SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG NGUYỄN VĂN THOẠI

Địa chỉ: 132 đường Đô Đốc Lân - phường Hòa Xuân - quận Cẩm Lệ - TP Đà Nẵng

Điện thoại: (0236) 3721 888

Rộn ràng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 21/4: Lan tỏa niềm đam mê, kết nối tri thức

Thực hiện Kế hoạch số 144/KH-THPTNVT ngày 20/03/2025 của của trường THPT Nguyễn Văn Thoại về việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam và tham gia cuộc thi “Đại sứ Văn hóa đọc Đà Nẵng” năm 2025.

Ngày 21 tháng 4 năm 2025, Trường THPT Nguyễn Văn Thoạitổ chức “Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2025” với thông điêp: “Văn hóa đọc – Kết nối cộng đồng”, “Cùng sách bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” và “Đọc sách – làm giàu tri thức, nuôi dưỡng khát vọng, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo” với nhiều hoạt động ý nghĩa, lan tỏa tinh thần yêu sách, khơi dậy niềm đam mê đọc trong học sinh, giáo viên và toàn thể cán bộ nhà trường.

Đặc biệt, phần chia sẻ của các em học sinh về những cuốn sách truyền cảm hứng đã mang đến nhiều cung bậc cảm xúc. Mỗi câu chuyện đều là minh chứng sống động cho sức mạnh lan tỏa của sách trong việc thắp sáng khát vọng, nâng bước tinh thần và bồi đắp nhân cách. Những tựa sách như “Dấn thân”, “Đời ngắn đừng ngủ dài”… được các em nhắc đến với sự hào hứng, thích thú.

Không khí chương trình trở nên sôi nổi với các trò chơi giao lưu về sách, trong đó nổi bật là trò chơi “Ai nhanh hơn”. Những câu hỏi không chỉ giúp học sinh ôn lại kiến thức, khám phá các tác phẩm nổi tiếng mà còn tăng tính tương tác, gắn kết cộng đồng đọc trong trường học.

Bên cạnh đó, nhà trường đã khen thưởng những tập thể, cá nhân giáo viên và học sinh có nhiều đóng góp trong phong trào đọc sách và công tác thư viện; vinh danh những học sinh đạt giải “Đại sứ Văn hóa đọc cấp trường”. Đây là sự ghi nhận kịp thời và thiết thực, góp phần thúc đẩy các hoạt động phát triển văn hóa đọc ngày càng sâu rộng và bền vững.

Cũng nhân dịp này, Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt Anh (Đại học Đà Nẵng) cũng gửi tặng học sinh và thư viện trường 150 cuốn sách.

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 21/4 đã khép lại với nhiều cảm xúc, để lại dấu ấn sâu đậm và thắp lên ngọn lửa tri thức trong mỗi người. Từ những trang sách nhỏ, hành trình lớn của tri thức và khát vọng đã được khơi nguồn, lan tỏa mạnh mẽ trong từng ánh mắt, nụ cười và câu chuyện của thầy trò nhà trường.

Sau đây là một số hình ảnh hoạt động “ Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2025:

CHƯƠNG TRÌNH “AN TOÀN THAM GIA MÔI TRƯỜNG MẠNG” – HÀNH TRÌNH TRANG BỊ KỸ NĂNG SỐ CHO HỌC SINH!

Được sự đồng ý của lãnh đạo nhà trường, chiều ngày 14/4/2025, hơn 600 học sinh Trường THPT Nguyễn Văn Thoại đã cùng tham gia buổi ngoại khóa “An toàn tham gia môi trường mạng” với thông điệp “Tỉnh táo trước cạm bẫy – Lan tỏa điều tích cực” do Tổ Toán Tin tổ chức.

Chương trình là sự kết hợp giữa kiến thức chuyên môn và trải nghiệm thực tế thông qua tiểu phẩm “Việc nhẹ lương cao” sinh động được tái hiện từ câu chuyện có thật, giúp học sinh nhận diện chiêu trò lừa đảo qua mạng.

Qua chương trình, học sinh đã cởi mở giao lưu, tương tác với các tình huống thực tế giúp học sinh biết cách cách xử lý khi gặp tin đáng ngờ, cách bảo mật thông tin cá nhân.

Đặc biệt, chương trình nhấn mạnh 3 nguyên tắc vàng khi dùng mạng xã hội:
+ Không chia sẻ thông tin nhạy cảm (mật khẩu, OTP…).
+ Kiểm tra nguồn gốc trước khi tin tưởng.
+ Cân bằng thời gian online/offline để bảo vệ sức khỏe tinh thần.

Trường THPT Nguyễn Văn Thoại hy vọng rằng, những kiến thức này sẽ trở thành “lá chắn số” giúp các em trở thành công dân mạng thông thái. Đừng quên chia sẻ bài viết để lan tỏa thông điệp ý nghĩa này!

Ảnh lưu niệm chương trình./.

Kính chào bạn đọc!

Trong dòng chảy không ngừng của văn học thế giới, có những tác phẩm vượt khỏi khuôn khổ thời gian để trở thành bất tử, trở thành lời tự sự của cả một thời đại, một vùng đất, và sâu xa hơn là của thân phận con người. “Trăm năm cô đơn” của nhà văn Colombia Gabriel García Márquez chính là một trong những kiệt tác như thế – một bản giao hưởng kì vĩ, thấm đẫm màu sắc huyền ảo nhưng lại chân thực đến từng con chữ. Sách gồm 425 trang, do nhà xuất Văn học ấn hành năm 2003.

Nhà văn Colombia Gabriel García Márquez

Cuốn sách ra đời nhanh chóng gây tiếng vang lớn không chỉ ở khu vực Mỹ Latinh mà trên toàn thế giới, được xem là đỉnh cao của trào lưu văn học hiện thực huyền ảo. Đó là câu chuyện kéo dài qua bảy thế hệ của dòng họ Buendía tại ngôi làng hư cấu Macondo – một nơi tưởng như tách biệt với thế giới, nơi lịch sử và thời gian không vận động theo logic thông thường, mà như một vòng tròn định mệnh, nơi con người không thể thoát ra khỏi bóng ma của quá khứ.

Gabriel García Márquez đã xây dựng vùng đất Macondo như một bản sao thu nhỏ của châu Mỹ Latinh, nơi các vấn đề về chính trị, chiến tranh, tình yêu, sự cô lập và sự tha hóa lần lượt hiện diện qua số phận từng nhân vật. Mỗi thế hệ của dòng họ Buendía từ José Arcadio Buendía say mê tri thức đến Úrsula kiên cường gánh vác gia đình đều mang trong mình một nỗi cô đơn sâu thẳm – một nỗi cô đơn không phải là sự vắng mặt của người khác, mà là cảm giác lạc lõng giữa chính gia đình, lịch sử, và bản ngã của mình.

Điều đặc biệt trong tác phẩm này chính là phong cách hiện thực huyền ảo mà tác giả sử dụng tài tình. Ông miêu tả những hiện tượng siêu nhiên, phi lí như thể đó là điều bình thường nhất trong cuộc sống: Những cơn mưa kéo dài suốt bốn năm mười một tháng, những hồn ma hiện về trò chuyện với người sống, hay người phụ nữ bay lên trời cùng tấm drap giường… Tất cả hòa quyện vào nhau tạo nên một không gian đầy mê hoặc, vừa kỳ ảo vừa trần trụi, khiến người đọc không còn ranh giới giữa thực và mộng.

Tuy nhiên, đằng sau lớp sương mù huyền ảo ấy là những vấn đề rất thực: chiến tranh, bạo lực, sự cô lập về tinh thần, sự lặp lại của lịch sử do con người không chịu học hỏi từ những sai lầm cũ. Các thành viên trong gia đình Buendía dường như không thể thoát khỏi vòng luẩn quẩn của định mệnh. Dù cố gắng thay đổi, họ vẫn bị cuốn vào chuỗi lặp của sai lầm, của tình yêu loạn luân, của những tham vọng vượt quá tầm tay. Cuối cùng, tất cả kết thúc trong sự tan rã, một cái kết không ồn ào, nhưng ám ảnh.

Bạn đọc thân mến!

Nếu bạn từng đứng giữa dòng đời và tự hỏi mình là ai? Sống để làm gì? Và vì sao lại có những nỗi buồn không thể gọi tên thì có lẽ, “Trăm năm cô đơn” sẽ như một tấm gương phản chiếu những suy nghĩ sâu kín nhất trong bạn. Nó không cho bạn câu trả lời cụ thể, nhưng sẽ khuấy động trong bạn những câu hỏi quan trọng nhất.

Sự cô đơn là số phận tất yếu nếu con người không tìm được sự kết nối thật sự với nhau và với chính mình – làthông điệp cốt lõi mà tác phẩm gửi gắm. Đó không chỉ là câu chuyện của một gia đình, dòng họ, mà còn là lời cảnh tỉnh cho cả nhân loại rằng nếu ta cứ lặp lại quá khứ, không biết yêu thương và thấu hiểu, thì chúng ta – những con người sống trong thế giới hiện đại đầy kết nối vẫn có thể mãi cô độc.

Tác giả từng nói: “Cuộc đời không phải là những gì ta đã sống, mà là những gì ta nhớ lại và kể lại.” “Trăm năm cô đơn” là cuốn sách không chỉ để đọc mà để sống cùng, để chiêm nghiệm, để mang theo trong hành trình khám phá chính mình.

Hãy một lần bước vào thế giới Macondo, để rồi hiểu rằng, giữa trăm năm cô đơn của kiếp người, vẫn luôn có hy vọng, ánh sáng, và tình yêu, dù chỉ le lói  đủ để con người tiếp tục đi tới.

Trân trọng giới thiệu tới bạn đọc!

Sách hay: Đắc nhân tâm của tác giả Dale Carnegie

Kính chào bạn đọc thân mến!

Trong cuộc sống hiện đại, khi các mối quan hệ xã hội ngày càng trở nên đa dạng và phức tạp hơn, hiểu rõ những quy tắc ứng xử để việc giao tiếp trở nên hiệu quả là vô cùng quan trọng. Cuốn sách “Đắc nhân tâm” của tác giả Dale Carnegie là một trong những tác phẩm nổi bật giúp chúng ta hiểu được bí quyết thành công trong giao tiếp, từ đó xây dựng mối quan hệ tốt đẹp hơn giữa bản thân với những người xung quanh.

Cuốn sách được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1936 và nhanh chóng trở thành một trong những cuốn sách bán chạy nhất trên thế giới. Các nội dung trong tác phẩm không chỉ đơn thuần trang bị cho chúng ta về kĩ năng giao tiếp, mà đó còn là một cẩm nang giúp chúng ta cải thiện khả năng đối nhân xử thế, xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với bạn bè, đồng nghiệp và thậm chí là với những người thân trong gia đình. Những nguyên tắc đề cập trong cuốn sách được tổng hợp từ những kinh nghiệm thực tiễn của tác giả và những người thành công, giúp người đọc nhận thức sâu sắc về giá trị của sự quan tâm, thấu hiểu và lòng kiên nhẫn trong giao tiếp.

Cuốn sách bắt đầu với câu chuyện về một người đàn ông không bao giờ nhận được sự yêu mến từ đồng nghiệp, nhưng khi ông thay đổi cách tiếp cận, tập trung vào sự quan tâm, tôn trọng người khác, ông đã tạo dựng được những mối quan hệ vững chắc và thành công hơn trong công việc. Điều này tạo ra một cơ sở nền tảng lí luận vững chắc cho các nguyên lí mà Dale Carnegie chia sẻ trong suốt cuốn sách: Làm thế nào để có thể giao tiếp hiệu quả, thuyết phục người khác và dành được sự yêu mến. Cũng như tiêu đề của nó, “Đắc nhân tâm” không chỉ là một phương pháp, đó còn là một triết lí sống, giúp con người xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với những người xung quanh thông qua sự hiểu biết và tôn trọng.

Một trong những thông điệp quan trọng mà cuốn sách mang đến là “đặt mình vào vị trí của người khác”. Điều này có nghĩa là để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp, ta không những phải hiểu rõ bản thân mình mà còn cần phải hiểu được cảm xúc và suy nghĩ của đối phương, họ suy nghĩ như thế nào, cần gì và muốn gì?

Ngoài ra, tác giả cũng nhấn mạnh đến việc tạo ra ấn tượng đầu tiên tốt đẹp và duy trì sự tôn trọng trong suốt quá trình giao tiếp. Ông chia sẻ rằng, khi ta chú ý đến thái độ, cử chỉ và lời nói, sẽ giúp cho người đối diện cảm thấy thoải mái và dễ dàng kết nối với mình. Điều này đặc biệt quan trọng trong những tình huống cần xây dựng sự tin tưởng và hợp tác lâu dài. Hãy thử tưởng tượng, nếu bạn gặp ai đó lần đầu tiên mà họ có thái độ lạnh lùng, thiếu quan tâm, liệu bạn có muốn tiếp tục mối quan hệ đó hay không?

Một điểm đáng chú ý nữa trong cuốn sách là việc tạo ra sự khích lệ và động viên cho người khác thay vì chỉ trích họ. Chúng ta đều có những điểm yếu, nhưng thay vì chỉ trích và đổ lỗi, chúng ta có thể giúp người khác nhận ra lỗi sai của họ một cách nhẹ nhàng, từ đó giúp họ có động lực để cải thiện bản thân. Một ví dụ điển hình trong sách là câu chuyện về một người cha đã thuyết phục được con trai mình thay đổi hành vi bằng sự khuyến khích và động viên. Chứng tỏ rằng, thay vì chỉ trích, bắt buộc, việc khuyến khích và tôn trọng đối phương sẽ mang lại kết quả tích cực hơn rất nhiều. Điều này không chỉ giúp xây dựng một môi trường giao tiếp tích cực mà còn giúp cải thiện mối quan hệ giữa các cá nhân trong xã hội.

Một vấn đề đáng suy ngẫm là liệu những nguyên tắc trong “Đắc nhân tâm” có phù hợp trong mọi hoàn cảnh hay không? Có thể nói, mặc dù những nguyên tắc mà Dale Carnegie đưa ra rất hữu ích trong hầu hết các tình huống giao tiếp, nhưng cũng có những trường hợp, khi đối diện với những người không chân thành hoặc có những hành vi xấu, ta không thể chỉ sử dụng những nguyên tắc nhẹ nhàng để giải quyết vấn đề. Trong những tình huống như vậy, việc kiên quyết bảo vệ quyền lợi của bản thân cũng cần được chú trọng.

Bạn đọc thân mến!

 “Đắc nhân tâm” là một cuốn sách vô cùng giá trị, giúp mỗi người đọc nâng cao kĩ năng giao tiếp, cải thiện mối quan hệ và tạo dựng niềm tin từ những người xung quanh. Những nguyên tắc mà Dale Carnegie đưa ra không chỉ áp dụng trong công việc mà còn là chìa khóa giúp ta sống hòa hợp với cộng đồng. Việc học hỏi và vận dụng những điều này trong cuộc sống hàng ngày sẽ giúp chúng ta trở thành những người có ảnh hưởng tích cực và có thể tạo dựng một cuộc sống hạnh phúc hơn.

Trân trọng giới thiệu./.