Người ta thường nói “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, cuộc đời mỗi người cũng vậy, từ khi sinh ra cho đến khi hóa vào cát bụi, có người gặp thật nhiều may mắn nhưng bên cạnh đó cũng có người cả đời không lấy nổi một chuyện đáng vui,… Nhưng các bạn à! may mắn hay bất hạnh đôi khi lại chỉ là do cách bạn nghĩ, cách bạn lựa chọn thái độ đối với mỗi vấn đề xảy ra trong cuộc sống. Bởi vì bạn không có quyền được lựa chọn người sinh ra cũng như nơi bạn sinh ra nhưng chúng ta hoàn toàn có thể được chọn cách mình sống như thế nào và “từ bỏ sẽ mang lại hạnh phúc ít hơn so với hy vọng”, đó chính là thông điệp mà cuốn tiểu thuyết: “Lấy nước đường xa” xin được gửi đến quý bạn đọc trong buổi giới thiệu sách ngày hôm nay.
Linda Sue Park được biết đến là một cây bút người Mỹ – Hàn chuyên viết tiểu thuyết hư cấu lịch sử và truyện tranh cho thiếu nhi. “Lấy nước đường xa” là một trong những đầu sách viết về trẻ em bán chạy nhất nhật báo New York Times. Đây cũng là một thành công vang dội dựa trên câu chuyện có thật về cuộc đời Salva Dut – người bạn của chính tác giả. Sách do NXB Lao động phối hợp với Thái Hà Books phát hành năm 2021, qua bản dịch của Nguyễn Thanh Tùng. Chỉ với 167 trang, cuốn tiểu thuyết đã đưa độc giả lên một chuyến bay dài gần 9000 cây số tới mảnh đất cằn cỗi Nam Su-dan tại phía Đông Châu Phi để chứng kiến toàn bộ những sự kiện đã làm nên con người Salva ngày hôm nay.
Cuốn sách viết về hai đứa trẻ sinh ra trong hai thời kỳ khác nhau, hai bộ tộc đối lập nhau và hai cuộc “đấu tranh” không giống nhau.
Ny-a, một cô bé người Nuer 11 tuổi. Vào năm 2008, vì thiếu nguồn nước, cô bé phải đi bộ mỗi ngày 8 tiếng đồng hồ dưới cái nắng thiêu đốt và trên đôi bàn chân tứa máu bởi gai nhọn để lấy nước từ một cái ao ô nhiễm – hai chuyến mỗi ngày. Thật đáng thương cho Nya, em không được tới trường học tập, vui chơi cùng bạn bè mà phải chăm sóc nhà cửa từ khi còn quá trẻ. Ngày qua ngày cứ tiếp diễn như thế cho đến một ngày nọ, có một đoàn người lạ mặt vào làng của em để khoan giếng nước sạch và xây trường học.
Salva (san – va), một cậu bé người Din-ka 11 tuổi, đã phải đi bộ xuyên lục địa Châu Phi để tìm thức ăn, nơi trú ẩn an toàn và gia đình bị chia cắt vì cuộc nội chiến Nam Sudan từ năm 1985. Theo gót chân Salva, tác giả dành phần lớn dung lượng để miêu tả hành trình chạy trốn khỏi ngôi làng bị tàn phá bởi chiến tranh để sinh tồn của cậu bé, mà theo lời kể của dịch giả, “hành trình ấy diễn ra trong nhiều năm, xuyên qua Châu Phi tới Ethiopia, sau đó tới Kenya, và xa hơn nữa”. Xuyên suốt các chương truyện, có lẽ dấu chấm hỏi lớn nhất mà nhiều độc giả đặt ra là: “Làm thế nào mà một cậu bé chỉ mới 11 tuổi, lại có thể vượt qua hàng ngàn cay đắng trên hành trình gian khổ mà cả ngàn người bộ hành cũng chẳng làm được ?”. Cũng từ chia sẻ của chính Salva: “nhờ niềm hi vọng và sự bền gan tôi mang trong mình”, ta ngộ ra câu trả lời: Động lực cao cả dẫn dắt Salva vượt lên tất thảy chính là sức mạnh nội tại và hi vọng được đoàn tụ gia đình lúc nào cũng nằm đây, trong trái tim cậu.
Trong một châu lục nghèo đói bậc nhất thế giới, trái tim ta vẫn rung động bồi hồi trước những con người vững tin vào một tương lai tươi sáng cho bản thân, dám mạnh mẽ vươn lên để kiếm tìm cơ hội biến cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn. Dù viết về những đứa trẻ, cuốn sách lại ẩn chứa những thông điệp gửi tới mọi lứa tuổi độc giả trên khắp hành tinh.
Lang bạt gần 7 năm khắp Châu Phi, những kí ức tươi đẹp về cuộc sống bên gia đình nhỏ chưa bao giờ lụi tắt trong tâm trí Salva: bà mẹ đeo khăn trùm đầu màu cam vàng rạng rỡ, hai đứa em thơ dại, lời răn dạy của bố,… Đó chính là nguồn động lực đưa Salva bơi qua nanh nhọn của cá sấu, tiếng gầm của sư tử; chiến thắng cơn khát, cái đói. Trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, ý nghĩ “nếu chết bây giờ, mình sẽ không bao giờ được gặp lại gia đình nữa” đã giúp cậu bé đủ gan góc để khỏi đổ gục xuống vì sợ trước lũ phiến quân!
Để rồi ở cuối câu chuyện, Salva là số ít những người còn sống sót và được một gia đình người Mỹ nhận nuôi. Hơn thế, 19 năm sau cuộc gặp gỡ của cha con Salva không chỉ thắp lên trong cậu một ngọn lửa hy vọng về tương lai, mà còn thắp lên cả hy vọng cho người dân ở Nam Sudan. Đó chính là hoạt động mang nước về cho người dân Nam Sudan và bắt tay vào các dự án lắp đặt giếng nước sâu ở những ngôi làng hẻo lánh đang rất thiếu thốn nước sạch. Hai mảnh ghép tưởng chừng như không ăn nhập nhau dần được kết nối. Đây chính là thời điểm câu chuyện của anh và Ny-a giao thoa đầy cảm động. Cậu bé Su-dan ngày nào, bất ngờ thay lại chính là chủ của đội công nhân đem nước sạch về cho cả bộ tộc đối lập của Ny-a.
Một trong những đoạn mà mình rất thích, nghẹn ngào, khóc nấc lên khi: “Ny-a thấy bối rối. Trong khoảnh khắc, nó không thốt ra lời. Con bé cúi ngằm mặt, rồi nhìn vào vòi nước giếng chảy ra. Một lát sau nó lí nhí. “Cám ơn chú. Cảm ơn chú đã mang nước về cho dân làng. Người đàn ông mỉm cười, “Tên cháu là gì?”. Cháu là Ny-a.” “Ny-a, chú rất vui. Chú là Salva.” Cô bé Ny-a nhờ vậy đã kết thúc hành trình đi bộ 8 tiếng mỗi ngày lấy nước của mình để bước vào chương mới: hành trình đến trường. Còn Salva vẫn tiếp tục hành trình mang nước sạch đến cho người dân quê hương mình.
“Chảo lửa” Châu Phi được miêu tả khiến độc giả xót thương cho những đứa trẻ bất hạnh bởi đau thương ly loạn do chiến tranh kéo dài hơn 20 năm, cùng sự nghèo khó, lạc hậu và thiếu nước trầm trọng. Hành trình sinh tồn của Salva hay hành trình lấy nước của Ny-a đều là những chặng đường gian nan đầy thử thách với những chi tiết đắt giá. Để qua đó, độc giả cảm thấy trân quý hơn hoàn cảnh sống của mình, thấy mình vẫn còn may mắn hơn so với những đứa trẻ ở châu Phi. Trên hết là ý chí kiên cường, tinh thần và nghị lực sống mãnh liệt giúp những đứa trẻ ấy bền bỉ vượt qua những điều kiện khắc nghiệt nhất để làm nên điều kỳ diệu.
Các bạn thân mến!
Ngày hôm nay, bạn biết ơn vì điều gì? Còn tôi, tôi biết ơn khi mình được sinh ra ở một đất nước hòa bình yên ấm. Tôi biết ơn khi mình còn được tới trường, thụ hưởng một nền giáo dục hiện đại. Tôi biết ơn khi mình có nguồn nước sạch để sử dụng mỗi ngày. Và hơn cả, tôi biết ơn khi được sống trong một gia đình đầy đủ vật chất và tình yêu thương.
“Lấy nước đường xa” không phải là một tựa sách quá mới với độc giả trên toàn thế giới, nhưng nó vẫn luôn là một lựa chọn hàng đầu của rất nhiều người yêu sách. Đó là bởi sức lan tỏa của cuốn sách là mãi mãi, có giá trị với bất kỳ ai, ở bất kỳ thời điểm nào. Là cuốn sách nhỏ nhưng bao hàm những thông điệp lớn, “A long walk to water” xoáy sâu vào những vấn đề mang tính thời sự toàn cầu: học tập, chiến tranh, đói nghèo, khan hiếm nước sạch, dịch bệnh, bất bình đẳng.
“Trong cuộc chạy đua marathon, nếu bạn không chạy nổi thì có thể đi bộ, đi bộ không nổi thì nhích từng bước, miễn sao chúng ta tới đích là được.”
Vậy còn bạn, bạn sẽ chấp nhận bỏ cuộc, hay bước tiếp?
Xin giới thiệu quý thầy cô và các bạn tìm đọc tại thư viên, xin chân thành cảm ơn!