SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG NGUYỄN VĂN THOẠI

Địa chỉ: 132 đường Đô Đốc Lân - phường Hòa Xuân - quận Cẩm Lệ - TP Đà Nẵng

Điện thoại: (0236) 3721 888

Sách hay: Không gục ngã

https://youtu.be/DUv0OgeJrdA

Kính thưa quý thầy cô và các bạn thân mến!

Cuộc đời mỗi người chúng ta tựa như biển cả bao la với muôn ngàn con sóng vỗ. Và trong những khoảnh khắc sóng gió ấy, ta luôn cần một ngọn hải đăng soi sáng. Cuốn sách “Không gục ngã” của dịch giả Nguyễn Bích Lan như ngọn hải đăng ấy, soi rọi vào tâm hồn mỗi người, thắp lên ngọn lửa hy vọng bất diệt: “Đây là câu chuyện của tôi. Tôi thật lòng mong khi bạn khép lại cuốn sách này, bạn cũng sẽ bắt đầu viết lên những câu chuyện không gục ngã trong hành trình sống có một không hai của mỗi người”. Cuốn sách nằm trong trong tủ sách “Hạt giống tâm hồn” với ý tưởng của Công ty Fist News – Trí Việt để truyền tinh thần, ý chí vượt lên số phận cho thanh niên Việt Nam hiện nay.

Dịch giả, nhà thơ, nhà văn: Nguyễn Bích Lan

Cuốn tự truyện dày 303 trang, gồm hai phần:

Phần 1: Chuyện đời tôi.

Phần 2: Những chiêm nghiệm cuộc sống.

“Đêm tối đến để lại trong ta những vì sao”, câu nói nổi tiếng của đại văn hào Victor Hugo  mà tác giả đã trích làm đề từ tự truyện “Không gục ngã” của mình đã dẫn mọi người đến hành trình vượt lên số phận của chính tác giả.

Cuốn sách với những mảng đối lập trong từng giai đoạn cuộc đời tác giả, từ yên bình đến những khổ đau do căn bệnh loạn dưỡng cơ gây ra năm cô mới 13 tuổi, là chuỗi thời gian cô nỗ lực tập đứng lên, ngồi xuống, tập vận động như một đứa trẻ và tự học trung học phổ thông, tự học tiếng Anh, tự học vi tính… để trở thành một dịch giả tài năng, một nhà diễn thuyết truyền cảm hứng.

Điều gì đã giúp tác giả vượt qua tất cả? Đó chính là ý chí sắt đá, lòng lạc quan và một trái tim yêu đời. Cô đã biến những khó khăn thành động lực để vươn lên, để chứng minh rằng cuộc sống vẫn còn nhiều điều ý nghĩa.

Tự truyện của Nguyễn Bích Lan không chỉ truyền cảm hứng về niềm khát khao được sống, ý chí không khuất phục nghịch cảnh, không đầu hàng số phận dù cho phải chịu nhiều gian truân và thử thách cả thể chất lẫn tinh thần mà còn lan tỏa tình yêu đọc sách, ý chí tự học và lòng biết ơn với những trang sách. Cuộc đời cô là minh chứng cho điều đó, khi bị tàn phá nặng nề và gần như phải làm “người tàn phế” bởi căn bệnh loạn dưỡng cơ quái ác, Nguyễn Bích Lan tự tìm nguồn vui và sức mạnh từ việc đọc và tự học. Đối với cô, sách nâng đỡ tinh thần mỗi khi tuyệt vọng, sách tiếp thêm động lực cho ước mơ được sống và cống hiến. Từ ánh sáng của tri thức được thu nhận qua sách và Internet, cô gái trẻ dần vượt qua bóng tối khổ đau và từng bước đến bình minh tương lai khi tự mình học tập và trở thành cô giáo của lớp học cây Táo đầy thiện tâm, trở thành tác giả, dịch giả của gần 30 đầu sách nổi tiếng. 

“Không gục ngã” không chỉ là câu chuyện của riêng Bích Lan, mà còn là câu chuyện của mỗi chúng ta. Đó là về nghị lực sống, về niềm tin vào bản thân và về tình yêu cuộc sống. Qua câu chuyện của Nguyễn Bích Lan, chúng ta học được rằng, cuộc sống có khó khăn đến đâu, chúng ta vẫn có thể vượt qua bằng nghị lực và sự kiên trì, thử thách lớn đến đâu, chúng ta vẫn có thể tìm thấy niềm vui và ý nghĩa trong mỗi khoảnh khắc. Hãy để câu chuyện của tác giả trở thành ngọn lửa thắp sáng tâm hồn bạn, giúp bạn khám phá những khả năng tiềm ẩn của bản thân và sống một cuộc đời thật ý nghĩa. Bởi cuộc sống này quá ngắn ngủi để chúng ta buông xuôi và hối tiếc. Hãy sống hết mình, yêu thương hết mình và đừng bao giờ từ bỏ ước mơ của mình các bạn nhé!

Kính mời quý thầy cô và các bạn học sinh tìm đọc!

Tuyên truyền chế độ dinh dưỡng và hoạt động thể lực

Dinh dưỡng lành mạnh và hoạt động thể lực để nâng cao sức khỏe

Dinh dưỡng chiếm một vai trò quan trọng trong việc hình thành, phát triển cơ thể và giữ gìn sức khỏe của con người. Ở mỗi thời kỳ phát triển của một đời người, nhu cầu về dinh dưỡng hoàn toàn khác nhau, tuy nhiên việc đáp ứng nhu cầu ấy một cách hợp lý lại luôn luôn là vấn đề đáng chú ý, vì đó là nền tảng của sức khỏe.

Bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng là thực phẩm của bữa ăn cung cấp đầy đủ năng lượng, đủ chất đạm, chất béo, chất khoáng, vitamin và đủ nước cho cơ thể. Trong khẩu phần ăn có các chất sinh năng lượng là chất bột, đạm, béo, rau xanh và hoa quả chín cung cấp vitamin và chất xơ. Nhu cầu năng lượng và các chất dinh dưỡng thay đổi theo tuổi, giới và tình trạng sinh lý.

Bữa ăn cân đối là bữa ăn trong đó các chất dinh dưỡng cân đối hợp lý. Khẩu phần năng lượng từ chất bột chiếm 68%, chất đạm là 14%, chất béo là 18%.

Muốn đảm bảo một bữa ăn đủ chất dinh dưỡng và cân đối, chúng ta cần thực hiện đa dạng hóa bữa ăn, sử dụng nhiều loại thực phẩm khác nhau. Phối hợp thực phẩm nguồn gốc động vật và thực vật, ví dụ không chỉ ăn thịt, cá, mà còn ăn đậu phụ, vừng lạc, rau và hoa quả.

Vậy dinh dưỡng lành mạnh là dinh dưỡng đầy đủ, cân đối, hợp lý và đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Thức ăn, đồ uống phải đảm bảo an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng, không trở thành nguồn gây bệnh. Như các cụ ta đã có câu “Bệnh từ miệng vào, họa từ miệng ra”.Hạnh phúc nhất của những bậc phụ huynh là mong muốn con mình mạnh khỏe, thông minh, có thân hình cao lớn. Một khẩu phần ăn có giá trị dinh dưỡng cao và giúp tăng cường sức khỏe chỉ khi trong thành phần có đủ mặt các nhóm ở tỷ lệ thích hợp. Đó là nguyên tắc cơ bản của dinh dưỡng hợp lý.

Trong đó:  Chất đạm (Protein-Protid)  (1 gam chất đạm cung cấp 4 Kcal).

Chất béo (Lipid) (1 gam chất béo cung cấp 9 Kcal)

Chất bột đường (Tinh bột-Glucid) (1gam glucid cung cấp 4 Kcal)

Chất xơ, Vitamin và khoáng chất

Ăn đủ bốn nhóm chất trong mỗi bữa ăn: chất bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin và chất khoáng.

– Ăn phối hợp nhiều loại thực phẩm (ít nhất 20 loại thực phẩm mỗi ngày) và thường xuyên thay đổi món, tránh chỉ ăn một vài loại thực phẩm nhất định.

– Ăn thức ăn giàu đạm với tỷ lệ cân đối giữa nguồn động vật và thực vật, nên tăng cường ăn cá.

 – Sử dụng chất béo ở mức hợp lý, chú ý phối hợp giữa dầu thực vật và mỡ động vật.

 – Khuyến khích trẻ ăn nhiều rau, để tránh táo bón, đồng thời cung cấp nhiều vi chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của trẻ.

– Ăn đúng bữa, không ăn vặt; không ăn bánh, kẹo, nước ngọt trước bữa ăn

 – Trẻ cần được ăn bữa sáng đầy đủ. – Sử dụng sữa và các sản phẩm của sữa phù hợp với mỗi lứa tuổi.

 – Không ăn mặn

            Hoạt động thể lực (HĐTL) là bất kỳ chuyển động cơ thể do cơ và xương tạo ra, trong quá trình thực hiện có sự biến đổi làm tăng nhịp tim, nhịp thở và gây tiêu hao năng lượng. HĐTL được thực hiện theo nhiều cách khác nhau như: tham gia vào các công việc lao động hàng ngày, hoạt động vui chơi, luyện tập thể dục thể thao và đi lại, v.v. Các HĐTL của học sinh bao gồm: giờ học thể dục, vui chơi giải trí, khiêu vũ, thể thao trường học, các trò chơi vận động và các hoạt động trong thời gian nghỉ giữa các tiết học; đi bộ, chạy nhảy hoặc đi xe đạp đến trường và các hoạt động ngoại khóa, dã ngoại, tập luyện các môn thể thao, v.v.

HĐTL càng kéo dài, hiệu quả càng lớn nhưng cường độ và thời gian HĐTL phải phù hợp tình trạng tâm sinh lý và sức khỏe của từng trẻ. Trong nhiều trường hợp, HĐTL cường độ trung bình có thể chia làm nhiều lần và mỗi lần không nên dưới 10 phút.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, đối với trẻ em cần HĐTL cường độ trung bình tổng cộng ít nhất 60 phút mỗi ngày và có thể chia làm nhiều lần nhưng mỗi lần cần từ 10 phút trở lên, cộng với hoạt động cường độ mạnh ít nhất hai lần một tuần để phát triển mật độ của xương, sức mạnh cơ bắp và tính linh hoạt, tăng cường tim mạch và hô hấp. Những hoạt động vui chơi điển hình của trẻ em như nhảy, chạy và leo là hoạt động tối ưu cho sức khỏe của xương

Vai trò của hoạt động thể lực đối với học sinh tiểu học. Giúp nâng cao sức khỏe và phát triển thể lực: nâng cao các tố chất thể lực như: sức nhanh, sức mạnh, sức bền, sự khéo léo, mền dẻo của cơ thể. Tạo điều kiện để cơ thể phát triển cân đối; kích thích và tăng cường hoạt động của hệ hô hấp, tuần hoàn, tiêu hóa, làm cơ sở quan trọng cho sự tăng trưởng, phát triển lành mạnh và giảm chấn thương, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh học tập và rèn luyện đạt kết quả tốt. Giúp tăng cường nhận thức. HĐTL giúp học sinh luôn nhanh nhẹn, thoải mái, tiếp thu bài tốt, cải thiện thành tích học tập. HĐTL cũng giúp làm giảm căng thẳng, bồn chồn và thiếu tập trung do phải ngồi liên tục trong lớp học. Ảnh hưởng tích cực đến tâm lý, giúp trẻ phát triển các quan hệ xã hội và dự phòng các hành vi nguy cơ.

HĐTL xây dựng lòng tự tin, tự nhận thức về các bộ phận và hình ảnh cơ thể cũng như các kỹ năng xã hội quan trọng và các giá trị như làm việc theo nhóm, chơi công bằng, khoan dung, hòa đồng với bạn bè. Làm giảm yếu tố nguy cơ bệnh mạn tính trong tương lai.

HĐTL ở học sinh là nền tảng cho sức khỏe tương lai tốt hơn. Nhiều bệnh và tình trạng sức khỏe xấu liên quan đến ít HĐTL như bệnh tim, đột quỵ, béo phì, v.v.

Các yếu tố nguy cơ liên quan đến sự phát triển của các bệnh mạn tính có thể tránh được ở tuổi học sinh. Ví dụ, mật độ xương, nên được thiết lập sớm ở độ tuổi học sinh là rất quan trọng để ngăn ngừa bệnh loãng xương sau này.

Những học sinh có tình trạng sức khỏe đặc biệt như: khuyết tật, mắc bệnh mạn tính (đái tháo đường, hen hoặc bệnh tim, v.v) cũng cần HĐTL với mức độ phù hợp. Dưới đây là một số HĐTL phù hợp với học sinh khuyết tật:

NHỮNG ĐIỀU HỌC SINH NÊN LÀM

            Thực hành dinh dưỡng hợp lý  Ăn nhiều rau xanh và trái cây để cung cấp đủ vitamin, khoáng chất và chất xơ cho cơ thể.

 Hạn chế ăn, uống đồ ngọt như bánh, kẹo, kem, chè, nước ngọt đóng chai, nước trái cây có thêm đường, v.v. nhất là trước khi ăn cơm và trước khi đi ngủ để phòng chống sâu răng, béo phì.  

Hạn chế thức ăn chứa nhiều chất béo như thịt mỡ, thức ăn rán ngập dầu/mỡ, phủ tạng động vật, các đồ ăn nhanh như gà rán, khoai tây chiên, v.v.  

Giảm muối và gia vị chứa nhiều muối bằng cách:

 Hạn chế ăn các món kho, rim, rang (thịt kho, cá kho, tôm rang muối, lạc rang muối, v.v).

 Hạn chế ăn thực phẩm chế biến sẵn có nhiều muối (xúc xích, dăm bông, thịt xông khói, dưa muối, bim bim, mì tôm, v.v).

Hạn chế chấm thức ăn vào nước mắm, xì dầu, bột canh, muối trong khi ăn. Nên sử dụng muối iod hoặc bột canh i ốt.

Tăng cường hoạt động thể lực,  tích cực tham gia các giờ thể dục ở trường.  Tham gia chơi các trò chơi vận động trong giờ nghỉ giải lao giữa các tiết học.  

Tham gia các hoạt động thể thao (như đá bóng, bóng rổ, bơi lội, tập võ, múa, khiêu vũ thể thao, đá cầu, cầu lông, thể dục nhịp điệu , v.v).  Tăng cường đi bộ đến trường và về nhà hằng ngày (nếu có thể). Tăng cường đi cầu thang bộ thay cho sử dụng cầu thang máy.  

Tích cực giúp cha mẹ làm việc nhà như dọn dẹp nhà cửa, giặt quần áo, phụ giúp công việc làm bếp.

Không nên lười vận động như ngồi lâu xem tivi, chơi trò chơi điện tử, dùng máy tính…

Lễ Kết nạp Đảng viên

Trong không khí tưng bừng và phấn khởi của ngành giáo dục cả nước kỉ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2024), Trường THPT Nguyễn Văn Thoại đã tổ chức một sự kiện đặc biệt và trang trọng “Lễ kết nạp đảng viên mới”. Đây không chỉ là dịp để tri ân những đóng góp của các thầy cô giáo mà còn là một dấu mốc quan trọng trong công tác xây dựng Đảng tại nhà trường, góp phần bồi dưỡng thế hệ đảng viên mới, có phẩm chất chính trị vững vàng, tiếp tục phát huy vai trò lãnh đạo trong sự nghiệp giáo dục.

Công tác phát triển Đảng viên luôn là nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. Một tổ chức cơ sở Đảng mạnh được thể hiện thông qua số lượng và chất lượng Đảng viên. Thông qua việc phát triển Đảng viên, sẽ lựa chọn đào tạo đội ngũ giáo viên, nhân viên vừa có trình độ chuyên môn tốt, vừa gương mẫu, có trách nhiệm trong các công việc, thực hiện tốt chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Chi bộ THPT Nguyễn Văn Thoại rất coi trọng công tác phát triển Đảng viên. Trong năm 2024 này, Chi bộ đã kết nạp được 06 đảng viên mới.

Sáng  ngày 20/11/2024, tại hội trường THPT Nguyễn Văn Thoại, Chi bộ nhà trường đã tổ chức lễ kết nạp đảng viên mới là đồng chí Lê Văn Hiếu – giáo viên tổ GDTC – GDQPAN. Đồng chí là một công đoàn viên xuất sắc, không chỉ trong công tác giáo dục đồng chí còn có nhiều thành tích nổi bật trong các hoạt động thể thao của công đoàn nhà trường và của Ngành Giáo dục. Dưới lá cờ Tổ quốc, cờ Đảng, đồng chí đã tuyên thệ các nhiệm vụ của người Đảng viên và hứa tiếp tục phát huy hơn nữa năng lực cá nhân trong công tác giáo dục của mình trước sự chứng kiến của đảng viên trong chi bộ và đặc biệt hơn trong buổi lễ này có sự hiện diện của các công đoàn viên, đoàn viên ưu tú đã được học lớp bồi dưỡng cảm tình Đảng.

Buổi lễ diễn ra trong ngày trọng đại của một nhà giáo. Đây không chỉ là niềm tự hào mà còn là dấu ấn đặc biệt của đồng chí Lê Văn Hiếu trong ngày Nhà giáo Việt Nam. Buổi lễ như đã tiếp thêm sức mạnh cho tuổi trẻ, góp phần giáo dục tinh thần yêu nước, hun đúc ý chí quyết tâm vì sự nghiệp trồng người cho tất cả các đồng chí tham dự, đặc biệt là các đối tượng chuẩn bị kết nạp Đảng.

Buổi lễ kết thúc trong không khí trang nghiêm và phấn khởi, với những lời chúc mừng nồng ấm và niềm tin vào sự phát triển bền vững của Chi bộ. Xin gửi tới đồng chí tân Đảng viên những lời chúc mừng chân thành và đầy kỳ vọng. Tin rằng, dưới sự dìu dắt, hỗ trợ tận tình của Chi bộ và các Đảng viên, đồng chí sẽ tiếp tục phấn đấu không ngừng, cống hiến hết mình cho lý tưởng của Đảng, trở thành những tấm gương sáng về phẩm chất, trí tuệ và nhiệt huyết trong mọi lĩnh vực công tác. Mong rằng trong thời gian tới, các đồng chí sẽ luôn tiếp tục trau dồi bản thân, giữ vững bản lĩnh chính trị, cùng phấn đấu và cống hiến hơn nữa để xứng đáng là một người Đảng viên trẻ. 

Một lần nữa, toàn thể Chi bộ chúc mừng đồng chí Lê Văn Hiếu.