SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG NGUYỄN VĂN THOẠI

Địa chỉ: 132 đường Đô Đốc Lân - phường Hòa Xuân - quận Cẩm Lệ - TP Đà Nẵng

Điện thoại: (0236) 3721 888

Trồng cây xanh trên mái nhà, lan tỏa phong trào xanh – sạch – đẹp

Đặng Hùng Thương – Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Văn Thoại đăng trên sggp.org.vn

Các thầy cô giáo và người lao động thay phiên trồng rau các loại
Các thầy cô giáo và người lao động thay phiên trồng rau các loại

Vườn rau ngoại khóa

Trong tiết học nông nghiệp vào tháng 3-2024, tranh thủ thời tiết Đà Nẵng có nắng nhẹ, dẫn học sinh đến khu vườn trên mái của trường, cô Nguyễn Thị Lệ Thu, giáo viên dạy môn Lịch sử của Trường THPT Nguyễn Văn Thoại kể, các em học sinh lớp 11 khá bất ngờ với khoảng sân mướt xanh có nhiều loại rau được trồng xen lẫn nhau như: rau cải, mồng tơi, hoa hướng dương…

Tiếp đến, cô Lệ Thu giới thiệu những vật dụng quen thuộc của người làm nông và hướng dẫn cuốc đất, rải phân, gieo hạt, lấp đất cho luống rau và tưới nước cho rau. Khi thực hành, dù còn bỡ ngỡ, vụng về, nhưng các em rất hào hứng, những đôi bàn tay nhỏ vẫn cố gắng làm đầy đủ các công đoạn gieo trồng và thu hoạch rau.

Mồ hôi nhễ nhại trên gương mặt, lấm tấm trên lưng áo nhưng gương mặt lại rạng rỡ, nhất là khi các em tự tay dùng cuốc đào đất, gieo hạt. Mặc dù buổi học trải nghiệm chỉ kéo dài hơn 1 tiếng/tuần, các em được thỏa mãn niềm đam mê khám phá, tích lũy được được nhiều kỹ năng về gieo trồng, chăm sóc cũng như cảm nhận sâu sắc về lao động, sản xuất.

ẢNH HS.3.jpg

Học sinh tham quan trải nghiệm vườn rau

“Mỗi ngày, vào giờ ra chơi, nơi thu hút các em nhất chính là khu vực trồng rau. Tận dụng thời gian giải lao, các em sẽ đến thăm, chăm sóc vườn rau của mình. Mỗi lớp sẽ có 1 ô rau để trồng, các công đoạn sẽ được chia đều cho mỗi nhóm, từ xử lý đất trước khi gieo trồng đến chăm sóc, thu hoạch. Nhiều em thích thú với mô hình này bởi ở nơi các em sinh sống không có khoảng trống để các em thực hiện. Ở trường, các em có thể cùng làm với bạn bè, trực tiếp trồng rau cũng như có những kinh nghiệm trong lúc trồng như khi rau bị sâu hại, tưới nước ra sao, bón phân thế nào…”, cô Lệ Thu chia sẻ.

ẢNH HS.1.jpg

Các em học sinh tự tay cuốc đất trồng hoa

Không chỉ vậy, mỗi ngày, tranh thủ trước giờ dạy cũng như sau khi tan học, thầy Kiều Anh Dũng, giáo viên dạy Toán của Trường THPT Nguyễn Văn Thoại, cùng với các thầy cô thay phiên tưới nước, dọn cỏ cho vườn rau. Theo thầy Dũng, yếu tố không thể thiếu trong quá trình chăm chút là ủ phân hữu cơ. Tận dụng những loại rác thải hữu cơ có thể phân hủy như vỏ trái cây, các thầy cô thay phiên tự ủ để giúp cho đất tơi xốp. Thuốc trừ sâu cũng làm từ gừng, tỏi, ớt,…

Lúc đầu, việc triển khai gặp không ít khó khăn, bởi quá trình ủ phân hữu cơ thường cần thời gian lâu hơn với khoảng 15-20 ngày so với việc sử dụng phân bón hóa học. Điều này đòi hỏi sự kiên nhẫn và lập kế hoạch, sắp xếp công việc vừa giảng dạy vừa lao động, tuy nhiên, lợi ích do mô hình mang lại rất lớn. Từ đó, hoạt động này trở thành phong trào không thể thiếu của Công đoàn Trường THPT Nguyễn Văn Thoại.

Lan tỏa phong trào “xanh – sạch – đẹp”

Nhớ lại những ngày mới thành lập – khoảng 4 năm về trước, Trường THPT Nguyễn Văn Thoại mới ra đời, cây xanh còn ít và nhỏ nên chưa tỏa bóng mát nhiều. Trong khi đó, diện tích đất trên mái của trường lại khá rộng. Đội ngũ thầy cô và nhân viên của trường rất nhiệt tình trong công việc. Vì vậy, từ cuối năm 2021, trường đã triển khai hoạt động trồng cây trên mái nhà. Mục đích ban đầu là để tạo cảnh quan sư phạm và môi trường xanh – sạch – đẹp, giúp các thầy cô, nhân viên thư giãn sau giờ làm việc; tăng tính đoàn kết, say mê công việc và chia sẻ, giúp đỡ nhau tại đơn vị.

ẢNH 9.3.jpg

Vườn rau trở thành nơi các thầy cô thư giãn sau giờ dạy học, làm việc

Thời gian đầu, nhiều thầy cô giáo đều chưa có kinh nghiệm trồng cây, lại vừa bận rộn với công tác chuyên môn. Tuy vậy, bằng sự vận động của Ban Chấp hành Công đoàn và Ban Giám hiệu Trường Nguyễn Văn Thoại, các thầy cô đã tận dụng tối đa thời gian rảnh, miệt mài thực hiện phong trào để có được thành quả. Từ một số loại rau dễ trồng ban đầu như cải, rau muống… đến nay, vườn rau nhà trường đã có thêm nhiều loại mới giúp học sinh mở rộng thêm kiến thức về đặc điểm phát triển của các loại cây rau, cũng như hiểu rõ cách vun trồng, qua đó góp phần hình thành thói quen bổ sung rau vào thực đơn ăn uống của gia đình.

Số rau thu hoạch được các thầy cô dùng trong những bữa sinh hoạt, liên hoan chung của nhà trường, đồng thời để các em học sinh nghiên cứu, học tập.

z4699097109730_05dc9eed6ef760cb9de762cd70be2da2638306250483795719.jpg

Tập thể Công đoàn Trường THPT Nguyễn Văn Thoại nhận danh hiệu “đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua “xanh-sạch-đẹp, đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động” của Liên đoàn Lao động TP Đà Nẵng

Nhận Cờ thi đua của Liên đoàn Lao động TP Đà Nẵng trong Hội nghị Tổng kết hoạt động Công đoàn năm học 2022-2023 là một vinh dự của tập thể Công đoàn Trường THPT Nguyễn Văn Thoại. Liên tiếp trong 3 năm, nhà trường đều có cảnh quan đẹp, có mô hình ý nghĩa để học sinh trải nghiệm.

Bà Phan Thị Thục Anh, Phó Chủ tịch Công đoàn ngành GD-ĐT TP Đà Nẵng cho biết, Trường THPT Nguyễn Văn Thoại nhận được danh hiệu là đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua “xanh-sạch-đẹp, đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động” của Liên đoàn Lao động TP Đà Nẵng năm học 2022-2023. Phong trào thi đua “Xanh-sạch-đẹp, đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động” nói chung, phong trào trồng cây trên mái của trường nói riêng đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động ngành giáo dục TP Đà Nẵng.

Ngày hội văn hóa dân gian Trường THPT Nguyễn Văn Thoại (Đà Nẵng): Sẵn sàng hành trang cho tương lai

theo due.udn.vn

Sân trường Trường THPT Nguyễn Văn Thoại (TP Đà Nẵng) ngày 27/1 rộn ràng với các hoạt động của Ngày hội văn hóa dân gian. Ngày hội đã tái hiện không khí chợ Tết truyền thống của dân tộc, nhiều chủ đề của ngôi trại rất ấn tượng được các em học sinh lên ý tưởng và thiết kế, thi công hay những bộ trang phục sặc sỡ của các dân tộc đại diện các vùng miền.

Các tiết mục đặc sắc của tuổi trẻ THPT Nguyễn Văn Thoại

Một hoạt động thú vị tại ngày hội chính là chương trình tư vấn, định hướng nghề nghiệp của các trường đại học trên địa bàn TP Đà Nẵng dành cho các bạn trẻ. Tại gian tư vấn tuyển sinh của Trường Đại học Kinh tế, tuổi trẻ THPT Nguyễn Văn Thoại đã được cung cấp nhiều thông tin tuyển sinh bổ ích của Nhà trường, đồng thời được đội ngũ tư vấn định hướng nghề nghiệp đúng đắn trước kỳ tuyển sinh đại học năm 2024 sắp đến.

Sôi nổi các hoạt động tư vấn – hướng nghiệp tại ngày hội

Ngoài ra, các hoạt động giao lưu với tuổi trẻ Trường Đại học Kinh tế đã đem đến cái nhìn mới mẻ cho tuổi trẻ THPT Nguyễn Văn Thoại về môi trường học tập, môi trường hoạt động Đoàn – Hội năng động, sôi nổi bậc nhất miền Trung – Tây Nguyên. Tại Trường Đại học Kinh tế, sinh viên có cơ hội phát huy năng lực, rèn luyện các kĩ năng và tham gia các hoạt động, cuộc thi được tổ chức phong phú, góp phần đem lại giá trị tích cực cho cộng đồng xã hội như: Green University DUE, Tình nguyện Hè – Tình nguyện Đông, Dự án Chuyến bay 71, Startup Runway và vô vàn các hoạt động thiện nguyện.v.v….

Các chủ đề về hướng nghiệp cũng được tuổi trẻ THPT Nguyễn Văn Thoại quan tâm như: lựa chọn ngành học phù hợp với khả năng của bản thân, những chính sách ưu đãi, các chương trình học bổng, cơ hội du học, việc làm sau khi tốt nghiệp…Đây là những thông tin thực sự hữu ích đối với các em học sinh, giúp các em vững tin bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT và có những sự lựa chọn đúng đắn cho bản thân. Đồng hành cùng thí sinh còn có đội ngũ tư vấn tuyển sinh thường trực trên Hotline: 02363 522345 – 0911 223 777, fanpage Trường Đại học Kinh tế – Đại học Đà Nẵng, Cổng thông tin tư vấn tuyển: http://tuyensinh.due.udn.vn.

Sẵn sàng đồng hành cùng thí sinh

Chúc tuổi trẻ THPT Nguyễn Văn Thoại có ngày hôi văn hóa dân gian thật ý nghĩa và sẵn sàng hành trang cho tương lai phía trước!

Ngày hè cửa trường không đóng

Theo tuoitre.vn.

Không chỉ “trả đủ” những ngày hè cho trẻ, nhiều trường học ở Đà Nẵng đang mở cửa đón người dân, học sinh, phụ huynh đến vui chơi thể thao, đọc sách…
Sân bóng rộng rãi của Trường THPT Nguyễn Văn Thoại mở cửa đón các em nhỏ, người dân vào vui chơi thoải mái - Ảnh: Đ.C.

Hè về, ngày nào Trường THPT Nguyễn Văn Thoại (Đà Nẵng) cũng mở cửa để người dân, học sinh, phụ huynh đến vui chơi, đọc sách.

Các thầy cô của trường còn mở một góc cà phê tự phục vụ nho nhỏ. Không gian thoáng đãng, mát mẻ nên nhiều người thích nhâm nhi ly cà phê cùng bạn bè hoặc cầm trên tay cuốn sách mình yêu.

Những ngày hè này, Khánh Ly (học sinh lớp 11 Trường THPT Nguyễn Văn Thoại) cùng nhóm bạn đều đặn có mặt tại thư viện của trường.

“Thư viện nhiều loại sách, báo, thoáng mát nên tụi em thường tới đây đọc hoặc làm việc nhóm cùng nhau. Trường luôn mở cửa trong hè thế này rất hay, giúp tụi em có một không gian ý nghĩa trong mùa hè” – Ly tâm sự.

Không chỉ vậy, vào những buổi chiều, các em nhỏ ở xung quanh Trường THPT Nguyễn Văn Thoại lại kéo nhau vào sân banh của trường để tha hồ chạy nhảy, vui đùa. “Tụi nhỏ cứ chờ đến chiều mát là hô hào nhau qua trường để đá banh, vui lắm” – một người dân ở kế bên trường vui vẻ nói.

Không chỉ trường THPT mà tại nhiều trường tiểu học, THCS ở Đà Nẵng cũng “sáng đèn” trong hè này.

Như tại Trường THCS Lương Thế Vinh (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) cũng luôn mở khu giáo dục thể chất để người dân, học sinh vào vui chơi bóng chuyền, đá banh, bóng bàn…

Không chỉ vậy, tại đây còn có các câu lạc bộ bóng rổ, cầu lông, bơi… cả buổi sáng và chiều với hàng trăm em tham gia.

Còn tại Trường tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu, Đà Nẵng), sân trường luôn sôi động với nhiều sân chơi dành cho học sinh. Dưới hiên là câu lạc bộ võ thuật, gần đó nhiều em đang say sưa đánh bóng bàn. Còn phía gần bờ rào, nhiều em khác đang được các thầy cô dạy bơi lội.

Thầy Đặng Hùng Thương – hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Văn Thoại – chia sẻ dù là hè nhưng cổng trường luôn rộng mở để chào đón người dân, học sinh đến vui chơi thể thao, đọc sách.

Trường cũng mở một góc nhỏ cà phê tự phục vụ. Mọi người uống cà phê và góp chút tùy tâm. Số tiền sẽ được dành tặng các bạn học sinh nghèo khó ở huyện miền núi Tây Giang (Quảng Nam) trước thềm năm học mới.

Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng cho biết ngày 2-6 đã có yêu cầu thủ trưởng các đơn vị, trường học triển khai hoạt động hè năm 2023.

Trong đó, tiếp tục thực hiện chủ trương mở cổng trường học, thư viện; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, phụ huynh và toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa của việc đọc sách, khuyến khích việc đọc sách tại thư viện và các tủ sách mở của trường.

UBND TP Đà Nẵng kiểm tra công tác chuẩn bị trước khi học sinh đi học trở lại

Chiều 10-9, ông Lê Trung Chinh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cùng Sở GD-ĐT TP vừa đến thăm và kiểm tra công tác chuẩn bị cho học sinh đi học trở lại tại trường THPT Nguyễn Văn Thoại (quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng).

Theo thầy Đặng Hùng Thương, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Văn Thoại, năm nay trường có 7 lớp học với 280 học sinh, việc đăng ký nhập học bằng hình thức online ở năm học 2020-2021 của trường đã hoàn tất. Giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm của các lớp đã đầy đủ, đảm bảo việc dạy học cho các em học sinh khi đi học trở lại vào ngày 14-9.

Năm học 2020-2021 trường THPT Nguyễn Văn Thoại có 7 lớp học với 280 học sinh

“Do có sự kết nối ngay từ những ngày sau khai giảng, hơn 90% học sinh tiếp cận được bài học với những môn học được dạy học bằng hình thức trực tuyến. Khi các học sinh đi học trở lại, thầy cô sẽ có trách nhiệm ôn tập, củng cố kiến thức đã học”, Hiệu trưởng Đặng Hùng Thương nói. 

Đối với những học sinh không có điều kiện để học online thì trường sẽ có những giải pháp kịp thời để hỗ trợ cho học sinh. Theo thống kê mới nhất, hiện trường có 24 học sinh thuộc diện gia đình chính sách. Trong đó, 1 học sinh con liệt sĩ, còn lại thuộc diện nghèo và cận nghèo. Trường sẽ có sự quan tâm đặc biệt đến các học sinh thuộc diện này, đảm bảo không vì kinh tế mà ảnh hưởng đến việc học tập.

Đoàn kiểm tra thăm hỏi và trao quà cho đại diện trường THPT Nguyễn Văn Thoại

Mặt khác, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Văn Thoại cho biết, ngày 11-9, trường sẽ tổ chức tổng dọn vệ sinh, phun khử khuẩn, chuẩn bị mọi công tác phòng chống dịch bệnh một cách tốt nhất, nhằm đảm bảo an toàn cho các em học sinh khi đi đến trường học trở lại.

Đây là năm học đầu tiên của các học sinh và giáo viên trường THPT Nguyễn Văn Thoại

Tại buổi kiểm tra, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho hay, năm học 2020-2021 là năm học đầu tiên của các học sinh và giáo viên trường THPT Nguyễn Văn Thoại. Vì vậy, ông Lê Trung Chinh yêu cầu, khi học sinh đi học, trường phải trang bị đầy đủ khẩu trang, nước sát khuẩn… đảm bảo an toàn trong công tác phòng chống dịch.

“Trong quá trình dạy học, có những khó khăn, vướng mắc thì trường cũng như ngành giáo dục TP Đà Nẵng đề xuất, để thành phố sẽ tiếp tục đầu tư cho trường để đảm bảo công tác dạy học cho học sinh một cách tốt nhất”, ông Chinh cho biết.

theo Báo SÀI GÒN GIẢI PHÓNG.

Đà Nẵng có trường học mang tên Nguyễn Văn Thoại

theo Báo Lao Động

Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã ký quyết định thành lập Trường THPT Nguyễn Văn Thoại nằm trên địa bàn phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ.

Đà Nẵng có trường học mang tên Nguyễn Văn Thoại
Tượng Thoại Ngọc Hầu ở Bảo tàng Thoại Ngọc Hầu dưới chân núi Sam (An Giang).Ảnh: Tường Minh

Trường THPT Nguyễn Văn Thoại thuộc Sở GD&ĐT thành phố Đà Nẵng là đơn vị sự nghiệp giáo dục phổ thông công lập, chịu sự quản lý, chỉ đạo trực tiếp của Giám đốc Sở GD&ĐT thành phố, có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng và được mở tài khoản theo quy định.

Trường THPT Nguyễn Văn Thoại có 1 hiệu trưởng, các phó hiệu trưởng và các tổ chuyên môn, văn phòng, hội đồng tư vấn. Trường được đưa vào hoạt động trong năm học 2020-2021, chỉ tiêu tuyển sinh 7 lớp 10 với 280 học sinh.

Trước đó thì Nguyễn Văn Thoại và vợ ông, bà Châu Thị Vĩnh Tế cũng đã được đặt tên đường ở thành phố Đà Nẵng.

Nguyễn Văn Thoại, còn gọi là Thoại Ngọc Hầu (1761- 1829), sinh tại huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam. Ông xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo.

Cuối thời chúa Nguyễn, ông cùng gia đình di cư vào Nam, sống tại làng Thới Bình, cù lao Dài trên sông Cổ Chiên (Vĩnh Long). Năm 1777, lúc mới 16 tuổi, Thoại Ngọc Hầu xin đầu quân cho Nguyễn Ánh, lập được nhiều chiến công, từng phò tá Nguyễn Ánh chạy ra Côn Lôn, Phú Quốc, sang Xiêm.

Ông được phong Khâm Sai Thượng đạo Bình Tây tướng quân, từng giữ chức Trấn thủ Bắc Thành, Trấn thủ Lạng Sơn rồi về Nam nhận chức Trấn thủ Định Tường.

Trong thời gian nhận nhiệm vụ bảo hộ Cao Miên thời Nặc Ông Chân, ông được triệu về nước nhậm chức Trấn thủ Vĩnh Thanh vào năm 1817. Sau đó ông được phong tước Hầu. Ông mất ngày 6 tháng 6 năm Kỷ Sửu (1829) lúc đang tại chức, thọ 68 tuổi.

Là người con Quảng Nam, nhưng tên tuổi của Thoại Ngọc Hầu gắn liền với công cuộc mở rộng, khai phá miền An Giang – Châu Đốc kinh thiên động địa vào thời vua Minh Mạng bằng việc đào các con kênh: Thoại Hà, Vĩnh Tế… có vai trò vô cùng to lớn trong việc phát triển giao thương, nông nghiệp, văn hóa…

Ông và vợ là Châu Thị Vĩnh Tế còn được “sông núi mượn tên” khi triều đình nhà Nguyễn thời đó cho phép lấy tên hai vợ chồng để đặt tên cho hai con kênh là Thoại Hà và Vĩnh Tế…