SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG NGUYỄN VĂN THOẠI

Địa chỉ: 132 đường Đô Đốc Lân - phường Hòa Xuân - quận Cẩm Lệ - TP Đà Nẵng

Điện thoại: (0236) 3721 888

Sách hay: Tôi tự học – Nguyễn Duy Cần

Kính thưa quý thầy cô và các bạn đọc thân mến!

Cùng với sự phát triển của xã hội, con người không ngừng học hỏi và nâng cao kiến thức của mình để hòa nhập với thời đại. Một con đường để làm tiền đề cho sự phát triển và thành công sau này chính là việc tự học. Tuy nhiên vẫn có nhiều người – đặc biệt là các bạn trẻ chưa hiểu hết tầm quan trọng của việc học. Có nhiều ý kiến được đưa ra: Học để làm gì? Học cái gì? Học như thế nào? Để giải quyết được những vấn đề thắc mắc ở trên tác giả Nguyễn Duy Cần, hiệu là Thu Giang – một học giả nổi tiếng vào những năm 50 – 60, thế kỉ 20 của nước ta đã viết một cuốn sách để bàn luận về vấn đề này với tựa đề – “Tôi tự học”. Sách do nhà xuất bản Trẻ ấn hành năm 2015.

“Tôi tự học”  là một tác phẩm kinh điển mang lại nhiều giá trị không chỉ đơn thuần là hướng dẫn về phương pháp học tập mà còn là một triết lý sống, nhất là đối với những bạn trẻ là học sinh – sinh viên đang trên hành trình tự học và phát triển bản thân.

Tác giả chia sẻ rằng việc học phải xuất phát từ lòng say mê và ý chí tự nguyện, không phải do áp lực từ gia đình hay xã hội. Ông kể về những trường hợp người học vì nhiều lý do khác nhau: có người học để đáp ứng mong muốn của cha mẹ, có người học vì nhu cầu công việc, và có người học vì khát khao tri thức. Tuy nhiên, chỉ khi chúng ta học vì chính bản thân mình, với niềm đam mê thực sự, việc học mới trở nên ý nghĩa và hiệu quả.

Trong cuốn sách, Nguyễn Duy Cần giới thiệu những phương pháp tự học mà ông đã đúc kết từ kinh nghiệm cá nhân và từ các bậc hiền nhân xưa. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc học về bề rộng và bề sâu. Học về bề rộng giúp chúng ta có cái nhìn tổng quan, hiểu biết đa dạng về nhiều lĩnh vực, tránh bị giới hạn bởi một góc nhìn hẹp hòi. Học về bề sâu giúp chúng ta đi sâu vào một lĩnh vực cụ thể, nắm vững kiến thức chuyên môn và phát triển tư duy logic.

Tác giả cũng đề cập đến việc cần phải có phương pháp học tập khoa học và sự cố gắng không ngừng. Ông cho rằng nếu chỉ đọc sách mà không thực sự hiểu và áp dụng được vào thực tế thì việc học trở nên vô nghĩa. Do đó, ông khuyến khích người đọc phải tập trung tinh thần, suy ngẫm kỹ lưỡng và liên tục thực hành những gì đã học. Việc này không chỉ giúp kiến thức trở nên vững chắc mà còn phát triển khả năng tư duy sáng tạo.

Một điểm đặc biệt trong cuốn sách là Nguyễn Duy Cần rất chú trọng đến việc rèn luyện phẩm chất đạo đức và tinh thần trong quá trình tự học. Ông nhấn mạnh rằng ý chí, niềm say mê, sự kiên trì, chăm chỉ và khiêm tốn là những yếu tố quan trọng giúp con người vượt qua mọi khó khăn. Ông chia sẻ rằng tự học không phải là con đường dễ dàng, nó đòi hỏi sự nỗ lực liên tục và không ngừng nghỉ. Tuy nhiên, chính những thử thách đó sẽ giúp chúng ta trưởng thành và mạnh mẽ hơn.

Cuốn sách cũng chứa đựng nhiều câu chuyện và bài học từ các bậc hiền nhân như Khổng Tử, Lão Tử, Tôn Tử… Những triết lý và kinh nghiệm của họ được tác giả trình bày một cách sinh động và dễ hiểu. Chẳng hạn, ông kể về cách Khổng Tử luôn khiêm tốn học hỏi từ mọi người xung quanh, hay cách Lão Tử tìm kiếm sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên. Những câu chuyện này không chỉ mang tính giáo dục mà còn truyền cảm hứng, khuyến khích người đọc áp dụng vào cuộc sống hàng ngày.

Nguyễn Duy Cần cũng bàn về việc đọc sách như một phương tiện quan trọng trong quá trình tự học. Ông khuyên người đọc nên biết cách chọn lựa sách phù hợp với bản thân, tránh những cuốn sách không mang lại giá trị thực sự. Đọc sách không chỉ để thu thập thông tin mà còn để phát triển tư duy, rèn luyện khả năng phân tích và đánh giá. Tác giả cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hiểu biết bản thân. Ông cho rằng chỉ khi chúng ta thực sự hiểu mình muốn gì, điểm mạnh và điểm yếu của mình là gì, chúng ta mới có thể lựa chọn con đường học tập phù hợp. Ông khuyến khích người đọc tự đánh giá, tự phê bình và luôn giữ tinh thần cầu tiến.

Các bạn thân mến!

 Tôi rất thích một câu nói trong cuốn sách rằng: “ Người học thức, tức là người thà biết ít mà thật biết những gì mình biết, còn những gì mình không biết, thì cũng biết rõ là mình không biết”. Sự học là vô tận. Sẽ có đôi lúc ta cảm thấy mất phương hướng vì chẳng biết học để làm gì. Cũng sẽ có lúc ta thất bại trong chính con đường học tập của mình. Nhưng tôi tin thông qua cuốn sách “ Tôi tự học”, mỗi người chúng ta sẽ có thể tìm thấy giá trị thông qua việc tự học cũng như có cho mình một

phương pháp học tập phù hợp với bản thân nhất! Mặc dù cuốn sách có thể hơi khó đọc bởi lối hành văn sử dụng câu chữ của người xưa nhưng tôi tin rằng cuốn sách này rất phù hợp với lứa tuổi học sinh chúng ta.

Nhân dịp kỉ niệm 75 năm Ngày truyền thống học sinh, sinh viên và Hội Sinh viên Việt Nam, tiếp tục kế thừa những truyền thống vẻ vang của các thế hệ đi trước, chúng ta – thế hệ học sinh hôm nay hãy phát huy ý chí tự lực, tự cường, truyền thống hiếu học để viết tiếp những trang sử hào hùng bằng chính trí tuệ và khát vọng của mình. Hi vọng thông qua bài giới thiệu này các bạn sẽ tìm đọc và tự cảm nhận những giá trị mà cuốn sách mang lại. 

Sách hay: Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu – Rosie Nguyễn

Các bạn thân mến!

Tuổi trẻ của mỗi người vốn như cơn gió mùa hạ làm tươi mát những cằn cỗi sau bao ngày nóng bức, dù nhiều ồn ào nhưng rộn rã một khoảng trời. Tuổi trẻ dù nhiều ngổn ngang thì nỗi khát khao lúc nào cũng mãnh liệt… Tuổi trẻ đôi lúc tồn tại và nên tồn tại những lo sợ về sự chảy trôi của thời gian, bởi tuổi trẻ chỉ được một khoảng, chẳng thể kéo dài đến mãi mãi…để rồi thi sĩ Xuân Diệu phải thốt lên:

“Lòng tôi rộng nhưng lượng trời cứ chật

Không cho dài thời trẻ của nhân gian”

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư từng chiêm nghiệm về đời người : “Người ta dành cả thời trẻ loay hoay với câu hỏi ta sẽ đi đâu, rồi cả buổi già bận bịu với chuyện ta đến từ đâu” .Thế mới thấy tuổi trẻ đẹp đẽ và ý nghĩa đến nhường nào.    Bởi lẽ ở giai đoạn này những tâm tư, hoài bão và những ước mơ khát vọng mãnh liệt sẽ được khởi nguồn…. Đừng để khoảng thời gian ngắn ngủi này chỉ còn lại tiếc nuối, khi nhìn lại với những điều chưa làm được hoặc đánh rơi mất. Tất cả những xúc cảm này đều được tác gỉa Rosie Nguyễn trải lòng trong cuốn sách mang tựa đề “tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu”, sách do NXB Hội nhà văn phát hành năm 2018.

Cuốn sách được viết ra từ chính thực tế của một người trẻ tuổi trong hành trình rèn luyện bản thân và gặp phải không ít khủng hoảng. Tuy nhiên, sau tất cả cô gái ấy đã bứt phá tìm được đam mê và tỏa sáng trên con đường lựa chọn chính mình.  Chỉ với 285 trang, cuốn sách sẽ mang đến cho người chưa đọc, đang và sẽ tìm hiểu về chính tương lai của mình – một trải nghiệm bằng thực tế của tác giả, chiêm nghiệm về một thời thanh xuân cháy bỏng nhiệt huyết nhưng cũng rất nhiều lo âu.

Cuốn sách được chia làm 5 phần, trong đó 3 phần chính là học, làm, đi, 2 phần còn lại là đam mê và đọc sách.

Ở phần 1 với chủ đề “Tôi đã học như thế nào?” tác giả tập trung đưa ra những phương pháp học tập tốt nhất dành cho các bạn trẻ, đặc biệt là các bạn còn đang ngồi trên ghế nhà trường, đó là những thói quen tốt nên có như sức khỏe, đọc sách…“Các bạn trẻ không nên bỏ phí tuổi trẻ của mình vào những thú vui khác mà quên đi việc đọc sách mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng”. “Rõ ràng là không phải ai đọc sách cũng thành công. Nhưng lại có một sự thực rõ ràng khác là những người thành công đọc rất nhiều sách”.

 Đến với phần 2 “Học đi đôi với hành”, trong phần này cô đã mang đến những mẩu chuyện từ những người mà cô quen trên hành trình trải nghiệm của mình. Những câu chuyện này cho chúng ta thấy một cái nhìn đa chiều về những trải nghiệm của từng người ở từng giai đoạn khác nhau và cách họ làm thế nào để từng bước chạm đến công việc mơ ước của mình. Những thước phim này sẽ là nguồn cảm hứng cho độc giả trên con đường tìm ra đam mê, hướng đi trong sự nghiệp và mục đích trong cuộc sống.

Tiếp tục đến phần 3 – “Đi là một cách tự học”. Rosie Nguyễn đã khéo léo dẫn dắt người đọc đến với điều chính yếu mà cô muốn nói đó chính là tự trải nghiệm là một cách tự học. Học thuật sẽ rất khô khan nếu chúng ta không áp dụng vào thực tế, vậy nên hãy đi nhiều và tự trải nghiệm nhiều thông qua du lịch để biết rằng ngoài kia là một thế giới nhiều màu sắc và đôi khi hoàn toàn rất khác với những gì ta đã học.

Phần 4 “Lấp lánh trước khi tỏa sáng” – Tác giả muốn trở thành một người bạn đồng hành với những người trẻ trên chặng đường trưởng thành gian nan này, nên cô đã tận dụng những vốn sống và trải nghiệm của mình để thổi hơi vào quyển sách với một cái nhìn mới mẻ về cách sống và theo đuổi đam mê của mình. Cô không chỉ hướng dẫn mà còn đưa ra lời động viên nhằm vực dậy tâm hồn những người trẻ đang lạc lối và chưa tìm ra được phần sức mạnh tiềm ẩn bên trong mình.

Phần 5 – phần cuối cùng của cuốn sách với chủ đề “Quà tặng kèm” bao gồm những lời khuyên hữu ích và chân thành của Rosie muốn dành cho những độc giả trẻ. Thay vì phải né tránh và sợ hãi, tác giả đã truyền thêm một luồng sức mạnh cho người trẻ, hãy dám nghĩ dám làm và đương đầu với mọi khó khăn. Đơn giản vì đó là Tuổi trẻ.

Bên cạnh đó, Rosie Nguyễn cũng thẳng thắn viết về những mặt trái xuất hiện trong đời sống của người trẻ ngày nay, khi bản thân từng người sống không có mục tiêu, lại càng không có một kế hoạch cụ thể cho hành trình hiện tại và tương lai. Không ít người chỉ đơn giản là đang tồn tại, chứ chưa bao giờ thật sự sống và trải nghiệm. Mỗi một ngày trôi qua trong vô nghĩa là một ngày chúng ta đánh mất đi cơ hội được học tập, làm việc và tận hưởng thanh xuân.

Các bạn thân mến!

Cuốn sách đã để lại trong tôi nhiều trăn trở. Liệu rằng mình có đang lãng phí tuổi xuân và khiến nó vô vị không? Liệu rằng những trải nghiệm đã qua có là đủ đầy để ta sẵn sàng bước tới những giai đoạn khác…? thì quyển sách này đã như một tia sáng cho tôi trên con đường chinh phục ước mơ và theo đuổi đam mê của mình một lần nữa. Nó không đơn thuần chỉ là “những ghi chép trải nghiệm” mà còn là nguồn cảm hứng, nguồn động lực. Mong rằng tuổi trẻ của chúng ta, mỗi người sẽ tìm cho riêng mình một khoảng trời riêng để vùng vẫy, có những chuyến đi đến những vùng đất mà bạn khao khát muốn đặt chân. Những hành trình rồi vẫn sẽ nối dài và con người bạn cũng dần trở nên ấm áp và lấp lánh nụ cười như những tia nắng sớm. Như những chú lính chì dũng cảm, lặng lẽ tìm cho bản thân một chìa khóa mở ra “Tuổi trẻ” của chính mình, để dù đi đến đâu, gặp gỡ bao nhiêu người, trở về bạn vẫn là chính bản thân của những ngày thanh xuân rực rỡ nhất.

Chúng ta đang là học sinh ngồi trên ghế nhà trường, là những cô cậu học sinh 17, 18 tuổi, độ tuổi đẹp nhất của đời người. Vì vậy đừng ngại mơ ước, đừng lo sợ trước những thất bại, hãy hành động, hãy sống thật ý nghĩa để chúng ta có một tuổi trẻ giá trị, không phải hối tiếc trong những năm tháng sau này.

Với bạn tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu? Với tôi tuổi trẻ là vô giá! Mời thầy cô và các em học sinh cùng đón đọc tác phẩm tại thư viện nhé!

Sách hay: Nỗi buồn chiến tranh – Bảo Ninh

Kính chào bạn đọc của chuyên mục mỗi tuần 1 cuốn sách hay!

Chiến tranh đã lùi vào quá khứ, nhưng có lẽ những dư âm của nó để lại vẫn vang vọng đến tận mãi bây giờ. Đó là những năm tháng oanh liệt hào hùng, nơi có những tiếng hát át tiếng bom, có tinh thần tập thể chiến đấu quật cường, anh dũng… nhưng nó cũng mang đến đầy rẫy những nỗi buồn, những mất mát, những tổn thất không gì có thể bù đắp được. Hướng đến kỉ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024). Hôm nay thư viện Trường xin trân trọng giới thiệu đến quý độc giả cuốn tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của tác giả Bảo Ninh, sách gồm 324 trang, do nhà xuất bản Trẻ ấn hành năm 2011.

Bảo Ninh tên thật là Hoàng Ấu Phương, sinh năm 1952 tại Nghệ An, là nhà văn cựu chiến binh, quê ở Quảng Bình. Ông tham gia quân ngũ năm 1969, chiến đấu ở mặt trận B3 Tây Nguyên. Đến năm 1975 thì giải ngũ. Từ năm 1987 những truyện ngắn đầu tay đã ra đời nhưng chỉ đến năm 1990 với tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranhthìmới được chú ý và tạo ra làn sóng phê bình sôi động trong giới văn nghệ. Tiểu thuyết đã được dịch ra 15 thứ tiếng, và có những thứ tiếng có 2 phiên bản, giới thiệu ở 18 nước trên thế giới. Tác phẩm chạm vào mẫu số chung của nhân loại – đó là mẫu số của những nỗi đau chiến tranh.

Theo những hồi tưởng của Kiên chúng ta ngược dòng thời gian, trở về một thời chiến tranh, bom đạn khốc liệt của những nhân vật như Kiên và Phương. Họ mang trong mình tình yêu trong sáng, ngây thơ của tuổi 17 nhưng phải tạm chia cách vì Kiên đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Ngày Kiên nhập ngũ, Phương tiễn người yêu của mình trên một chặng đường dài. Không may, trên tuyến tàu hàng hải ra tiền tuyến, Phương bị cưỡng bức nên mang trong mình thái độ điềm nhiên khinh nhờn và thờ ơ lãnh đạm sau biến cố kinh khủng ấy.

Sau 10 năm chiến tranh, Kiên may mắn sống sót trở về cuộc sống hòa bình. Vậy nhưng, những vết thương trên thân thể và tâm hồn khiến anh không thể hòa nhập vào dòng chảy của cuộc sống hiện đại. Kiên trở thành một nhà văn cấp phường khó tính, kỳ quặc mà chẳng ai có thể hiểu. Nhà văn hậu chiến viết về những ký ức ám ảnh của cuộc đấu tranh tàn khốc. Những giấc mơ gắn liền với cái chết, có người hy sinh vì anh, cũng có người đã chết vì những lỗi lầm của anh. Đó là người đội trưởng tên Quảng cầu xin Kiên hãy kết liễu đời anh vì anh đau đớn quá. “Bụng rách trào ruột, xương xẩu dường như gãy hết, tay lủng liểng”. Hay “những người lính dù trang phục vằn vện nằm phơi nắng trong các lùm bụi lúp xúp ven rừng Kờ Leng, thản nhiên trương phình lên, thản nhiên chịu đựng lũ ruồi, bầy dòi và mùi da thịt khắm lặm của mình” hay “Ai đã đọc Kiên thì đều có dịp hình dung những trận mưa cẳng chân, bàn tay rơi lịch bịch lẹt bẹt xuống đồng cỏ voi bên bờ sông Sa Thầy.” …

Hồi ức đưa Kiên trở lại ngày anh gặp Phương. Anh muốn cùng Phương quay về thời yêu nhau bất chấp, nhưng cô đã buông rơi mình trong trụy lạc. Hai người đã khác xa nhau của tuổi 17, khi chiến tranh và biến cố cuộc đời đã gạch chi chít vào những nét chỉ tay. Chán chường trước cuộc sống hiện tại, Kiên tự tay đốt thành tro cuốn tiểu thuyết của mình và cuộc đời anh cũng dừng lại từ đó. Anh ra đi. Những gì còn sót lại là mớ bản thảo rối bời được người đàn bà câm gom góp, cất giữ.

Kính thưa quý thầy cô giáo cùng tất cả các em học sinh!

Tác phẩm đã miêu tả chiến tranh từ một góc độ khác, góc độ cá nhân, thân phận con người. Chiến tranh không còn là câu chuyện của một dân tộc, mà còn là chuyện đời của những người trẻ. Kiên chính là điển hình cho người lính bị đeo đuổi bởi những giấc mơ kinh hoàng như thế. Là người chiến sĩ sống sót sau chiến tranh không thể tự giải thoát khỏi các hồi tưởng về cuộc chiến, về các đồng đội đã mất như một chứng bệnh trầm cảm. Là người đánh mất mối tình đẹp đẽ của mình. Là người viết tiểu thuyết với ý thức sứ mệnh. Với ba vai đó, tiểu thuyết thể hiện rõ ba nội dung sâu sắc: cuộc chiến tranh khốc liệt với vô vàn chết chóc; chiến tranh và sự hủy diệt hạnh phúc đời thường; ý thức về chuyện viết văn về đề tài chiến tranh, muốn vượt qua truyền thống cũ.

Chiến tranh là trải nghiệm không một ai muốn, bởi nó“…là bài ca kinh hoàng, là cõi không nhà, không cửa, lang thang khốn khổ và phiêu bạt vĩ đại, là cõi không đàn ông, không đàn bà là thế giới bạt sầu, là thế giới thảm sầu vô cảm và tuyệt tự khủng khiếp nhất của dòng giống con người” nhưng Nỗi buồn chiến tranh là nỗi buồn ai cũng cần phải nhớ, nhất là những thế hệ trẻ của hôm nay, để biết, để hiểu về những ngày tháng cũ, thấm hết nỗi đau đớn và ám ảnh khôn cùng mà chiến tranh phi nghĩa để lại trên mảnh đất bé nhỏ, về những con người đâu đó trong trang thơ của Nguyễn Khoa Điềm đã từng nhắc:

“Họ đã sống và chết

Giản dị và bình tâm

Không ai nhớ mặt đặt tên

Nhưng họ đã làm ra đất nước”

          Hãy thử mở trang sách ra, và rồi cũng như tôi, cũng sẽ hiểu được vì sao mà “Nỗi buồn chiến tranh” lại được giới văn chương trong và ngoài nước đánh giá là “cuốn tiểu thuyết xúc động nhất về chiến tranh Việt Nam”, “cuốn sách chạm vào mẫu số chung của nhân loại. Mời quý thầy cô giáo và các em học sinh tìm đọc cuốn sách tại Thư viện trường./.

Sách hay: Bản án chế độ thực dân Pháp

Bạn đọc thân mến!

Cách đây 113 năm (ngày 05/6/1911), người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã lên con tàu Amiral Latouche Tréville, từ Bến cảng Nhà Rồng, thành phố Sài Gòn đi Marseille (Pháp) với ý chí mãnh liệt và hoài bão sẽ tìm được con đường cứu nước, giải phóng nhân dân khỏi ách nô lệ của thực dân, đế quốc.

Chứng kiến cảnh tượng thực dân Pháp bắt người da đen lội ra chiếc tàu khi biển trong cơn gió to sóng lớn, Nguyễn Ái Quốc nhận định: “Người Pháp ở Pháp phần nhiều là tốt. Song, những người Pháp thực dân rất hung ác, vô nhân đạo. Ở đâu cũng thế. Ở ta, tôi cũng thấy chuyện như thế xảy ra ở Phan Rang. Bọn Pháp cười sặc sụa trong khi đồng bào ta chết đuối vì chúng nó. Đối với bọn thực dân, tánh mạng của người thuộc địa da vàng hay da đen cũng không một xu”…
          Phải đến sau này, khi gởi yêu sách của nhân dân An Nam đến Hội nghị Véc-xây, đặc biệt khi tiếp xúc bản sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lê-nin, Nguyễn Ái Quốc càng hiểu rõ và nhận ra đầy đủ bản chất không chỉ của bọn thực dân Pháp mà đó là của chủ nghĩa thực dân nói chung.Chúng là kẻ thù của tất cả các dân tộc thuộc địa ở khắp các châu lục. Từ đó, Nguyễn Ái Quốc không chỉ tố cáo tội ác của thực dân Pháp mà là tố cáo tội ác man rợ của tất cả bọn thực dân ở các thuộc địa trên toàn thế giới.

Nguyễn Ái Quốc khẳng định: chủ nghĩa thực dân là con đẻ của các cường quốc tư bản chủ nghĩa. Chúng không chỉ áp bức bóc lột nhân dân các dân tộc thuộc địa mà còn áp bức bóc lột nhân dân lao động ở chính quốc. Chủ nghĩa thực dân là kẻ thù chung của các dân tộc thuộc địa và nhân dân lao động ở chính quốc. Chủ nghĩa thực dân là giai đoạn mở đầu của chủ nghĩa đế quốc, là nguyên nhân của các cuộc chiến tranh trên thế giới.

Nguyễn Ái Quốc bằng nhiều hình thức từ viết bài đăng báo đến diễn đàn tố cáo tội ác của chủ nghĩa thực dân. Đặc biệt, “Bản án chế độ thực dân Pháp” là tác phẩm viết bằng tiếng Pháp trong khoảng những năm 1921-1925 và được xuất bản đầu tiên năm 1925 tại Paris (Thủ đô nước Pháp). Tác phẩm vừa có giá trị lớn về chính trị, tư tưởng, vừa có giá trị lớn về văn học của Nguyễn Ái Quốc, như một quả bom công phá thành trì chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc trên toàn thế giới.

Cuốn sách: Bản án chế độ thực dân Pháp

Tác phẩm gồm 12 chương và phần phụ lục, chú thích với cách thành văn ngắn gọn, súc tích, cùng với những sự kiện đầy sức thuyết phục, tố cáo thực dân Pháp dùng mọi thủ đoạn khốc liệt bắt “dân bản xứ” phải đóng “thuế máu” cho chính quốc… để “phơi thây trên chính trường Châu Âu”, đày đọa phụ nữ, trẻ em “thuộc địa”; các thống sứ, quan lại thực dân độc ác như một bầy thú dữ, v.v… Tác phẩm đã gây được tiếng vang lớn ngay từ khi ra đời, thức tỉnh lương tri của những con người yêu tự do, bình đẳng, bác ái, hướng các dân tộc bị áp bức đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười Nga và Chủ nghĩa Mác-Lênin, thắp lên ngọn lửa đấu tranh cho độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội của dân tộc Việt Nam.

Năm 1946, ở Việt Nam, cuốn sách đã được xuất bản bằng tiếng Pháp tại Hà Nội. Năm 1960, Nhà xuất bản Sự thật đã xuất bản bằng tiếng Việt lần thứ nhất và đã in trong tuyển tập của Hồ Chí Minh.

Bản án chế độ thực dân Pháp là một bản cáo trạng, tố cáo tội ác của thực dân Pháp không chỉ ở Đông Dương, ở Việt Nam mà ở khắp các thuộc địa: An-giê-ri, Tuy-ni-di, Tây-Phi…Đồng thời đóng góp sáng tạo vào việc truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam đánh dấu sự trưởng thành trong ý thức cách mạng của nhân dân ta, đáp ứng những đòi hỏi bức thiết của cách mạng Việt Nam về một đường lối sáng suốt và đúng đắn, để thoát ra khỏi tình trạng mơ hồ về phương hướng và mục tiêu cách mạng. Với tác phẩm này, ánh sáng của chân lý cách mạng của thời đại đã soi rọi vào tâm trí nhân dân ta và các dân tộc bị áp bức…

Cuốn sách hiện có tại thư viện, quý thầy cô và các bạn tìm đọc nhé!

Hoạt Động Trải Nghiệm Kỷ Niệm 80 Năm Ngày Thành Lập Quân Đội Nhân Dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024)

Trên cơ sở thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới (CTGDPT 2018), Tổ Giáo dục thể chất – Giáo dục quốc phòng và An ninh; tổ Sử – Địa – GDKT&PL – Âm nhạc kết với Đoàn trường tổ chức cho học sinh lớp 10, 11, 12 năm học 2024 – 2025 được học tập trải nghiêm thực tế tại trường Quân sự Quân khu 5, thành phố Đà Nẵng. Với mục đích gắn việc học tập với thực tế nhằm mở rộng hiểu biết, giáo dục bộ môn, giúp học sinh được giáo dục về kỷ luật, lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, trách nhiệm xã hội, ý thức rèn luyện thể lực, góp phần xây dựng nhân cách và lý tưởng sống cho học sinh, trải nghiệm về một địa điểm hoạt động của các chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam trong thời bình, giúp các em khơi dậy lòng tự hào và yêu quê hương, đất nước, giúp học sinh hiểu rõ hơn về lịch sử hào hùng của dân tộc và giá trị của sự hy sinh cao cả vì Tổ quốc.

Không gian tái hiện lịch sử

Sáng ngày 14/12/2024, Thầy cô và hoc sinh Trường THPT Nguyễn Văn Thoại được đến thăm và trải nghiệm nhiều hoạt động thực tế tại Trường Quân sự Quân Khu 5.

Học sinh được tham gia các hoạt động:

1. Dâng hoa và quả tượng Bác Hồ.

2. Quan sát hoạt động nội vụ của các chiến sỹ: Học cách gấp chăn màn theo kiểu quân đội, thăm quan nơi sinh hoạt hằng ngày của bộ đội tại Tiểu đoàn D4

3. Tham quan Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh: Tham quan Sinh viên của Trung tâm Giáo dục Quốc phòng Quân khu 5 thực hành về ngắm súng và bắn, các em được trải nghiệm thực hành tại đây

4. Trường Quân sự Quân khu 5: Thầy cô và các em được nghe thuyết minh về Quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành 80 năm Quân đội Nhân dân Việt Nam. Các em được lắng nghe những câu chuyện xúc động từ những người lính năm xưa, qua đó thêm tự hào và biết ơn những đóng góp to lớn của thế hệ cha ông. Thầy cô và học sinh phát biểu cảm tưởng về chuyến tham quan, học tập và trải nghiệm tại Trường Quân sự Quân khu 5

Chương trình văn nghệ tri ân

Hoạt động khép lại bằng chương trình văn nghệ đặc sắc với các tiết mục ca ngợi Tổ quốc, người lính và tình yêu quê hương. Tiết mục múa “Tuổi đôi mươi” cùng tiết mục hát “Màu hoa đỏ” đã làm bừng lên không khí tự hào, đầy xúc động trong lòng khán giả.

Ý nghĩa của chương trình

Chuỗi hoạt động không chỉ giúp các em học sinh hiểu rõ hơn về lịch sử, truyền thống vẻ vang của Quân đội Nhân dân Việt Nam, mà còn là dịp để các em rèn luyện tinh thần kỷ luật, đoàn kết và lòng yêu nước. Đây cũng là cách nhà trường giáo dục thế hệ trẻ tiếp nối truyền thống cha anh, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Cảm ơn Trường THPT Nguyễn Văn Thoại và Trường Quân sự Quân khu 5!

Chúng ta hãy cùng nhau tiếp tục nuôi dưỡng những giá trị tốt đẹp, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng vững mạnh! Chương trình kỷ niệm đã khép lại nhưng những giá trị và bài học lịch sử mà các em học sinh được trải nghiệm chắc chắn sẽ là hành trang quý báu trên bước đường trưởng thành, phát triển toàn diện.

Một số hình ảnh của buổi Hoạt động trải nghiệm: