ta chịu áp dụng thì những ưu tư về gia đình, tài chính, tình duyên, bệnh tật, đến những lo lắng về công danh, tính mệnh đều sẽ được loại bỏ khỏi tâm hồn.

Bạn đọc thân mến!

Những trang sách của Dale Carnegie mở ra cho chúng ta cái nhìn lạc quan trước những sóng gió cuộc đời, để hiểu rằng gian nan, thử thách là một phần tất yếu của cuộc sống. Điều quan trọng là giải quyết những khó khăn, vượt qua những thử thách ấy chứ không phải chỉ luôn mong chờ những điều tốt đẹp. “Chúng tôi xin trân trọng tặng nó cho hết thảy những bạn đương bị con sâu ưu tư làm cho khổ sở trằn trọc canh khuya, tan nát cõi lòng…”(Trích lời tựa).

Hãy đến thư viện để tìm đọc quyển sách tuyệt vời này bạn nhé!