SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG NGUYỄN VĂN THOẠI

Địa chỉ: 132 đường Đô Đốc Lân - phường Hòa Xuân - quận Cẩm Lệ - TP Đà Nẵng

Điện thoại: (0236) 3721 888

Ngày hè cửa trường không đóng

Theo tuoitre.vn.

Không chỉ “trả đủ” những ngày hè cho trẻ, nhiều trường học ở Đà Nẵng đang mở cửa đón người dân, học sinh, phụ huynh đến vui chơi thể thao, đọc sách…
Sân bóng rộng rãi của Trường THPT Nguyễn Văn Thoại mở cửa đón các em nhỏ, người dân vào vui chơi thoải mái - Ảnh: Đ.C.

Hè về, ngày nào Trường THPT Nguyễn Văn Thoại (Đà Nẵng) cũng mở cửa để người dân, học sinh, phụ huynh đến vui chơi, đọc sách.

Các thầy cô của trường còn mở một góc cà phê tự phục vụ nho nhỏ. Không gian thoáng đãng, mát mẻ nên nhiều người thích nhâm nhi ly cà phê cùng bạn bè hoặc cầm trên tay cuốn sách mình yêu.

Những ngày hè này, Khánh Ly (học sinh lớp 11 Trường THPT Nguyễn Văn Thoại) cùng nhóm bạn đều đặn có mặt tại thư viện của trường.

“Thư viện nhiều loại sách, báo, thoáng mát nên tụi em thường tới đây đọc hoặc làm việc nhóm cùng nhau. Trường luôn mở cửa trong hè thế này rất hay, giúp tụi em có một không gian ý nghĩa trong mùa hè” – Ly tâm sự.

Không chỉ vậy, vào những buổi chiều, các em nhỏ ở xung quanh Trường THPT Nguyễn Văn Thoại lại kéo nhau vào sân banh của trường để tha hồ chạy nhảy, vui đùa. “Tụi nhỏ cứ chờ đến chiều mát là hô hào nhau qua trường để đá banh, vui lắm” – một người dân ở kế bên trường vui vẻ nói.

Không chỉ trường THPT mà tại nhiều trường tiểu học, THCS ở Đà Nẵng cũng “sáng đèn” trong hè này.

Như tại Trường THCS Lương Thế Vinh (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) cũng luôn mở khu giáo dục thể chất để người dân, học sinh vào vui chơi bóng chuyền, đá banh, bóng bàn…

Không chỉ vậy, tại đây còn có các câu lạc bộ bóng rổ, cầu lông, bơi… cả buổi sáng và chiều với hàng trăm em tham gia.

Còn tại Trường tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu, Đà Nẵng), sân trường luôn sôi động với nhiều sân chơi dành cho học sinh. Dưới hiên là câu lạc bộ võ thuật, gần đó nhiều em đang say sưa đánh bóng bàn. Còn phía gần bờ rào, nhiều em khác đang được các thầy cô dạy bơi lội.

Thầy Đặng Hùng Thương – hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Văn Thoại – chia sẻ dù là hè nhưng cổng trường luôn rộng mở để chào đón người dân, học sinh đến vui chơi thể thao, đọc sách.

Trường cũng mở một góc nhỏ cà phê tự phục vụ. Mọi người uống cà phê và góp chút tùy tâm. Số tiền sẽ được dành tặng các bạn học sinh nghèo khó ở huyện miền núi Tây Giang (Quảng Nam) trước thềm năm học mới.

Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng cho biết ngày 2-6 đã có yêu cầu thủ trưởng các đơn vị, trường học triển khai hoạt động hè năm 2023.

Trong đó, tiếp tục thực hiện chủ trương mở cổng trường học, thư viện; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, phụ huynh và toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa của việc đọc sách, khuyến khích việc đọc sách tại thư viện và các tủ sách mở của trường.

UBND TP Đà Nẵng kiểm tra công tác chuẩn bị trước khi học sinh đi học trở lại

Chiều 10-9, ông Lê Trung Chinh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cùng Sở GD-ĐT TP vừa đến thăm và kiểm tra công tác chuẩn bị cho học sinh đi học trở lại tại trường THPT Nguyễn Văn Thoại (quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng).

Theo thầy Đặng Hùng Thương, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Văn Thoại, năm nay trường có 7 lớp học với 280 học sinh, việc đăng ký nhập học bằng hình thức online ở năm học 2020-2021 của trường đã hoàn tất. Giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm của các lớp đã đầy đủ, đảm bảo việc dạy học cho các em học sinh khi đi học trở lại vào ngày 14-9.

Năm học 2020-2021 trường THPT Nguyễn Văn Thoại có 7 lớp học với 280 học sinh

“Do có sự kết nối ngay từ những ngày sau khai giảng, hơn 90% học sinh tiếp cận được bài học với những môn học được dạy học bằng hình thức trực tuyến. Khi các học sinh đi học trở lại, thầy cô sẽ có trách nhiệm ôn tập, củng cố kiến thức đã học”, Hiệu trưởng Đặng Hùng Thương nói. 

Đối với những học sinh không có điều kiện để học online thì trường sẽ có những giải pháp kịp thời để hỗ trợ cho học sinh. Theo thống kê mới nhất, hiện trường có 24 học sinh thuộc diện gia đình chính sách. Trong đó, 1 học sinh con liệt sĩ, còn lại thuộc diện nghèo và cận nghèo. Trường sẽ có sự quan tâm đặc biệt đến các học sinh thuộc diện này, đảm bảo không vì kinh tế mà ảnh hưởng đến việc học tập.

Đoàn kiểm tra thăm hỏi và trao quà cho đại diện trường THPT Nguyễn Văn Thoại

Mặt khác, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Văn Thoại cho biết, ngày 11-9, trường sẽ tổ chức tổng dọn vệ sinh, phun khử khuẩn, chuẩn bị mọi công tác phòng chống dịch bệnh một cách tốt nhất, nhằm đảm bảo an toàn cho các em học sinh khi đi đến trường học trở lại.

Đây là năm học đầu tiên của các học sinh và giáo viên trường THPT Nguyễn Văn Thoại

Tại buổi kiểm tra, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho hay, năm học 2020-2021 là năm học đầu tiên của các học sinh và giáo viên trường THPT Nguyễn Văn Thoại. Vì vậy, ông Lê Trung Chinh yêu cầu, khi học sinh đi học, trường phải trang bị đầy đủ khẩu trang, nước sát khuẩn… đảm bảo an toàn trong công tác phòng chống dịch.

“Trong quá trình dạy học, có những khó khăn, vướng mắc thì trường cũng như ngành giáo dục TP Đà Nẵng đề xuất, để thành phố sẽ tiếp tục đầu tư cho trường để đảm bảo công tác dạy học cho học sinh một cách tốt nhất”, ông Chinh cho biết.

theo Báo SÀI GÒN GIẢI PHÓNG.

Đà Nẵng có trường học mang tên Nguyễn Văn Thoại

theo Báo Lao Động

Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã ký quyết định thành lập Trường THPT Nguyễn Văn Thoại nằm trên địa bàn phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ.

Đà Nẵng có trường học mang tên Nguyễn Văn Thoại
Tượng Thoại Ngọc Hầu ở Bảo tàng Thoại Ngọc Hầu dưới chân núi Sam (An Giang).Ảnh: Tường Minh

Trường THPT Nguyễn Văn Thoại thuộc Sở GD&ĐT thành phố Đà Nẵng là đơn vị sự nghiệp giáo dục phổ thông công lập, chịu sự quản lý, chỉ đạo trực tiếp của Giám đốc Sở GD&ĐT thành phố, có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng và được mở tài khoản theo quy định.

Trường THPT Nguyễn Văn Thoại có 1 hiệu trưởng, các phó hiệu trưởng và các tổ chuyên môn, văn phòng, hội đồng tư vấn. Trường được đưa vào hoạt động trong năm học 2020-2021, chỉ tiêu tuyển sinh 7 lớp 10 với 280 học sinh.

Trước đó thì Nguyễn Văn Thoại và vợ ông, bà Châu Thị Vĩnh Tế cũng đã được đặt tên đường ở thành phố Đà Nẵng.

Nguyễn Văn Thoại, còn gọi là Thoại Ngọc Hầu (1761- 1829), sinh tại huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam. Ông xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo.

Cuối thời chúa Nguyễn, ông cùng gia đình di cư vào Nam, sống tại làng Thới Bình, cù lao Dài trên sông Cổ Chiên (Vĩnh Long). Năm 1777, lúc mới 16 tuổi, Thoại Ngọc Hầu xin đầu quân cho Nguyễn Ánh, lập được nhiều chiến công, từng phò tá Nguyễn Ánh chạy ra Côn Lôn, Phú Quốc, sang Xiêm.

Ông được phong Khâm Sai Thượng đạo Bình Tây tướng quân, từng giữ chức Trấn thủ Bắc Thành, Trấn thủ Lạng Sơn rồi về Nam nhận chức Trấn thủ Định Tường.

Trong thời gian nhận nhiệm vụ bảo hộ Cao Miên thời Nặc Ông Chân, ông được triệu về nước nhậm chức Trấn thủ Vĩnh Thanh vào năm 1817. Sau đó ông được phong tước Hầu. Ông mất ngày 6 tháng 6 năm Kỷ Sửu (1829) lúc đang tại chức, thọ 68 tuổi.

Là người con Quảng Nam, nhưng tên tuổi của Thoại Ngọc Hầu gắn liền với công cuộc mở rộng, khai phá miền An Giang – Châu Đốc kinh thiên động địa vào thời vua Minh Mạng bằng việc đào các con kênh: Thoại Hà, Vĩnh Tế… có vai trò vô cùng to lớn trong việc phát triển giao thương, nông nghiệp, văn hóa…

Ông và vợ là Châu Thị Vĩnh Tế còn được “sông núi mượn tên” khi triều đình nhà Nguyễn thời đó cho phép lấy tên hai vợ chồng để đặt tên cho hai con kênh là Thoại Hà và Vĩnh Tế…