SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG NGUYỄN VĂN THOẠI

Địa chỉ: 132 đường Đô Đốc Lân - phường Hòa Xuân - quận Cẩm Lệ - TP Đà Nẵng

Điện thoại: (0236) 3721 888

Kính chào bạn đọc của chuyên mục “Mỗi tuần một cuốn sách hay” tuần này!

Trong những ngày tháng Ba lịch sử, khi dấu mốc kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931 – 26/3/2025) và 50 năm Ngày Giải phóng thành phố Đà Nẵng (29/3/1975 – 29/3/2025), thư viện xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc cuốn tiểu thuyết“Thép đã tôi thế đấy của tác giả Nikolai Ostrovsky – cuốn sách gối đầu giường của hàng triệu trái tim tuổi trẻ, của bao thế hệ thanh niên Việt Nam. Tác phẩm đã trở thành điển hình sâu sắc cho những phẩm chất chính trị, tinh thần cao quý, lòng trung thành sâu sắc của người thanh niên thời chiến đối với Đảng, Tổ quốc, nhân dân.

Tác giả Nikolai Ostrovsky (1904 – 1936)

“Thép đã tôi thế đấy được dịch ra hơn 70 thứ tiếng và in ra ở hơn 80 nước, trong đó có Việt Nam. Cuốn sách gồm 18 chương, được phát hành bởi NXB Văn học. Nội dung kể về cuộc đời của người chiến sĩ cách mạng tháng Mười: Pavel Korchagin – hiện thân của chính tác giả Ostrovsky. Pavel là một chàng thanh niên mang trong mình những tính cách lì lợm, bướng bỉnh và vô cùng dũng cảm, kiên trì. Khi lớn lên vào giai đoạn cuộc cách mạng đang bùng nổ, mang trong mình lòng yêu Tổ quốc cao cả, lí tưởng cống hiến sức trẻ của mình cho cách mạng, Đảng cộng sản. Rồi Pavel bị thương nặng trong cuộc chiến và phải đối mặt với nhiều khó khăn khi mắc bệnh thương hàn, bại liệt, mù, vôi hóa cột sống và phải ngồi xe lăn. Tuy nhiên, với tinh thần thép và niềm tin vào lý tưởng cách mạng, anh đã vượt qua tất cả –“Thép đã tôi trong lửa đỏ và nước lạnh. Từ đó thép trở nên cứng rắn và không hề biết sợ. Thế hệ chúng tôi đã được tôi luyện như vậy”.

Trong quyển sách, tác giả đã dẫn dắt người đọc đi qua từng cung bậc cảm xúc khác nhau. Ngoài sự can trường của Pavel, người đọc sẽ dễ dàng nhận ra được sự khốc liệt, tàn ác mà chiến tranh mang lại. Chính bằng những trải nghiệm của bản thân, tác giả đã khắc họa Pavel giống như chất thép được tôi luyện giữa lò đời bỏng rát khẳng định sự can trường dũng cảm trong cuộc sống và chiến đấu. Người chiến sĩ cách mạng Paven là hình mẫu lý tưởng lan tỏa, truyền lửa nhiệt huyết cho nhiều thế hệ với phương châm:“Cái quý nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người…”. Qua câu chuyện của Pavel Korchagin, độc giả có thể nhận ra giá trị của cuộc sống, ý nghĩa của sự cống hiến và lòng dũng cảm trong việc theo đuổi lý tưởng của chính mình. Chính điều này đã làm nên giá trị bất hủ của tác phẩm, truyền cảm hứng cho biết bao thế hệ mai sau.

Các bạn thân mến!

Lý tưởng cao đẹp nhất là sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người, không chỉ bó hẹp trong một giai đoạn lịch sử đấu tranh giành chính quyền, không chỉ ở phạm vi một quốc gia nào, mà càng ngày, chúng ta càng thấy rõ sự nghiệp ấy chỉ mới bắt đầu. Nó không chỉ là một sự lựa chọn của một cá nhân, một giai cấp mà là sự nghiệp thống nhất của nhân dân toàn thế giới.

“Thép đã tôi thế đấy” đã truyền tải thông điệp rất rõ ràng của tác giả với mong muốn đặt trọn niềm tin, sự hy vọng vào cuộc cách mạng, sẵn sàng cống hiến và cháy hết mình cho công cuộc bảo vệ quê hương, tổ quốc và đồng bào của mình. Đây có lẽ cũng là lý tưởng vĩ đại được những thế hệ thanh niên Việt Nam từ trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ như người thương binh Phạm Hồng Sơn, nữ bác sĩ anh hùng Đặng Thùy Trâm, nữ thanh niên xung phong Võ Thị Tần.., và rất nhiều những thanh niên khác nữa đã dâng hiến tuổi xuân cho Tổ quốc. Như lời Liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc từng viết trong nhật kí: “…Cuộc sống của Pavel là một dòng mùa xuân bất tận giữa cuộc đời. Đó là cuộc sống của người Đảng viên trẻ tuổi, cuộc sống của một chiến sĩ hồng quân. Mình thèm khát được sống như thế. Sống trọn vẹn cuộc đời dành cho Đảng, cho giai cấp. Sống vững vàng trước những cơn bão táp của cách mạng và của cuộc đời riêng…”. (Trích – “Mãi mãi tuổi hai mươi”). Đó cũng chính là ngọn lửa và chất thép hào hung bồi đắp cho giới trẻ hành trang vào đời để họ sống một cuộc đời nồng nhiệt, có phương châm, có lý tưởng rõ ràng.

Trân trọng giới thiệu./.