Sách hay: Nỗi buồn chiến tranh – Bảo Ninh
Kính chào bạn đọc của chuyên mục mỗi tuần 1 cuốn sách hay!
Chiến tranh đã lùi vào quá khứ, nhưng có lẽ những dư âm của nó để lại vẫn vang vọng đến tận mãi bây giờ. Đó là những năm tháng oanh liệt hào hùng, nơi có những tiếng hát át tiếng bom, có tinh thần tập thể chiến đấu quật cường, anh dũng… nhưng nó cũng mang đến đầy rẫy những nỗi buồn, những mất mát, những tổn thất không gì có thể bù đắp được. Hướng đến kỉ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024). Hôm nay thư viện Trường xin trân trọng giới thiệu đến quý độc giả cuốn tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của tác giả Bảo Ninh, sách gồm 324 trang, do nhà xuất bản Trẻ ấn hành năm 2011.
Bảo Ninh tên thật là Hoàng Ấu Phương, sinh năm 1952 tại Nghệ An, là nhà văn cựu chiến binh, quê ở Quảng Bình. Ông tham gia quân ngũ năm 1969, chiến đấu ở mặt trận B3 Tây Nguyên. Đến năm 1975 thì giải ngũ. Từ năm 1987 những truyện ngắn đầu tay đã ra đời nhưng chỉ đến năm 1990 với tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranhthìmới được chú ý và tạo ra làn sóng phê bình sôi động trong giới văn nghệ. Tiểu thuyết đã được dịch ra 15 thứ tiếng, và có những thứ tiếng có 2 phiên bản, giới thiệu ở 18 nước trên thế giới. Tác phẩm chạm vào mẫu số chung của nhân loại – đó là mẫu số của những nỗi đau chiến tranh.
Theo những hồi tưởng của Kiên chúng ta ngược dòng thời gian, trở về một thời chiến tranh, bom đạn khốc liệt của những nhân vật như Kiên và Phương. Họ mang trong mình tình yêu trong sáng, ngây thơ của tuổi 17 nhưng phải tạm chia cách vì Kiên đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Ngày Kiên nhập ngũ, Phương tiễn người yêu của mình trên một chặng đường dài. Không may, trên tuyến tàu hàng hải ra tiền tuyến, Phương bị cưỡng bức nên mang trong mình thái độ điềm nhiên khinh nhờn và thờ ơ lãnh đạm sau biến cố kinh khủng ấy.
Sau 10 năm chiến tranh, Kiên may mắn sống sót trở về cuộc sống hòa bình. Vậy nhưng, những vết thương trên thân thể và tâm hồn khiến anh không thể hòa nhập vào dòng chảy của cuộc sống hiện đại. Kiên trở thành một nhà văn cấp phường khó tính, kỳ quặc mà chẳng ai có thể hiểu. Nhà văn hậu chiến viết về những ký ức ám ảnh của cuộc đấu tranh tàn khốc. Những giấc mơ gắn liền với cái chết, có người hy sinh vì anh, cũng có người đã chết vì những lỗi lầm của anh. Đó là người đội trưởng tên Quảng cầu xin Kiên hãy kết liễu đời anh vì anh đau đớn quá. “Bụng rách trào ruột, xương xẩu dường như gãy hết, tay lủng liểng”. Hay “những người lính dù trang phục vằn vện nằm phơi nắng trong các lùm bụi lúp xúp ven rừng Kờ Leng, thản nhiên trương phình lên, thản nhiên chịu đựng lũ ruồi, bầy dòi và mùi da thịt khắm lặm của mình” hay “Ai đã đọc Kiên thì đều có dịp hình dung những trận mưa cẳng chân, bàn tay rơi lịch bịch lẹt bẹt xuống đồng cỏ voi bên bờ sông Sa Thầy.” …
Hồi ức đưa Kiên trở lại ngày anh gặp Phương. Anh muốn cùng Phương quay về thời yêu nhau bất chấp, nhưng cô đã buông rơi mình trong trụy lạc. Hai người đã khác xa nhau của tuổi 17, khi chiến tranh và biến cố cuộc đời đã gạch chi chít vào những nét chỉ tay. Chán chường trước cuộc sống hiện tại, Kiên tự tay đốt thành tro cuốn tiểu thuyết của mình và cuộc đời anh cũng dừng lại từ đó. Anh ra đi. Những gì còn sót lại là mớ bản thảo rối bời được người đàn bà câm gom góp, cất giữ.
Kính thưa quý thầy cô giáo cùng tất cả các em học sinh!
Tác phẩm đã miêu tả chiến tranh từ một góc độ khác, góc độ cá nhân, thân phận con người. Chiến tranh không còn là câu chuyện của một dân tộc, mà còn là chuyện đời của những người trẻ. Kiên chính là điển hình cho người lính bị đeo đuổi bởi những giấc mơ kinh hoàng như thế. Là người chiến sĩ sống sót sau chiến tranh không thể tự giải thoát khỏi các hồi tưởng về cuộc chiến, về các đồng đội đã mất như một chứng bệnh trầm cảm. Là người đánh mất mối tình đẹp đẽ của mình. Là người viết tiểu thuyết với ý thức sứ mệnh. Với ba vai đó, tiểu thuyết thể hiện rõ ba nội dung sâu sắc: cuộc chiến tranh khốc liệt với vô vàn chết chóc; chiến tranh và sự hủy diệt hạnh phúc đời thường; ý thức về chuyện viết văn về đề tài chiến tranh, muốn vượt qua truyền thống cũ.
Chiến tranh là trải nghiệm không một ai muốn, bởi nó“…là bài ca kinh hoàng, là cõi không nhà, không cửa, lang thang khốn khổ và phiêu bạt vĩ đại, là cõi không đàn ông, không đàn bà là thế giới bạt sầu, là thế giới thảm sầu vô cảm và tuyệt tự khủng khiếp nhất của dòng giống con người” nhưng Nỗi buồn chiến tranh là nỗi buồn ai cũng cần phải nhớ, nhất là những thế hệ trẻ của hôm nay, để biết, để hiểu về những ngày tháng cũ, thấm hết nỗi đau đớn và ám ảnh khôn cùng mà chiến tranh phi nghĩa để lại trên mảnh đất bé nhỏ, về những con người đâu đó trong trang thơ của Nguyễn Khoa Điềm đã từng nhắc:
“Họ đã sống và chết
Giản dị và bình tâm
Không ai nhớ mặt đặt tên
Nhưng họ đã làm ra đất nước”
Hãy thử mở trang sách ra, và rồi cũng như tôi, cũng sẽ hiểu được vì sao mà “Nỗi buồn chiến tranh” lại được giới văn chương trong và ngoài nước đánh giá là “cuốn tiểu thuyết xúc động nhất về chiến tranh Việt Nam”, “cuốn sách chạm vào mẫu số chung của nhân loại. Mời quý thầy cô giáo và các em học sinh tìm đọc cuốn sách tại Thư viện trường./.