SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG NGUYỄN VĂN THOẠI

Địa chỉ: 132 đường Đô Đốc Lân - phường Hòa Xuân - quận Cẩm Lệ - TP Đà Nẵng

Điện thoại: (0236) 3721 888

Đà Nẵng có trường học mang tên Nguyễn Văn Thoại

theo Báo Lao Động

Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã ký quyết định thành lập Trường THPT Nguyễn Văn Thoại nằm trên địa bàn phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ.

Đà Nẵng có trường học mang tên Nguyễn Văn Thoại
Tượng Thoại Ngọc Hầu ở Bảo tàng Thoại Ngọc Hầu dưới chân núi Sam (An Giang).Ảnh: Tường Minh

Trường THPT Nguyễn Văn Thoại thuộc Sở GD&ĐT thành phố Đà Nẵng là đơn vị sự nghiệp giáo dục phổ thông công lập, chịu sự quản lý, chỉ đạo trực tiếp của Giám đốc Sở GD&ĐT thành phố, có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng và được mở tài khoản theo quy định.

Trường THPT Nguyễn Văn Thoại có 1 hiệu trưởng, các phó hiệu trưởng và các tổ chuyên môn, văn phòng, hội đồng tư vấn. Trường được đưa vào hoạt động trong năm học 2020-2021, chỉ tiêu tuyển sinh 7 lớp 10 với 280 học sinh.

Trước đó thì Nguyễn Văn Thoại và vợ ông, bà Châu Thị Vĩnh Tế cũng đã được đặt tên đường ở thành phố Đà Nẵng.

Nguyễn Văn Thoại, còn gọi là Thoại Ngọc Hầu (1761- 1829), sinh tại huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam. Ông xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo.

Cuối thời chúa Nguyễn, ông cùng gia đình di cư vào Nam, sống tại làng Thới Bình, cù lao Dài trên sông Cổ Chiên (Vĩnh Long). Năm 1777, lúc mới 16 tuổi, Thoại Ngọc Hầu xin đầu quân cho Nguyễn Ánh, lập được nhiều chiến công, từng phò tá Nguyễn Ánh chạy ra Côn Lôn, Phú Quốc, sang Xiêm.

Ông được phong Khâm Sai Thượng đạo Bình Tây tướng quân, từng giữ chức Trấn thủ Bắc Thành, Trấn thủ Lạng Sơn rồi về Nam nhận chức Trấn thủ Định Tường.

Trong thời gian nhận nhiệm vụ bảo hộ Cao Miên thời Nặc Ông Chân, ông được triệu về nước nhậm chức Trấn thủ Vĩnh Thanh vào năm 1817. Sau đó ông được phong tước Hầu. Ông mất ngày 6 tháng 6 năm Kỷ Sửu (1829) lúc đang tại chức, thọ 68 tuổi.

Là người con Quảng Nam, nhưng tên tuổi của Thoại Ngọc Hầu gắn liền với công cuộc mở rộng, khai phá miền An Giang – Châu Đốc kinh thiên động địa vào thời vua Minh Mạng bằng việc đào các con kênh: Thoại Hà, Vĩnh Tế… có vai trò vô cùng to lớn trong việc phát triển giao thương, nông nghiệp, văn hóa…

Ông và vợ là Châu Thị Vĩnh Tế còn được “sông núi mượn tên” khi triều đình nhà Nguyễn thời đó cho phép lấy tên hai vợ chồng để đặt tên cho hai con kênh là Thoại Hà và Vĩnh Tế…