SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG NGUYỄN VĂN THOẠI

Địa chỉ: 132 đường Đô Đốc Lân - phường Hòa Xuân - quận Cẩm Lệ - TP Đà Nẵng

Điện thoại: (0236) 3721 888

Sách hay : Mười ba lí do

Kính thưa quý thầy cô giáo cùng các bạn học sinh thân mến!

Trong hành trình của mỗi đứa trẻ, viêc đến trường không chỉ là học tập kiến thức , mà còn là một phần quan trọng trong việc hình thành nhân cách và xây dựng tương lai. Tuy nhiên mọi dự định tươi sáng đều có thể bị che phủ bởi bóng tối của bạo lực học đường. Điều đáng buồn là nó không chỉ tồn tại trong những hình thức vũ trang hay bạo lực trực tiếp mà còn lan truyền dưới dạng khác nhau, từ ám ánh tinh thần đến sự bất công xã hội. Và hôm nay xin giới thiệu đến quý thầy cô và các bạn một cuốn sách còn mang nhiều nỗi niềm trăn trở ấy với tựa đề Mười ba lí do của tác giả Jay Asher, sách do nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành năm 2018.

Tựa đề tên sách: Mười ba lí do

Mười ba lí do ” là một cuốn tiểu thuyết nổi tiếng xoay quanh câu chuyện của Hannah Baker, một nữ sinh trung học đã tự tử và để lại 13 cuộn băng cassette cho cậu bạn Clay Jensen. Trong đó, cô đã giải thích rõ ràng 13 người liên quan – những lý do đã làm cho cô đi đến quyết định kết thúc cuộc đời của mình. Và chàng trai Clay Jensen cũng rất bất ngờ khi biết mình chính là một trong số những nguyên nhân đó. Từ đó, cuộc sống của Clay và kể cả những người nhận được cuộn băng đều bị đảo lộn.

Khi đọc cuốn sách chúng ta sẽ cảm nhận được sự tiêu cực khủng khiếp ám ảnh lên từng chữ và lên từng nhân vật trong truyện. Hannah vốn là một cô bé lạc quan, độc lập, thông minh và xinh đẹp. Chính Clay cũng thầm thích cô nhưng vì 1 vài lí do Hannah trở thành tâm điểm của những trò đùa quái dị, độc ác đến từ phía các bạn trong lớp. Cô bé bị bôi nhọ danh dự, bị nhục mạ, chơi xấu. Nhiều lần phát tín hiệu cầu cứu nhưng không ai quan tâm mà quá đáng hơn, họ đem ra mỉa mai, thậm chí đem cô ra làm trò tiêu khiển. Hơn hết, khi cô bé muốn nhận được sự giúp đỡ từ phía nhà trường, thầy cô cũng không hề làm được điều đó. Nỗi đau đó dàn trải như một vết cắt từ từ, một thứ nước muối được nhỏ từng giọt vào tâm trí cô bé. Bởi thế, từ một người luôn tràn đầy sức sống, Hannah trở nên lầm lì, cô độc và cuối cùng là lựa chọn tự kết thúc cuộc đời của mình.

 Câu chuyện được tác giả khai thác trần trụi nhưng chân thật những mặt trái của đời sống học đường, đưa chúng ta đến với thế giới nội tâm đầy giằng xé của những đứa trẻ vị thành niên trước những vấn đề tiêu cực như: Những trò chơi xấu, những kẻ hai mặt, sự phân biệt vùng miền, quấy rối tình dục, rượu bia thuốc lá, sự hững hờ vô tâm hay vô trách nhiệm, vv… và nhất là nêu ra được những nguyên nhân và hậu quả đối với nạn nhân phải chịu sự bắt nạt ở môi trường học đường.

Các bạn thân mến!

Có bao giờ bạn nghĩ rằng sự lên tiếng của mình có thể cứu một ai đó, thật sự cứu một sinh mạng theo đúng nghĩa đen. Tôi từng nghe ở đâu đó nói rằng tất cả những gì cần thiết cho sự chiến thắng của cái ác chính là những người tốt không làm gì cả, sự im lặng nhút nhát nó có đáng trách không? có lẽ là không nhưng sẽ hối hận tột cùng khi biết rằng nếu lúc đó mình nói ra câu ấy có lẽ bây giờ cô ấy vẫn còn sống. những gì Hana trải qua tôi nhận ra rằng một lời nói vô thưởng vô phạt có thể giết chết một ai đó nhưng cũng có thể là một cánh tay nâng đỡ một ai đó đang ở trong góc tối, vì thế nếu thấy rằng lời nói của mình không gây tổn thương và có một tia nhỏ suy nghĩ lóe lên rằng câu nói ấy là cần thiết thì tôi nghĩ tôi nhất định sẽ cất lời. Có thể đôi lúc tôi sẽ cảm thấy hơi ngớ ngẩn nhưng xét đi xét lại tôi sợ bản thân mình sẽ hối hận nhiều hơn .

Với 13 cuộn băng cassette – 13 lí do mang đến những thông điệp mạnh mẽ về những ảnh hưởng của hành động nhỏ đến cuộc sống của người khác khiến bất kì đối tượng nào, từ gia đình, đến nhà trường, hay những cô cậu học sinh cũng cần phải nghĩ xem, liệu ta có nhìn thấy bản thân mình hiện diện trong câu chuyện của Hannah? liệu chúng ta đang vô tình làm tổn thương ai đó hay không? Đó có thể là 1 một tấm ảnh mà ta nhìn thấy trên mạng rồi đem ra gièm pha, chế giễu, một câu chuyện ta vô tình nghe được ở đâu đó rồi thêu dệt khắp nơi, lời bông đùa mà ta vô tình nói ra v.v…cũng đã đẩy người khác vào chỗ tuyệt vọng vì sự vô tâm và dửng dưng của mình.

Xuyên suốt cuốn tiểu thuyết đã cho ta thấy được sự bức bối, nặng nề, nhưng đồng thời, cũng là lời cảnh tỉnh, cảnh báo cho xã hội về những nguyên nhân dẫn đến sự trầm cảm và tự tử độ ở tuổi vị thành niên, khi nạn bạo hành, bắt nạt ở trường học vẫn diễn ra hàng ngày. Và những cái chết thương tâm trên ghế nhà trường vẫn chưa bao giờ chấm dứt, dù bất kì đâu trên thế giới.

Mong rằng tác phẩm này mang lại cho bạn đọc những cảm xúc mãnh liệt, đau lòng một chút cũng được, để ý thức được rằng sự chủ động cần thiết của lòng trắc ẩn trong mỗi chúng ta  là vô cùng quan trọng. Đừng thờ ơ, dửng dưng trước những cánh tay đang chìa ra cầu cứu sự giúp đỡ, đừng im lặng trước những điều xấu xa mà ta đang nhìn thấy. Ta cần phải cư xử tốt với mọi người xung quanh dù họ là ai đi nữa. Đơn giản nhất là hãy tôn trọng, suy nghĩ thật sâu những chuyện mình  sắp thực hiện, hãy chắc chắn rằng đó không là một lí do gây đau lòng cho 1 trái tim nào khác. Điều đó đồng nghĩa với việc ta lựa chọn ôm ấp chính mình, người thân và những người ta tiếp xúc trong đời để không xuất hiện thêm bất cứ 1  Hannah Baker hay 1 Clay Jensen nào nữa.

Cuốn sách hiện có tại Thư viện. Thầy cô và các em hãy tìm đọc cuốn sách ý nghĩa này nhé!

Nhiều giải thể thao dành cho học sinh

Các đơn vị, địa phương cùng trường học trên địa bàn thành phố tổ chức nhiều giải thể thao trong năm học mới với đa dạng các nội dung thi đấu, tạo không khí thi đua sôi nổi, hấp dẫn. Thông qua các giải đấu ở cơ sở, các vận động viên xuất sắc được chọn tranh tài giải cấp thành phố, góp phần nâng cao chất lượng các giải đấu, thúc đẩy sự phát triển của phong trào thể dục – thể thao trong học sinh.

Học sinh hào hứng tranh tài tại giải việt dã do Trường THPT Nguyễn Văn Thoại tổ chức. Ảnh: PHI NÔNG
Học sinh hào hứng tranh tài tại giải việt dã do Trường THPT Nguyễn Văn Thoại tổ chức. Ảnh: PHI NÔNG

Trường THPT Nguyễn Văn Thoại là một trong những đơn vị có phong trào thể dục – thể thao phát triển, giành kết quả cao tại các giải đấu cấp thành phố. Nhằm giúp học sinh duy trì thói quen tập luyện thể dục – thể thao thường xuyên, hằng năm trường tổ chức nhiều giải đấu. Mới đây, giải việt dã và cầu lông trong khuôn khổ giải thể thao học sinh của trường năm học 2024-2025 diễn ra thành công, thu hút đông đảo học sinh tham gia thi đấu với chất lượng chuyên môn cao. Trong đó, ở môn việt dã, các vận động viên nữ thi đấu nội dung 3.000m, vận động viên nam thi đấu 5.000m. Ở môn cầu lông, các vận động viên thi đấu nội dung đơn nam, đơn nữ và đôi nam.

Tham gia thi đấu và giành HCV môn cầu lông nội dung đơn nam, em Nguyễn Văn Hưng (học sinh lớp 11/5) cho hay: “Em tập luyện và thi đấu cầu lông hơn 5 năm nay. Để cạnh tranh huy chương tại giải cầu lông của trường, em tập luyện hằng ngày sau giờ học và nỗ lực hết sức trong quá trình thi đấu. Em rất vui khi những nỗ lực của mình được đền đáp bằng tấm HCV. Hy vọng, em được chọn vào đội tuyển cầu lông của trường tham gia thi đấu giải cấp thành phố. Các giải do trường và thành phố tổ chức là sân chơi hấp dẫn, bổ ích dành cho học sinh. Hiện em duy trì tập luyện thường xuyên tại CLB cầu lông của trường để nâng cao sức khỏe và cải thiện chuyên môn”.

Theo thầy Nguyễn Quang Quốc Công, Tổ trưởng Giáo dục thể chất và giáo dục quốc phòng (Trường THPT Nguyễn Văn Thoại), ngoài môn cầu lông và việt dã, sắp tới trường tổ chức thi đấu môn bóng đá và bóng chuyền. Cơ sở vật chất của trường bảo đảm tốt cho các giải diễn ra thành công. Thông qua các giải đấu, ban huấn luyện các đội tuyển thể thao của trường đánh giá năng lực các vận động viên, tuyển chọn những em xuất sắc tranh tài tại giải cấp thành phố.

Cùng với trường học, Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện cũng tổ chức nhiều giải thể thao nhằm tạo điều kiện cho học sinh giao lưu thi đấu, nâng cao sức khỏe. Vừa qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hải Châu tổ chức thành công giải bóng bàn và cờ vua. Đông đảo học sinh đến từ các trường tiểu học và THCS trên địa bàn quận háo hức tranh tài. Xuất sắc giành HCV môn bóng bàn lứa tuổi 12-13, em Bùi Nguyễn Ban Mai (lớp 7/1, Trường THCS Trưng Vương chia sẻ: “Em rất vui khi giành HCV ở giải bóng bàn cấp quận, đóng góp vào kết quả xếp thứ nhì toàn đoàn của trường. Trước khi tham gia thi đấu cấp quận, em giành HCV ở giải đấu cấp trường và được tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình tập luyện. Mục tiêu của em là tiếp tục nỗ lực, thi đấu thành công tại giải đấu cấp thành phố khi đại diện cho đội tuyển bóng bàn của quận”.

Theo ông Nguyễn Đức Tú Anh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hải Châu, kế hoạch tổ chức các giải thể thao cho học sinh được đơn vị triển khai hằng năm. Sau môn bóng bàn và cờ vua, quận tổ chức thêm 4 môn trong năm học 2024-2025 gồm: cầu lông, bơi, bóng đá và bóng rổ. Với sự chuẩn bị kỹ của các trường, các môn thi đấu diễn ra kịch tính, hấp dẫn, chất lượng chuyên môn cao. Nhằm lan tỏa phong trào tập luyện, thi đấu thể dục – thể thao trong học sinh nói riêng và cộng đồng nói chung, quận tổ chức thi đấu ở nhiều địa điểm như: Trung tâm Thể dục – Thể thao quận, nhà thi đấu đa năng Trường THCS Hồ Nghinh, Cung thể thao Tiên Sơn…

Để tuyển chọn lực lượng tham gia thi đấu các giải thể thao cấp thành phố, quận Thanh Khê cũng tổ chức nhiều giải thể thao hướng đến học sinh. Mới đây, Trung tâm Văn hóa và Thể thao quận tổ chức giải Việt dã – Chạy vũ trang truyền thống quận Thanh Khê lần thứ 27 năm 2024, thu hút đông đảo vận động viên đến từ 10 trường THCS trên địa bàn quận. Để hoàn thành nội dung thi đấu, các vận động viên nữ chạy 3.000m, các vận động viên nam chạy 5.000m. Ông Nguyễn Duy Đông, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa và Thể thao quận Thanh Khê cho hay, đây là giải truyền thống được tổ chức hằng năm, nhằm tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho các em giao lưu, học hỏi, rèn luyện sức khỏe để học tập tốt. Thông qua giải, các em giành thành tích xuất sắc được chọn vào đội tuyển của quận để bồi dưỡng, chuẩn bị tranh tài tại giải Việt dã – Chạy vũ trang truyền thống Báo Đà Nẵng lần thứ 28 năm 2025.

Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Mai Tấn Linh, các giải thể thao do các đơn vị, địa phương và trường học tổ chức diễn ra sôi nổi, hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu vui chơi, thi đấu của học sinh. Thông qua các giải đấu góp phần đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”; phát triển thể chất học sinh, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các trường học. Hiện sở thông báo kế hoạch tổ chức các giải thể thao cấp thành phố trong năm học 2024-2025 để các đơn vị, địa phương chủ động tổ chức các giải đấu ở cơ sở. Sau khi các môn thi đấu ở cơ sở diễn ra thành công, các đội tuyển thể thao với các vận động viên xuất sắc được thành lập, sở phối hợp các đơn vị tổ chức 6 giải đấu cấp thành phố gồm: bóng rổ, bóng bàn, cờ vua, bơi, việt dã và bóng đá.

Theo PHI NÔNG đăng trên baodanang.vn

Xây dựng tình bạn đẹp – nói không với bạo lực học đường

Nhằm tăng cường giải pháp phòng chống bạo lực học đường trong trường học, góp phần giáo dục ý thức, đạo đức, lối sống văn hóa cho học sinh, đồng thời tạo sân chơi rèn luyện sức khỏe, tăng cường sự giao lưu tình đoàn kết giữa đoàn viên thanh niên, trong tiết sinh hoạt trải nghiệm ngày 09/12/2024 Trường THPT Nguyễn Văn Thoại tuyên truyền đến toàn bộ cán bộ đoàn viên, thanh niên trong nhà trường “Xây dựng tình bạn đẹp – Nói không với bạo lực học đường”

Đối với cuộc đời mỗi chúng ta, thời đi học là quãng đường thanh xuân tươi đẹp nhất. Tuy nhiên, đó sẽ là con đường đầy những khó khăn, ám ảnh bởi những lời nói không hay, những hành động không đẹp – đó chính là bạo lực học đường. Thật đáng buồn, tình trạng đó đã làm mất đi nét đẹp hồn nhiên, trong sáng của tuổi học trò.

Bạo lực học đường là những hành vi thô bạo, ngang ngược, thiếu đạo đức giữa bạn với bạn; cách cư xử thiếu văn minh, không có giáo dục của thế hệ học sinh; xúc phạm, lăng mạ, xỉ nhục, đay nghiến, chà đạp nhân phẩm, làm tổn thương về mặt tinh thần con người thông qua lời nói, hay những hành vi đánh đập, tra tấn, hành hạ, làm tổn hại về sức khỏe, xâm phạm cơ thể con người thông qua những hành vi bạo lực, gây ảnh hưởng nghiêm trọng diễn ra trong môi trường học đường.

Những nguyên nhân nào dẫn đến hành vi bạo lực học đường ? Nguyên nhân bắt nguồn từ những sự việc nhỏ nhặt trong cuộc sống : học sinh “ thích thì đánh”, “ ghét thì đánh”… Tưởng chừng những lời nói, những ánh nhìn là vô hại, chúng lại chính là nguyên nhân dẫn đến bạo lực  tại một môi trường thân thiện và an toàn như trường học. Một số học sinh cá biệt, chưa kiểm soát được hành vi của bản thân, coi việc dùng bạo lực là cách để giải quyết mâu thuẫn… Bên cạnh đó, nguyên nhân một phần là do xã hội còn thờ ơ, chưa có sự quan tâm đúng mức, chưa có giải pháp thiết thực để ngăn chặn tình trạng này.

Trước thực trạng hết sức nghiêm trọng của bạo lực học đường, chúng ta cần phải có những biện pháp ngăn chặn, đẩy lùi và xóa bỏ. Cần có sự quan tâm, giáo dục của gia đình và nhà trường, giúp mỗi học sinh nâng cao ý thức, nhận thức đúng đắn về mối nguy hại của bạo lực học đường. Nhà trường cần có những biện pháp, nội quy nghiêm ngặt để xử lý việc gây ra bạo lực… Một trong những biện pháp tốt nhất để ngăn chặn tình trạng này đó chính là xây dựng tình bạn tốt đẹp.

Mô hình “Xây dựng tình bạn đẹp – Không bạo lực học đường” là một trong những mô hình thiết thực, nhằm hạn chế tình trạng bạo lực học đường, đặc biệt là các trường Trung học phổ thông- nơi mà có đối tượng học sinh với nhiều đặc điểm tâm sinh lý phức tạp. Chúng ta có thể xây dựng mô hình bằng nhiều hình thức đa dạng như :Tuyên truyền trực quan về mô hình và những thông điệp mô hình mang lại thông qua hệ thống pano, băng rôn, khẩu hiệu tại khuôn viên nhà trường, các địa điểm đông học sinh; tổ chức cuộc thi sáng tác video clip về tình bạn đẹp, phòng, chống bạo lực học đường; tổ chức cuộc thi thiết kế inforgraphic, vẽ tranh cổ động về phòng, chống bạo lực học đường; tổ chức cuộc thi diễn kịch truyền thông về tình bạn đẹp, ngăn chặn bạo lực học đường… chứa đựng nhiều nội dung bổ ích như: Chia sẻ những câu chuyện đẹp về tình bạn trong môi trường học đường, trong cuộc sống, định hướng việc xây dựng tình bạn đẹp trong học sinh; chia sẻ, trao đổi, cổ vũ những thói quen tốt, hành động đẹp trong việc phòng chống bạo lực học đường; chia sẻ kiến thức pháp luật có liên quan đến hậu quả do bạo lực học đường gây ra; kỹ năng xử lý tình huống để ngăn chặn bạo lực học đường hoặc tham gia giải quyết, đấu tranh với các hành vi bạo lực học đường; tuyên dương những tấm gương có thói quen tốt, hành động đẹp, tích cực trong việc tham gia giải quyết, phòng, chống bạo lực học đường.

 Xây dựng mô hình “Xây dựng tình bạn đẹp – Không bạo lực học đường” tại các trường Trung học phổ thông là xây dựng một môi trường học tập, tu dưỡng đạo đức văn minh, lành mạnh. Một môi trường tích cực  sẽ tạo động lực cho các bạn học sinh mỗi ngày đến trường là một ngày vui và để trường học thực sự là ngôi nhà thứ hai, nơi nuôi dưỡng những ước mơ của tuổi học trò.

Hưởng ứng Tháng Hành động vì Bình đẳng giới và Phòng ngừa, Ứng phó với Bạo lực trên cơ sở giới năm 2024

Hưởng ứng Tháng Hành động vì Bình đẳng giới và Phòng ngừa, Ứng phó với Bạo lực trên cơ sở giới năm 2024, chủ đề của năm nay là một lời kêu gọi đầy ý nghĩa và khát vọng: “Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới.”

Chúng ta cùng nhìn nhận rằng, bình đẳng giới không chỉ là quyền lợi của mỗi cá nhân mà còn là động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững của cả xã hội. Bằng cách đảm bảo an sinh xã hội và tăng cường quyền năng cho phụ nữ và trẻ em gái, chúng ta không chỉ giúp họ thoát khỏi sự bất bình đẳng mà còn khơi dậy những tiềm năng quý giá, giúp họ tỏa sáng và đóng góp cho cộng đồng.

An sinh xã hội là nền tảng giúp phụ nữ và trẻ em gái tự tin và an toàn hơn trong cuộc sống. Khi có cơ hội tiếp cận với giáo dục, y tế, việc làm và sự bảo vệ xã hội, họ có thể tự chủ trong cuộc sống và vững vàng trước những khó khăn, thử thách. Họ cũng sẽ trở nên mạnh mẽ hơn trong việc lên tiếng chống lại bạo lực và bất công, đóng góp vào việc xóa bỏ những rào cản lâu đời đối với bình đẳng giới.

Tuy nhiên, ở nhiều nơi, bạo lực và định kiến giới vẫn còn đè nặng. Những hành vi bạo lực không chỉ để lại nỗi đau cho cá nhân mà còn kéo theo những tổn thất lớn cho xã hội: mất mát trong giáo dục, giảm năng suất lao động, và làm suy giảm chất lượng cuộc sống của cộng đồng. Việc xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới không chỉ vì lợi ích của phụ nữ và trẻ em gái, mà còn để kiến tạo một xã hội công bằng, nhân văn và văn minh cho tất cả mọi người.

Để xây dựng một xã hội công bằng và nhân ái, chúng ta cần hành động đồng lòng:

Bảo vệ an sinh xã hội cho phụ nữ và trẻ em gái: Chính phủ và các tổ chức cần triển khai mạnh mẽ các chính sách an sinh xã hội, bảo đảm quyền được tiếp cận y tế, giáo dục, và việc làm cho phụ nữ. Đây là nền tảng giúp họ tự tin và không bị phụ thuộc.

Xóa bỏ các rào cản định kiến và tạo điều kiện phát triển: Cần nâng cao nhận thức cộng đồng và trang bị kỹ năng nghề, kỹ năng sống cho phụ nữ và trẻ em gái. Khi họ có cơ hội phát triển tài năng, họ sẽ không chỉ tự bảo vệ bản thân mà còn đóng góp nhiều hơn cho xã hội.

Tạo môi trường an toàn và bảo vệ quyền lợi phụ nữ và trẻ em gái: Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ và tư vấn cho nạn nhân của bạo lực giới. Bằng cách cung cấp sự hỗ trợ kịp thời, từ tâm lý đến pháp lý, chúng ta sẽ giúp họ vượt qua khó khăn, tự tin và lấy lại niềm tin vào cuộc sống.

Khuyến khích sự tham gia của nam giới và cộng đồng: Sự thay đổi về bình đẳng giới cần sự góp sức từ mọi người, đặc biệt là từ nam giới. Họ là những người bạn đồng hành quan trọng trong việc chấm dứt các hành vi bạo lực và xây dựng một môi trường bình đẳng, an toàn.

Đổi mới giáo dục về bình đẳng giới ngay từ sớm: Giáo dục về bình đẳng và tôn trọng giới tính cho trẻ em là cách giúp các thế hệ sau trưởng thành với những giá trị nhân văn. Hãy để trẻ em lớn lên với niềm tin rằng mọi giới tính đều xứng đáng được tôn trọng và yêu thương.

Chúng ta kêu gọi mỗi cá nhân, từng gia đình và toàn thể cộng đồng cùng nỗ lực xây dựng một xã hội công bằng và nhân ái, nơi phụ nữ và trẻ em gái được an toàn, tôn trọng và có cơ hội phát triển toàn diện.

Hãy cùng hành động, hãy lên tiếng, hãy bảo vệ và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái – những người mẹ, người chị, người em của chúng ta – để họ có thể tự tin và mạnh mẽ bước tới. Bằng việc đấu tranh cho bình đẳng giới, chúng ta đang tạo nên một tương lai tốt đẹp, nơi tất cả mọi người đều có quyền mưu cầu hạnh phúc và đóng góp cho xã hội.

Cùng chung tay vì một xã hội bình đẳng và không bạo lực!