SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG NGUYỄN VĂN THOẠI

Địa chỉ: 132 đường Đô Đốc Lân - phường Hòa Xuân - quận Cẩm Lệ - TP Đà Nẵng

Điện thoại: (0236) 3721 888

Sách hay: Việt Nam phong tục – Phan Kế Bính

Kính chào bạn đọc của chuyên mục Mỗi tuần một cuốn sách hay!

Việt Nam là một đất nước gồm nhiều dân tộc, đa dạng và giàu bản sắc văn hóa. Văn hóa Việt Nam là thành quả hàng ngàn năm lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc. Do đặc điểm vị trí địa lý khá đặc biệt nên Việt Nam có điều kiện giao lưu với các nước trên thế giới, từ đó có cơ hội tiếp nhận ảnh hưởng của nhiều nền văn hóa khác nhau. Trong quá trình hội nhập và giao lưu văn hóa, chúng ta đã tiếp nhận nhiều giá trị văn hóa tiên tiến của thế giới, làm phong phú hơn cho nền văn hóa Việt Nam.

Việt Nam có 54 dân tộc anh em cùng chung sống nên các phong tục tập quán cũng vì thế mà đa dạng và phong phú. Để giúp bạn đọc có thêm tư liệu tìm hiểu về những phong tục, tập quán lâu đời của dân tộc, thư viện trân trọng giới thiệu cuốn sách “Việt Nam phong tục” của tác giả Phan Kế Bính.

Cuốn sách: Việt Nam phong tục

 Phan Kế Bính (1875 – 1921) hiệu là Bưu Văn, bút hiệu Liên Hồ Tử là một dịch giả xuất sắc, là nhà báo, nhà văn, nhà biên khảo, nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc nổi tiếng của Việt Nam đầu thế kỉ XX. Ông sinh tại làng Thụy Khuê, huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông (nay thuộc phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội). Một số tác phẩm tiêu biểu của ông gồm: Việt Nam phong tục, Việt Hán văn khảo, Hưng Đạo Đại Vương,…

Cuốn sách “Việt Nam phong tục” do nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 2014, sách dày 474 trang. Đây là tác phẩm nổi tiếng nhất của Phan Kế Bính, một công trình nghiên cứu công phu về những phong tục, tập quán lâu đời của dân tộc.

Tác phẩm viết về gần 100 phong tục, tập quán điển hình của người Việt được chia làm 3 thiên tương ứng với 3 thiết chế đặc đặc trưng cấu thành nên một xã hội truyền thống theo thứ tự từ thấp đến cao:

 – Thiên thứ nhất: Nói về phong tục trong gia tộc gồm 17 chương nói về chữ hiếu, đạo làm con, anh em trong gia đình, cách đối đãi.

 – Thiên thứ nhì: Nói về phong tục hương đảng gồm 34 chương nói về phong tục thờ cúng, lễ hội, đám tiệc.

          – Thiên thứ ba: Nói về phong tục xã hội gồm 47 chương nói về thứ bậc, nghề nghiệp, vui chơi trong xã hội xưa.

Là một nhà Nho uyên bác mang tư tưởng tân tiến, tác giả không chỉ mô tả từng tập tục, mà còn lần về gốc tích cái tục ấy, nhìn nhận, đánh giá để xem nó hay hay dở, từ đó “xét điều gì quá tệ mà bỏ bớt đi, rồi lâu mới đem cái tục hay mà bỏ hết cho các tục dở. Còn tục mà là quốc túy của ta thì ta cứ giữ lấy”. Những phong tục, tập quán có tuổi hàng trăm năm đã thực sự sống lại trong ngòi bút tài tình của nhà văn, nhà báo Phan Kế Bính. Đọc “Việt Nam phong tục” ta không chỉ hiểu hơn về phong tục Việt mà còn thấy ở đó như chứa cả một vùng kí ức, hoài niệm.

Thầy đồ viết câu đối

Nói về Tết Nguyên Đán, Phan Kế Bính viết “Mồng một đầu năm là Tết Nguyên Đán. Tết này ăn to hơn cả tết trong một năm. Trước nửa tháng Tết, nhà nào nhà ấy đã rộn rịp sắm Tết”. Cái Tết xưa được ghi lại thật trọn vẹn với những hình ảnh đặc trưng như:“thầy đồ viết câu đối”, “các người đi buôn bán hoặc đi làm ăn xa xôi, đâu cũng nghỉ việc để về nhà ăn Tết”, “cây nêu, câu đối đỏ”. Các phong tục ngày Tết cũng được tác giả, ghi lại đầy đủ từ tục dọn dẹp nhà cửa đón Tết đến tục cúng giao thừa và các tập tục trong cả 3 ngày Tết như: làm cỗ cúng Gia Tiên, xông đất, mừng tuổi, chúc Tết,… Tác giả viết: “sáng mồng một Tết thì làm cỗ cúng Gia Tiên, và cúng cả Thổ Công, Táo Quân, Nghệ Sư…cỗ bàn to nhỏ thế nào cũng được, nhưng làm sao cũng phải có bánh chưng, cá kho, giò, chả, dưa hành, thịt bò mới ra cỗ Tết”, “cúng gia tiên xong thì con cháu ra mừng tuổi ông bà cha mẹ, lạy hai lạy. Ông bà cha mẹ mừng cho con cháu mỗi đứa một vài xu hoặc một vài hào, gọi là tiền mừng tuổi”.

 Một trong những điểm mạnh của Phan Kế Bính là ông không chỉ vẽ lại một bức tranh tổng thể về phong tục Việt Nam mà còn “phản biện” đối với các phong tục đã tồn tại qua hàng thế kỷ. Đọc công trình này của Phan Kế Bính, chúng ta không chỉ có cơ hội hiểu thêm mà còn được khơi gợi, nghĩ tiếp, nhìn lại và nghĩ lại về phong tục Việt Nam. Cuốn sách ra đời hơn 100 năm trước, nhưng cho đến thời điểm này vẫn là một trong những công trình khảo cứu có giá trị bậc nhất về các phong tục tập quán trên đất nước ta và nhiều vấn đề Phan Kế Bính nhắc đến vẫn nóng hổi tính thời đại.

Bạn đọc thân mến!

Sinh thời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn”. Quan điểm này khẳng định vai trò quan trọng của văn hóa đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Là học sinh – thế hệ trẻ tương lai của đất nước, chúng ta thấy mình cần ý thức được vai trò, ý nghĩa vô cùng quan trọng của bản sắc văn hóa dân tộc để nâng cao tinh thần gìn giữ những giá trị tốt đẹp này. Tích cực rèn luyện lối sống lành mạnh, giữ gìn, phát huy những phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc. Đồng thời lên án, phê phán những hành vi làm mai một bản sắc dân tộc, có thái độ đấu tranh mạnh mẽ để bài trừ và tẩy chay những cổ tục lạc hậu.

          Thư viện xin giới thiệu tới bạn đọc./.

Ngày hội Văn hóa Dân gian và Tư vấn Hướng nghiệp “Gìn Giữ Truyền Thống, Định Hướng Tương Lai”

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, việc hiểu rõ cội nguồn, bản sắc văn hóa dân tộc là cái nôi nuôi dưỡng tâm hồn, giúp người trẻ đứng vững trước những thách thức toàn cầu. Từ đó, mỗi cá nhân củng cố  tình yêu văn hóa dân tộc và định hình khát vọng hướng về tương lai. Văn hóa dân gian là kho tàng quý báu mà ông cha ta đã dày công xây dựng và gìn giữ qua bao thế hệ, từ những câu hò, điệu múa, bài ca, đến những trò chơi, làng nghề truyền thống.

Ngày Hội Văn hoá Dân gian và Tư vấn Hướng nghiệp của trường THPT Nguyễn Văn Thoại, tổ chức ngày 18/1/2025 nhân dịp chào mừng Xuân Ất Tị, đã trở thành sự kiện ý nghĩa để tôn vinh những giá trị truyền thống, đồng thời trang bị cho học sinh định hướng nghề nghiệp đúng đắn.

Những hoạt động nổi bật

Sự kiện mang đến nhiều hoạt động hấp dẫn và bổ ích. Các tiết mục biểu diễn nhạc cụ truyền thống do sinh viên Đại học FPT thực hiện đã mở đầu chương trình với những giai điệu sâu lắng. CLB Bài chòi Sông Yên tiếp nối bằng những câu hát bài chòi đậm chất dân gian, thu hút sự chú ý của đông đảo học sinh và giáo viên, nhân viên nhà trường.

Bên cạnh đó, các trò chơi dân gian như kéo co, nhảy bao bố, đi cà kheo và nhảy dây không chỉ khơi gợi ký ức tuổi thơ mà còn mang lại bầu không khí sôi động, đoàn kết. Đặc biệt là hội chợ ẩm thực với các gian hàng đa dạng do chi đoàn các lớp phụ trách đã giới thiệu những món ăn truyền thống phong phú, góp phần làm nổi bật nét đặc sắc trong văn hóa ẩm thực Việt Nam.

Điểm nhấn của ngày hội

Phần được mong chờ nhất của ngày hội có lẽ là các tiết mục văn nghệ, nhảy sạp và trình diễn sáng tạo đến từ học sinh các khối lớp. Lớp 10 mang đến những bài hát dân gian và điệu múa đậm sắc xuân, rộn ràng không khí Tết. Lớp 11 thể hiện sự uyển chuyển và khéo léo qua các phần trình diễn nhảy sạp. Lớp 12 thu hút mọi ánh nhìn với bộ sưu tập trang phục tái chế mang đậm dấu ấn dân tộc. Tất cả đều thể hiện sự chuẩn bị kỹ lưỡng, sáng tạo và nhiệt huyết của các em học sinh.

Ngoài ra, chương trình còn có phần tư vấn hướng nghiệp do các trường đại học tại Đà Nẵng như Đại học Kinh tế, Đại học Đông Á, Đại học Pegasus… thực hiện. Đây là cơ hội để học sinh, đặc biệt là khối 12, tìm hiểu về các ngành học, đánh giá năng lực bản thân và nhận diện xu hướng nghề nghiệp trong thời đại mới.

Giá trị sâu sắc từ ngày hội

Ngày hội không đơn thuần là sân chơi văn hóa, mà còn là dịp để học sinh hiểu thêm về bản sắc dân tộc, nhận thức rõ trách nhiệm gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống. Hòa mình vào không khí sôi động, náo nhiệt giúp các em cảm nhận sâu sắc hơn về bản sắc dân tộc và niềm tự hào về quê hương, đất nước. Khi lắng nghe những giai điệu dân gian, lắng nghe từng câu hát câu hò bài chòi mượt mà hay tiếng đàn bầu réo rắt, chúng ta càng thấm thía hơn giá trị của những di sản tinh thần mà ông cha ta đã để lại. Mỗi lời ca, tiếng hát không chỉ thể hiện sự tài hoa của nghệ nhân mà còn là linh hồn của dân tộc, kết nối quá khứ với hiện tại. Thêm vào đó, các trò chơi giúp học sinh càng hiểu thêm về đời sống tinh thần phong phú của cha ông ta từ thuở xa xưa, đó không chỉ là hình thức giải trí mà còn thể hiện tinh thần đoàn kết, khéo léo và sự sáng tạo của người Việt. Qua các hoạt động, các em được tiếp cận với di sản tinh thần của cha ông, nuôi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước và lòng tự hào dân tộc.

Chương trình đã diễn ra thành công tốt đẹp với sự tham gia nhiệt tình của cán bộ, giáo viên, học sinh và phụ huynh. Đây là một minh chứng sống động cho việc kết hợp giữa giáo dục văn hóa truyền thống và định hướng nghề nghiệp, góp phần hình thành thế hệ trẻ có nhận thức và trách nhiệm.

Hy vọng rằng, thông qua ngày hội, ý thức bảo tồn và phát huy truyền thống dân tộc sẽ được khắc sâu trong mỗi học sinh, để văn hóa Việt Nam luôn trường tồn và ngày càng tỏa sáng. Văn hóa dân gian – linh hồn của dân tộc, nơi kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai, làm nên bản sắc và niềm tự hào của mỗi con người.

Sách hay: Đừng bao giờ từ bỏ khát vọng – Nick James Vujicic

Bạn đọc thân mến!

Trong chuyên mục Mỗi tuần một cuốn sách tuần này, thư viện xin giới thiệu tới bạn đọc cuốn sách Đừng bao giờ từ bỏ khát vọngcủa tác giả Nick James Vujicic do dịch giả Nguyễn Bích Lan dịch. Tác phẩm do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành năm 2013. Bìa sách nổi bật là hình ảnh chàng trai với gương mặt thân thiện hòa đồng, ngời sáng đầy nghị lực phi thường mà lan tỏa.

Diễn giả: Nick James Vujicic

Chàng thanh niên Nick James Vujicic sinh năm 1982 đã bước vào cuộc sống này với hoàn cảnh vô cùng đặc biệt và nghiệt ngã. Nick Vujicic sinh ra với hội chứng rối loạn gene tetre – amelia khiến anh không có cả chân lẫn tay. Để trở thành một diễn giả nổi tiếng khắp thế giới, tác giả của nhiều cuốn sách – một người tự tin và thành đạt của hôm nay, anh đã phải đấu tranh với sự chế giễu của mọi người, đấu tranh với sự khiếm khuyết của bản thân. Và  trên  hết, anh phải đấu tranh với sự buông xuôi của chính mình. Vượt lên tất cả, Nick đã sống một cuộc sống tuyệt vời, đã truyền cảm hứng và thái độ sống tích cực cho hàng triệu triệu thanh thiếu niên trên khắp hành tinh này, là động lực giúp rất nhiều người biến ước mơ thành hiện thực.

Đừng bao giờ từ bỏ khát vọnglà quyển sách thứ hai của Nick James Vujicic. Nguồn cảm hứng để anh viết cuốn sách này đến từ những người thuộc mọi lứa tuổi trên khắp thế giới, những người anh đã cho lời khuyên và hướng dẫn họ đương đầu với những thách thức trong cuộc sống. Từ những buổi diễn thuyết của Nick, họ biết rằng anh đã vượt qua nghịch cảnh, thậm chí vượt qua ý định tự vẫn đã thoáng hiện trong anh vài lần khi còn nhỏ, khi Nick vật vã với những câu hỏi làm thế nào để có thể tự nuôi sống mình, khi anh chìm trong cảm giác buồn khổ và chán chường vì bị bắt nạt, bị chế giễu và vì nhiều vấn đề khác, nhiều nỗi bất ổn khác bủa vây.

Đó là những câu hỏi và những thách thức mà mọi người nêu ra khi họ nói chuyện và viết thư cho anh như: những khủng hoảng cá nhân, các vấn đề liên quan đến các mối quan hệ, những thách thức trong công việc, mối quan tâm về sức khỏe và khuyết tật, những ý nghĩ cảm xúc tiêu cực và các chứng nghiện ngập, cách tìm được sự thăng bằng về thể chất, tinh thần, trái tim và tâm hồn… Nick hy vọng rằng việc chia sẻ những câu chuyện của anh và của những người khác,  những người đã kiên trì vượt qua bao khó khăn thử thách trong cuộc sống sẽ giúp ích và khích lệ các bạn vượt qua những thách thức mà các bạn đang phải đối mặt, bạn sẽ tìm thấy sự an ủi thay vì tuyệt vọng. Những câu chuyện ấy là một món quà tinh thần cho những người đang gặp bất hạnh đang tìm một hướng đi cho cuộc đời mình.

 Bạn đọc thân mến!

Khát vọng không chỉ là một cảm xúc, mà còn là một nguồn động lực giúp chúng ta vượt qua mọi thử thách. Đừng bao giờ từ bỏ khát vọng, hãy giữ vững nó và sử dụng nó để tạo ra cuộc sống tuyệt vời nhất có thể. Cuộc sống là một hành trình dài, và chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn. Nhưng với triết lý “Đừng bao giờ từ bỏ khát vọng”, chúng ta sẽ tìm thấy sức mạnh để vượt qua và đạt được thành công trong cuộc sống.

Hy vọng cuốn sách đem lại những điều bổ ích, những thông điệp đến mọi người hãy sống có ý nghĩa cho dù ở hoàn cảnh nào “Tôi là một điều kì diệu, bạn cũng là điều kì diệu của cuộc sống”và khi chúng ta đặt niềm tin vào hành động thì không gì có thể ngăn cản được chúng ta vươn tới một cuộc sống tốt đẹp. Hãy sống đẹp – sống có ích với đời các bạn nhé!

Xin trân trọng  giới thiệu cuốn sách tới quý bạn đọc./.

Sách hay: Tôi tự học – Nguyễn Duy Cần

Kính thưa quý thầy cô và các bạn đọc thân mến!

Cùng với sự phát triển của xã hội, con người không ngừng học hỏi và nâng cao kiến thức của mình để hòa nhập với thời đại. Một con đường để làm tiền đề cho sự phát triển và thành công sau này chính là việc tự học. Tuy nhiên vẫn có nhiều người – đặc biệt là các bạn trẻ chưa hiểu hết tầm quan trọng của việc học. Có nhiều ý kiến được đưa ra: Học để làm gì? Học cái gì? Học như thế nào? Để giải quyết được những vấn đề thắc mắc ở trên tác giả Nguyễn Duy Cần, hiệu là Thu Giang – một học giả nổi tiếng vào những năm 50 – 60, thế kỉ 20 của nước ta đã viết một cuốn sách để bàn luận về vấn đề này với tựa đề – “Tôi tự học”. Sách do nhà xuất bản Trẻ ấn hành năm 2015.

“Tôi tự học”  là một tác phẩm kinh điển mang lại nhiều giá trị không chỉ đơn thuần là hướng dẫn về phương pháp học tập mà còn là một triết lý sống, nhất là đối với những bạn trẻ là học sinh – sinh viên đang trên hành trình tự học và phát triển bản thân.

Tác giả chia sẻ rằng việc học phải xuất phát từ lòng say mê và ý chí tự nguyện, không phải do áp lực từ gia đình hay xã hội. Ông kể về những trường hợp người học vì nhiều lý do khác nhau: có người học để đáp ứng mong muốn của cha mẹ, có người học vì nhu cầu công việc, và có người học vì khát khao tri thức. Tuy nhiên, chỉ khi chúng ta học vì chính bản thân mình, với niềm đam mê thực sự, việc học mới trở nên ý nghĩa và hiệu quả.

Trong cuốn sách, Nguyễn Duy Cần giới thiệu những phương pháp tự học mà ông đã đúc kết từ kinh nghiệm cá nhân và từ các bậc hiền nhân xưa. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc học về bề rộng và bề sâu. Học về bề rộng giúp chúng ta có cái nhìn tổng quan, hiểu biết đa dạng về nhiều lĩnh vực, tránh bị giới hạn bởi một góc nhìn hẹp hòi. Học về bề sâu giúp chúng ta đi sâu vào một lĩnh vực cụ thể, nắm vững kiến thức chuyên môn và phát triển tư duy logic.

Tác giả cũng đề cập đến việc cần phải có phương pháp học tập khoa học và sự cố gắng không ngừng. Ông cho rằng nếu chỉ đọc sách mà không thực sự hiểu và áp dụng được vào thực tế thì việc học trở nên vô nghĩa. Do đó, ông khuyến khích người đọc phải tập trung tinh thần, suy ngẫm kỹ lưỡng và liên tục thực hành những gì đã học. Việc này không chỉ giúp kiến thức trở nên vững chắc mà còn phát triển khả năng tư duy sáng tạo.

Một điểm đặc biệt trong cuốn sách là Nguyễn Duy Cần rất chú trọng đến việc rèn luyện phẩm chất đạo đức và tinh thần trong quá trình tự học. Ông nhấn mạnh rằng ý chí, niềm say mê, sự kiên trì, chăm chỉ và khiêm tốn là những yếu tố quan trọng giúp con người vượt qua mọi khó khăn. Ông chia sẻ rằng tự học không phải là con đường dễ dàng, nó đòi hỏi sự nỗ lực liên tục và không ngừng nghỉ. Tuy nhiên, chính những thử thách đó sẽ giúp chúng ta trưởng thành và mạnh mẽ hơn.

Cuốn sách cũng chứa đựng nhiều câu chuyện và bài học từ các bậc hiền nhân như Khổng Tử, Lão Tử, Tôn Tử… Những triết lý và kinh nghiệm của họ được tác giả trình bày một cách sinh động và dễ hiểu. Chẳng hạn, ông kể về cách Khổng Tử luôn khiêm tốn học hỏi từ mọi người xung quanh, hay cách Lão Tử tìm kiếm sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên. Những câu chuyện này không chỉ mang tính giáo dục mà còn truyền cảm hứng, khuyến khích người đọc áp dụng vào cuộc sống hàng ngày.

Nguyễn Duy Cần cũng bàn về việc đọc sách như một phương tiện quan trọng trong quá trình tự học. Ông khuyên người đọc nên biết cách chọn lựa sách phù hợp với bản thân, tránh những cuốn sách không mang lại giá trị thực sự. Đọc sách không chỉ để thu thập thông tin mà còn để phát triển tư duy, rèn luyện khả năng phân tích và đánh giá. Tác giả cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hiểu biết bản thân. Ông cho rằng chỉ khi chúng ta thực sự hiểu mình muốn gì, điểm mạnh và điểm yếu của mình là gì, chúng ta mới có thể lựa chọn con đường học tập phù hợp. Ông khuyến khích người đọc tự đánh giá, tự phê bình và luôn giữ tinh thần cầu tiến.

Các bạn thân mến!

 Tôi rất thích một câu nói trong cuốn sách rằng: “ Người học thức, tức là người thà biết ít mà thật biết những gì mình biết, còn những gì mình không biết, thì cũng biết rõ là mình không biết”. Sự học là vô tận. Sẽ có đôi lúc ta cảm thấy mất phương hướng vì chẳng biết học để làm gì. Cũng sẽ có lúc ta thất bại trong chính con đường học tập của mình. Nhưng tôi tin thông qua cuốn sách “ Tôi tự học”, mỗi người chúng ta sẽ có thể tìm thấy giá trị thông qua việc tự học cũng như có cho mình một

phương pháp học tập phù hợp với bản thân nhất! Mặc dù cuốn sách có thể hơi khó đọc bởi lối hành văn sử dụng câu chữ của người xưa nhưng tôi tin rằng cuốn sách này rất phù hợp với lứa tuổi học sinh chúng ta.

Nhân dịp kỉ niệm 75 năm Ngày truyền thống học sinh, sinh viên và Hội Sinh viên Việt Nam, tiếp tục kế thừa những truyền thống vẻ vang của các thế hệ đi trước, chúng ta – thế hệ học sinh hôm nay hãy phát huy ý chí tự lực, tự cường, truyền thống hiếu học để viết tiếp những trang sử hào hùng bằng chính trí tuệ và khát vọng của mình. Hi vọng thông qua bài giới thiệu này các bạn sẽ tìm đọc và tự cảm nhận những giá trị mà cuốn sách mang lại.