SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG NGUYỄN VĂN THOẠI

Địa chỉ: 132 đường Đô Đốc Lân - phường Hòa Xuân - quận Cẩm Lệ - TP Đà Nẵng

Điện thoại: (0236) 3721 888

Sách hay: Nhà giả kim – Paulo Coelho

Kính chào bạn đọc!

Macxim Gorki đã từng nói: “Sách mở rộng trước mắt tôi những chân trời mới”. Đúng như vậy, mỗi cuốn sách mở ra cho chúng ta một cánh cửa dẫn đến một thế giới khác, một thế giới của những tư duy tích cực, của những ý chí, ước mơ lớn lao, làm thay đổi nhận thức của mỗi chúng ta, tác động đến việc ta làm, cách ta sống. Nếu như bạn vẫn đang sống một cuộc sống mà chưa có lấy cho mình một ước mơ, chưa thực sự xác định được mình muốn gì? mục tiêu của mình là gì? thì cuốn sách Nhà giả kim của Paulo Coelho sẽ là một nguồn cảm hứng vô tận, một người đồng hành giúp bạn thực hiện khát vọng của chính mình. Sách được nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 2015.

Tác giả Paulo Coelho sinh năm 1947 ở thành phố xinh đẹp Riode Janeiro, Brazil. Từ nhỏ, ông đã có ước mơ trở thành nhà văn nhưng bị bố mẹ ngăn cản nên ông đã theo lời bố mẹ học trường luật tại quê nhà. Những áp đặt của gia đình và xã hội lúc bấy giờ đã khiến Paulo Coelho quyết định bỏ học và bắt đầu đi du lịch. Trước khi chính thức theo đuổi sự nghiệp viết lách, ông đã làm qua rất nhiều nghề như soạn lời cho các ca sĩ, làm báo, diễn viên và giám đốc nhà hát.

Nhà giả kim là một cuốn tiểu thuyết hấp dẫn và đầy tính nhân văn xoay quanh cuộc hành trình của cậu bé chăn cừu Santiago ở Tây Ban Nha tìm đến nơi cất giữ kho báu ở kim tự tháp Ai Cập. Thay vì đáp ứng mong muốn của cha mẹ cậu là trở thành một linh mục để đem lại niềm tự hào cho gia đình thì cậu ấy đã bỏ lại gia đình và sự nghiệp để được chu du khắp Andalusia và trở thành một kẻ chăn cừu. Cuộc hành trình dài này đã giúp cậu nhận ra nhiều bài học đáng quý cũng như mục đích và ý nghĩa cuộc đời mình:“Kho báu chẳng tìm ở đâu xa, đó là hạnh phúc khi được sống ngay tại chính quê hương mình”, kho báu thật sự của cuộc đời không phải là kho báu bằng vàng, mà chính là “khả năng đánh thức những điều tốt đẹp nhất trong chúng ta”.

Bạn đọc thân mến!

Tác phẩm không chỉ chứa đựng những thông điệp hay và rất đáng để trải nghiệm, nó còn mang đến cho người đọc rất nhiều trích dẫn và chân lý về cuộc sống, tình yêu, ước mơ và khát vọng phát triển bản thân của mỗi người. Tác giả tin rằng trên thế gian này, mỗi người đều sẽ có cho riêng mình một giấc mơ để tìm cầu và những dấu hiệu chỉ dẫn mà vũ trụ thông tin đến. 

Trong cuốn sách có viết: “Mọi thứ ở trên đời đều là dấu hiệu cả. Trên đời không có gì là ngẫu nhiên đâu. Khi ta tha thiết mong ước điều gì thì ta gần gũi với tâm linh vũ trụ hơn. Nó luôn luôn có tác dụng tích cực. Mọi thứ trên trái đất đều biến dịch không ngừng vì thế giới này sống động và có một tâm linh. Chúng ta là một bộ phận của tâm linh ấy và hiếm khi chúng ta ý thức được rằng nó có ảnh hưởng tích cực đến việc chúng ta làm”. Vâng, đó chính là sự giúp đỡ của vũ trụ với những người cố gắng, biết vượt khó vượt khổ cho giấc mơ của mình. Khi cuộc sống đặt bạn vào tình thế khó khăn,… Đừng bao giờ nói: “Tại sao lại là tôi…?” mà hãy nói: “Tôi sẽ cố gắng…”.

Hay ấn tượng hơn:

Tôi không sống ở quá khứ hay tương lai, tôi chỉ có hiện tại và chỉ quan tâm tới hiện tại. Nếu ta lúc nào cũng ở trong hiện tại được thì ta là người hạnh phúc!”. Đoạn trích trên nhìn tuy có vẻ đơn giản, nhưng nó lại ẩn chưa triết lí sống đầy tích cực: “Ta chẳng thể níu kéo thời gian vì đó là ngày hôm qua, một đi không trở lại; ta cũng chẳng thể nào biết trước được tương lai vì đó là ngày mai; bởi vậy, hãy sống trọn cho hiện tại để tô đẹp quá khứ và kiến tạo tương lai của chính mình!”. Đây cũng là cách mà tác giả truyền tải những bài học, thông điệp cho độc giả một cách thẳng thắn, ngắn gọn, giúp người đọc không phải tốn nhiều thời gian suy nghĩ.

Và cuối cùng, thông điệp mà tác giả mang đến cho bạn đọc xuyên suốt tác phẩm là: “Hãy theo đuổi ước mơ của bạn bằng cách làm theo những gì trái tim mách bảo. Vũ trụ sẽ gửi đến cho bạn những tín hiệu, những điềm báo về sứ mệnh của mình, việc của bạn là hãy học cách để hiểu được những tín hiệu đó”. Đừng bao giờ bỏ qua ước mơ của mình! Hãy cứ tiếp tục mơ ước! Và đặc biệt là đừng mơ cho cuộc sống mà hãy sống cho giấc mơ vì có một giấc mơ để trở thành hiện thực khiến cho cuộc sống trở nên thú vị hơn. Khi bạn đã dám dấn thân vào thực hiện ước mơ của mình thì những thứ bạn nhận được còn nhiều hơn cả việc chạm tay vào giấc mơ.

Hi vọng rằng cuốn sách là động lực giúp bạn tiếp thêm sức mạnh và ý chí để thực hiện mọi dự định cho tương lai.

Trân trọng giới thiệu tới bạn đọc./.


Sách hay: Không gia đình – Hector Malot

Gia đình – chính là nơi có ông, có bà, có cha, có mẹ,…có những người thân yêu nhất đã nuôi nấng che chở để ta khôn lớn thành người. Bởi vậy mà rất nhiều nhà văn, nhà thơ đã chọn hai tiếng thiêng liêng ấy là bến đỗ cảm xúc cho ngòi bút văn chương của mình. Hector Malot là một nhà văn như thế bởi ông đã rất thành công khi mang đến những câu chuyện xúc động về tình thân thông qua cuốn tiểu thuyết: “Không gia đình”.

Hector Malot (1830 -1907), một văn hào sinh ra ở miền Bắc nước Pháp. Ông học luật ở Rouen và Paris và đã từng làm việc cho một văn phòng luật sư. Nhưng văn học lại là niềm đam mê lớn nhất của đời ông.

Hector Malot đã mang tác phẩm đến với đại gia đình những tâm hồn yêu sách khắp nơi trên thế giới. Cuốn sách đã khơi gợi những cảm xúc chân thật nhất từ việc một đứa trẻ phải đấu tranh để sống qua ngày, khao khát có một mái ấm gia đình, khao khát có một cái ôm từ phía cha mẹ, khao khát có được một ngày bình yên bên người thân.

Ngay mở đầu cuốn sách ông đã viết: “Tôi là một đứa trẻ người ta nhặt được”. Người đọc sẽ có cơ hội được trải nghiệm cùng những chặng đường chông gai mà cậu bé Rêmi phải vượt qua. Hành trình của nhân vật chính đôi lúc khiến người ta phải ngậm ngùi xúc động bởi em là cậu bé mồ côi cha mẹ phải rong ruổi khắp các ngả đường nước Pháp để mưu sinh. Cuộc sống của em là những ngày lưu lạc theo một đoàn xiếc chó, khỉ với sự bao bọc của cụ Vitali. Rồi đến khi người ông đáng kính ấy mất đi, một mình em phải cầm đầu đoàn xiếc lang thang kiếm sống. Vượt qua bao gian nan, vất vả, nếm trải cả những ngày ngục tù tối tăm, sau tất cả may mắn dường như đã mỉm cười với em khi vị thần tình thương đã đưa tay đón lấy cậu bé tội nghiệp để đưa em trở về đoàn tụ với mẹ và em.

Xuyên suốt hành trình của cậu bé Rêmi, người đọc không khỏi xúc động bởi có những khi lang thang đến mấy ngày liền mà cả đoàn không có miếng gì vào bụng. Đã có lúc em suýt chết vì rét. Tội nghiệp hơn khi cậu bé nhỏ con ấy mắc oan bị giải ra trước tòa và bị ở tù. Thế nhưng dù ở đâu, trong cảnh ngộ nào, em vẫn noi theo nếp rèn dạy của cụ già Vitali giữ phẩm chất làm người ngay thẳng, gan dạ, tự trọng, thương người, ham lao động, không ngửa tay xin xỏ, không dối trá, gian xảo, nhớ ơn nghĩa, luôn luôn muốn làm người có ích và dường như chính nghịch cảnh khắc nghiệt ấy đã nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ và mang đến cho em những bài học đáng quý về tình thương, về nghị lực cuộc sống và cả cách đối mặt với những khó khăn.

Trải dài theo chặng đường mà Rêmi đi qua, Hector Malot cũng đôi lúc khiến người đọc cảm thấy ấm lòng vì tình thương đâu đó vẫn hiện hữu quanh em bé tội nghiệp. Đó là: những ngày tháng đầu đời được bao bọc trong vòng tay của má Barberin, là những bài học đáng quý đến từ cụ Vitali, là tình bạn chân thành với chú bé nghệ sĩ Mattia. Đó là chú chó Capi khôn ngoan, lanh lợi hay con khỉ Joli-Coeur láu lỉnh mà đáng thương. Tất cả dường như đã mang đến cho Rêmi một cảm giác chân thành, ấm áp giống như em đang được sống giữa tình yêu của những người thân trong gia đình. Bên cạnh những giây phút lắng đọng là những tình tiết mang đến cho người đọc sự thích thú khi tác giả đã thêm vào chất phiêu lưu cho câu chuyện thêm phần hấp dẫn. Từng mảnh đất mà Rêmi đã đi qua, từng làng quê mà em đặt chân đến, những con người mà em gặp gỡ,… Tất cả đã vẽ nên một cuộc phiêu lưu đầy chông gai, thử thách nhưng không kém phần hấp dẫn. Đó là cuộc phiêu lưu của lòng dũng cảm và tình yêu gia đình.

“Không gia đình” không chỉ là một tác phẩm đặc biệt mà nhà văn dành cho thiếu nhi mà với mỗi bài học nhân văn sâu sắc này nhà văn còn muốn gửi gắm qua từng trang viết đến đông đảo bạn đọc. Ở đó, người ta có thể dễ dàng cảm nhận được sức mạnh của tình thương, niềm tin và ý chí vượt lên số phận. Nhà văn cũng khéo léo lồng ghép vào đó những bài học về sự trân trọng tình bạn và sống có ý nghĩa. Và thành công hơn khi câu chuyện đã hướng con người ta vươn đến những ý nghĩa triết lý nhân sinh sâu sắc: “Con cũng nên hiểu rằng nếu bây giờ con đang ở bậc thang dưới cùng trong xã hội, nếu con quyết chí, con có thể dần dần đạt một bậc cao hơn”.

Xuất hiện trên văn đàn từ thế kỉ XIX, tuyệt phẩm “Không gia đình” là quyển sách về đề tài giáo dục, xã hội hấp dẫn người đọc nhắc nhở chúng ta những vấn đề cội nguồn mà con người không bao giờ quên, tình yêu gia đình, tính hăng say lao động, sự trung thực,…Có lẽ vì những điều nhân văn này mà từ đó tới nay cuốn sách luôn nằm trong danh sách những tác phẩm đáng xem nhất mọi thời đại. Để thấy được những cuộc phiêu lưu của lòng dũng cảm và tình yêu gia đình ở cậu bé nghèo Rêmi như thế nào?

Các em hãy tìm đọc câu chuyện này nhé!

Sách hay: Đất Quảng trong lịch sử: Tư liệu và Nghiên cứu của tác giả Hy Giang – Lê Thị Mai

Cổ nhân dạy: “Đường dài vạn dặm bắt đầu từ những bước đi đầu tiên” hay để có một cuốn tiểu thuyết dài ngàn trang phải bắt đầu từ đôi dòng khai bút. Vậy nên sự bắt đầu rất quan trọng. Với một người học sử như Hy Giang – Lê Thị Mai, có lẽ viết cuốn sách sử về làng mình, về quê hương xứ sở của mình để bắt đầu là một cơ duyên hiếm có, đã thỏa niềm ao ước lớn trong đời.

Vùng đất Quảng Nam, xứ Quảng Nam, đất Quảng đều hàm ý về vùng đất rộng lớn ở phía Nam, có bề dày lịch sử và trầm tích văn hóa đặc sắc. Nó cũng được biết đến là “đất khoa bảng”, “đất địa linh nhân kiệt”, nơi đã sản sinh ra biết bao nhiêu bậc anh tài, hào kiệt cho đất nước. Những người con xứ Quảng luôn tự hào về nơi chôn nhau cắt rốn của mình và đó chính là động lực giúp họ vượt lên mọi khó khăn, trở ngại. Để nghiên cứu sâu thêm về lịch sử cũng như truyền thống tốt đẹp của quê hương mình. Cuốn sách “Đất Quảng trong lịch sử: Tư liệu và Nghiên cứu” của Hy Giang Lê Thị Mai là một công trình như vậy. Sách dày 454 trang do nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành năm 2022.

 Sách mang tới cho người đọc một cách tiếp cận mới với những tư liệu mới và những lý giải có tính thuyết phục cao. Thông qua việc khai thác nguồn tài liệu thành văn (mà trong đó tư liệu Hán – Nôm chiếm ưu thế), tác giả đã tập trung khảo cứu, phân tích và lý giải một số vấn đề lịch sử, văn hoá đất Quảng từ thời Champa đến thời chúa Nguyễn và từ đầu triều Nguyễn đến thời Pháp thuộc với kết cấu làm 2 phần, mỗi phần 8 bài viết.

 Trong phần 1: Đất Quảng từ dấu xưa Champa đến thời chúa Nguyễn tác giả đã thể hiện sự kỳ vọng, mong muốn tìm hiểu một cách có hệ thống về những vấn đề còn tồn tại tranh cãi hay các phát hiện tư liệu mới liên quan đến vùng đất Duy Xuyên – quê hương thân yêu của tác giả. Mở đầu cuốn sách, người đọc được trở về thời quá khứ vàng son của vương quốc Champa cổ thông qua việc nghiên cứu vị trí toạ lạc, cảnh quan tự nhiên, quy mô và kỹ thuật xây dựng thành Điển Xung của vương quốc Lâm Ấp trong tác phẩm Thuỷ kinh chú. Rồi từ dòng “Đại Hoài Thuỷ” của thành cổ Sinhapura xưa, dòng sông mẹ xứ Quảng đã trở thành nỗi niềm trăn trở của tác giả: “Phải chăng Hoài Thuỷ – Hy Giang – Duy Xuyên là tên gọi cổ xưa của dòng sông mẹ ấy?”. Để từ đó, tác giả cho rằng: “Mỗi dòng sông có đời sống riêng của nó. Câu chuyện dòng sông Mẹ xứ Quảng là câu chuyện dài như chính lịch sử của vùng đất này”. Và có lẽ chính hai nghiên cứu trên đã đặt nền tảng để tác giả đi sâu khai thác nguồn tư liệu Hán – Nôm, tập trung tìm hiểu chuyên sâu về địa danh học và các vấn đề làng xã xưa xứ Quảng. Nối tiếp những nghiên cứu về xứ Quảng thời chúa Nguyễn, tác giả đã theo dấu hành trình của hoà thượng Thích Đại Sán (cuối thế kỷ 17) qua tác phẩm Hải ngoại kỷ sự và rút ra các đặc trưng về phong thổ xứ Quảng xưa; hay dịch thuật và phân tích nội dung tấm bia Chân Quý tì khưu ký lược bi (Mai Châu, Quảng Đông, Trung Quốc) để từ đó luận giải nhiều vấn đề lý thú về sự giao lưu văn hóa – tôn giáo, kinh tế – thương mại giữa Trung Hoa (nhất là miền Quảng Đông, Phúc Kiến) với Đàng Trong Đại Việt giai đoạn này.

 Ở phần 2: Đất Quảng từ đầu triều Nguyễn đến thời Pháp thuộc tác giả tiếp tục phát huy sở trường của mình trong việc sử dụng nguồn tư liệu Hán – Nôm theo phương pháp so sánh, đối chứng để đi sâu làm rõ các vấn đề về địa danh học và làng xã xứ Quảng xưa. Nghiên cứu địa danh, làng xã ở thời kì xa xưa của một vùng đất cần rất nhiều nguồn tư liệu, trong đó tư liệu văn bia giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Tác giả đã khai thác và khảo sát một cách công phu về hệ thống địa danh vùng Bắc Quảng Nam thời chúa Nguyễn (bao gồm thành phố Đà Nẵng và các huyện phía Bắc là Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên cùng thành phố Hội An thuộc tỉnh Quảng Nam ngày nay) trên văn bia và làm rõ ý nghĩa của việc nghiên cứu hệ thống địa danh đó. Đặc biệt, tác giả đã giới thiệu, tiến hành khảo sát sự thay đổi địa danh làng xã ở dinh Quảng Nam trong Bản Tấu của Bộ Hộ năm Minh Mạng thứ 5 (1824) là một tư liệu hiếm gặp; hay khai thác Châu bản triều Nguyễn trong nghiên cứu một số vấn đề như đào sông Vĩnh Điện, lệnh kiêng húy chữ Hoa … Từ việc khảo sát trường hợp làng Du Xuyên ở địa bàn trung tâm thành phố Đà Nẵng; tản mạn câu chuyện về Khu phố Tây của thành phố Tourane (Đà Nẵng) đến công bố tư liệu quý về làng xã của thành phố năm 1923, tác giả bước đầu mở rộng phạm vi không gian nghiên cứu đến các làng xã xưa ở địa bàn thành phố Đà Nẵng và mở rộng phạm vi nội dung tìm hiểu về nhân vật lịch sử như ngài Nguyễn Duy Kế (Duy Xuyên, Quảng Nam) với làng Bàu Ấu (Phương Trì, Thuận Trì – quê hương của tác giả) và ngài Trúc Đường Phạm Phú Thứ với Hội Nguyên kiều (Đông Bàn, Điện Trung, Điện Bàn, Quảng Nam), …

Đọc các bài viết trong tập sách này, chúng ta đều cảm nhận được phương pháp làm việc khoa học, cẩn trọng và sự đầu tư thời gian của bản thân tác giả trong việc tìm tòi, dịch thuật và hệ thống hoá nguồn tài liệu thành văn vốn tản mạn ở nhiều nơi. Với lập luận một cách gãy gọn, logic, tôn trọng sự thật lịch sử, các bài viết trong tập sách này đã đưa ra nhiều luận điểm mới, có tính phát hiện vấn đề và để lại nhiều suy nghĩ cho người đọc.

Xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc./.

Sách hay: Việt Nam phong tục – Phan Kế Bính

Kính chào bạn đọc của chuyên mục Mỗi tuần một cuốn sách hay!

Việt Nam là một đất nước gồm nhiều dân tộc, đa dạng và giàu bản sắc văn hóa. Văn hóa Việt Nam là thành quả hàng ngàn năm lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc. Do đặc điểm vị trí địa lý khá đặc biệt nên Việt Nam có điều kiện giao lưu với các nước trên thế giới, từ đó có cơ hội tiếp nhận ảnh hưởng của nhiều nền văn hóa khác nhau. Trong quá trình hội nhập và giao lưu văn hóa, chúng ta đã tiếp nhận nhiều giá trị văn hóa tiên tiến của thế giới, làm phong phú hơn cho nền văn hóa Việt Nam.

Việt Nam có 54 dân tộc anh em cùng chung sống nên các phong tục tập quán cũng vì thế mà đa dạng và phong phú. Để giúp bạn đọc có thêm tư liệu tìm hiểu về những phong tục, tập quán lâu đời của dân tộc, thư viện trân trọng giới thiệu cuốn sách “Việt Nam phong tục” của tác giả Phan Kế Bính.

Cuốn sách: Việt Nam phong tục

 Phan Kế Bính (1875 – 1921) hiệu là Bưu Văn, bút hiệu Liên Hồ Tử là một dịch giả xuất sắc, là nhà báo, nhà văn, nhà biên khảo, nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc nổi tiếng của Việt Nam đầu thế kỉ XX. Ông sinh tại làng Thụy Khuê, huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông (nay thuộc phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội). Một số tác phẩm tiêu biểu của ông gồm: Việt Nam phong tục, Việt Hán văn khảo, Hưng Đạo Đại Vương,…

Cuốn sách “Việt Nam phong tục” do nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 2014, sách dày 474 trang. Đây là tác phẩm nổi tiếng nhất của Phan Kế Bính, một công trình nghiên cứu công phu về những phong tục, tập quán lâu đời của dân tộc.

Tác phẩm viết về gần 100 phong tục, tập quán điển hình của người Việt được chia làm 3 thiên tương ứng với 3 thiết chế đặc đặc trưng cấu thành nên một xã hội truyền thống theo thứ tự từ thấp đến cao:

 – Thiên thứ nhất: Nói về phong tục trong gia tộc gồm 17 chương nói về chữ hiếu, đạo làm con, anh em trong gia đình, cách đối đãi.

 – Thiên thứ nhì: Nói về phong tục hương đảng gồm 34 chương nói về phong tục thờ cúng, lễ hội, đám tiệc.

          – Thiên thứ ba: Nói về phong tục xã hội gồm 47 chương nói về thứ bậc, nghề nghiệp, vui chơi trong xã hội xưa.

Là một nhà Nho uyên bác mang tư tưởng tân tiến, tác giả không chỉ mô tả từng tập tục, mà còn lần về gốc tích cái tục ấy, nhìn nhận, đánh giá để xem nó hay hay dở, từ đó “xét điều gì quá tệ mà bỏ bớt đi, rồi lâu mới đem cái tục hay mà bỏ hết cho các tục dở. Còn tục mà là quốc túy của ta thì ta cứ giữ lấy”. Những phong tục, tập quán có tuổi hàng trăm năm đã thực sự sống lại trong ngòi bút tài tình của nhà văn, nhà báo Phan Kế Bính. Đọc “Việt Nam phong tục” ta không chỉ hiểu hơn về phong tục Việt mà còn thấy ở đó như chứa cả một vùng kí ức, hoài niệm.

Thầy đồ viết câu đối

Nói về Tết Nguyên Đán, Phan Kế Bính viết “Mồng một đầu năm là Tết Nguyên Đán. Tết này ăn to hơn cả tết trong một năm. Trước nửa tháng Tết, nhà nào nhà ấy đã rộn rịp sắm Tết”. Cái Tết xưa được ghi lại thật trọn vẹn với những hình ảnh đặc trưng như:“thầy đồ viết câu đối”, “các người đi buôn bán hoặc đi làm ăn xa xôi, đâu cũng nghỉ việc để về nhà ăn Tết”, “cây nêu, câu đối đỏ”. Các phong tục ngày Tết cũng được tác giả, ghi lại đầy đủ từ tục dọn dẹp nhà cửa đón Tết đến tục cúng giao thừa và các tập tục trong cả 3 ngày Tết như: làm cỗ cúng Gia Tiên, xông đất, mừng tuổi, chúc Tết,… Tác giả viết: “sáng mồng một Tết thì làm cỗ cúng Gia Tiên, và cúng cả Thổ Công, Táo Quân, Nghệ Sư…cỗ bàn to nhỏ thế nào cũng được, nhưng làm sao cũng phải có bánh chưng, cá kho, giò, chả, dưa hành, thịt bò mới ra cỗ Tết”, “cúng gia tiên xong thì con cháu ra mừng tuổi ông bà cha mẹ, lạy hai lạy. Ông bà cha mẹ mừng cho con cháu mỗi đứa một vài xu hoặc một vài hào, gọi là tiền mừng tuổi”.

 Một trong những điểm mạnh của Phan Kế Bính là ông không chỉ vẽ lại một bức tranh tổng thể về phong tục Việt Nam mà còn “phản biện” đối với các phong tục đã tồn tại qua hàng thế kỷ. Đọc công trình này của Phan Kế Bính, chúng ta không chỉ có cơ hội hiểu thêm mà còn được khơi gợi, nghĩ tiếp, nhìn lại và nghĩ lại về phong tục Việt Nam. Cuốn sách ra đời hơn 100 năm trước, nhưng cho đến thời điểm này vẫn là một trong những công trình khảo cứu có giá trị bậc nhất về các phong tục tập quán trên đất nước ta và nhiều vấn đề Phan Kế Bính nhắc đến vẫn nóng hổi tính thời đại.

Bạn đọc thân mến!

Sinh thời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn”. Quan điểm này khẳng định vai trò quan trọng của văn hóa đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Là học sinh – thế hệ trẻ tương lai của đất nước, chúng ta thấy mình cần ý thức được vai trò, ý nghĩa vô cùng quan trọng của bản sắc văn hóa dân tộc để nâng cao tinh thần gìn giữ những giá trị tốt đẹp này. Tích cực rèn luyện lối sống lành mạnh, giữ gìn, phát huy những phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc. Đồng thời lên án, phê phán những hành vi làm mai một bản sắc dân tộc, có thái độ đấu tranh mạnh mẽ để bài trừ và tẩy chay những cổ tục lạc hậu.

          Thư viện xin giới thiệu tới bạn đọc./.

Sách hay: Đừng bao giờ từ bỏ khát vọng – Nick James Vujicic

Bạn đọc thân mến!

Trong chuyên mục Mỗi tuần một cuốn sách tuần này, thư viện xin giới thiệu tới bạn đọc cuốn sách Đừng bao giờ từ bỏ khát vọngcủa tác giả Nick James Vujicic do dịch giả Nguyễn Bích Lan dịch. Tác phẩm do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành năm 2013. Bìa sách nổi bật là hình ảnh chàng trai với gương mặt thân thiện hòa đồng, ngời sáng đầy nghị lực phi thường mà lan tỏa.

Diễn giả: Nick James Vujicic

Chàng thanh niên Nick James Vujicic sinh năm 1982 đã bước vào cuộc sống này với hoàn cảnh vô cùng đặc biệt và nghiệt ngã. Nick Vujicic sinh ra với hội chứng rối loạn gene tetre – amelia khiến anh không có cả chân lẫn tay. Để trở thành một diễn giả nổi tiếng khắp thế giới, tác giả của nhiều cuốn sách – một người tự tin và thành đạt của hôm nay, anh đã phải đấu tranh với sự chế giễu của mọi người, đấu tranh với sự khiếm khuyết của bản thân. Và  trên  hết, anh phải đấu tranh với sự buông xuôi của chính mình. Vượt lên tất cả, Nick đã sống một cuộc sống tuyệt vời, đã truyền cảm hứng và thái độ sống tích cực cho hàng triệu triệu thanh thiếu niên trên khắp hành tinh này, là động lực giúp rất nhiều người biến ước mơ thành hiện thực.

Đừng bao giờ từ bỏ khát vọnglà quyển sách thứ hai của Nick James Vujicic. Nguồn cảm hứng để anh viết cuốn sách này đến từ những người thuộc mọi lứa tuổi trên khắp thế giới, những người anh đã cho lời khuyên và hướng dẫn họ đương đầu với những thách thức trong cuộc sống. Từ những buổi diễn thuyết của Nick, họ biết rằng anh đã vượt qua nghịch cảnh, thậm chí vượt qua ý định tự vẫn đã thoáng hiện trong anh vài lần khi còn nhỏ, khi Nick vật vã với những câu hỏi làm thế nào để có thể tự nuôi sống mình, khi anh chìm trong cảm giác buồn khổ và chán chường vì bị bắt nạt, bị chế giễu và vì nhiều vấn đề khác, nhiều nỗi bất ổn khác bủa vây.

Đó là những câu hỏi và những thách thức mà mọi người nêu ra khi họ nói chuyện và viết thư cho anh như: những khủng hoảng cá nhân, các vấn đề liên quan đến các mối quan hệ, những thách thức trong công việc, mối quan tâm về sức khỏe và khuyết tật, những ý nghĩ cảm xúc tiêu cực và các chứng nghiện ngập, cách tìm được sự thăng bằng về thể chất, tinh thần, trái tim và tâm hồn… Nick hy vọng rằng việc chia sẻ những câu chuyện của anh và của những người khác,  những người đã kiên trì vượt qua bao khó khăn thử thách trong cuộc sống sẽ giúp ích và khích lệ các bạn vượt qua những thách thức mà các bạn đang phải đối mặt, bạn sẽ tìm thấy sự an ủi thay vì tuyệt vọng. Những câu chuyện ấy là một món quà tinh thần cho những người đang gặp bất hạnh đang tìm một hướng đi cho cuộc đời mình.

 Bạn đọc thân mến!

Khát vọng không chỉ là một cảm xúc, mà còn là một nguồn động lực giúp chúng ta vượt qua mọi thử thách. Đừng bao giờ từ bỏ khát vọng, hãy giữ vững nó và sử dụng nó để tạo ra cuộc sống tuyệt vời nhất có thể. Cuộc sống là một hành trình dài, và chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn. Nhưng với triết lý “Đừng bao giờ từ bỏ khát vọng”, chúng ta sẽ tìm thấy sức mạnh để vượt qua và đạt được thành công trong cuộc sống.

Hy vọng cuốn sách đem lại những điều bổ ích, những thông điệp đến mọi người hãy sống có ý nghĩa cho dù ở hoàn cảnh nào “Tôi là một điều kì diệu, bạn cũng là điều kì diệu của cuộc sống”và khi chúng ta đặt niềm tin vào hành động thì không gì có thể ngăn cản được chúng ta vươn tới một cuộc sống tốt đẹp. Hãy sống đẹp – sống có ích với đời các bạn nhé!

Xin trân trọng  giới thiệu cuốn sách tới quý bạn đọc./.