SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG NGUYỄN VĂN THOẠI

Địa chỉ: 132 đường Đô Đốc Lân - phường Hòa Xuân - quận Cẩm Lệ - TP Đà Nẵng

Điện thoại: (0236) 3721 888

Sách hay: Không gục ngã

https://youtu.be/DUv0OgeJrdA

Kính thưa quý thầy cô và các bạn thân mến!

Cuộc đời mỗi người chúng ta tựa như biển cả bao la với muôn ngàn con sóng vỗ. Và trong những khoảnh khắc sóng gió ấy, ta luôn cần một ngọn hải đăng soi sáng. Cuốn sách “Không gục ngã” của dịch giả Nguyễn Bích Lan như ngọn hải đăng ấy, soi rọi vào tâm hồn mỗi người, thắp lên ngọn lửa hy vọng bất diệt: “Đây là câu chuyện của tôi. Tôi thật lòng mong khi bạn khép lại cuốn sách này, bạn cũng sẽ bắt đầu viết lên những câu chuyện không gục ngã trong hành trình sống có một không hai của mỗi người”. Cuốn sách nằm trong trong tủ sách “Hạt giống tâm hồn” với ý tưởng của Công ty Fist News – Trí Việt để truyền tinh thần, ý chí vượt lên số phận cho thanh niên Việt Nam hiện nay.

Dịch giả, nhà thơ, nhà văn: Nguyễn Bích Lan

Cuốn tự truyện dày 303 trang, gồm hai phần:

Phần 1: Chuyện đời tôi.

Phần 2: Những chiêm nghiệm cuộc sống.

“Đêm tối đến để lại trong ta những vì sao”, câu nói nổi tiếng của đại văn hào Victor Hugo  mà tác giả đã trích làm đề từ tự truyện “Không gục ngã” của mình đã dẫn mọi người đến hành trình vượt lên số phận của chính tác giả.

Cuốn sách với những mảng đối lập trong từng giai đoạn cuộc đời tác giả, từ yên bình đến những khổ đau do căn bệnh loạn dưỡng cơ gây ra năm cô mới 13 tuổi, là chuỗi thời gian cô nỗ lực tập đứng lên, ngồi xuống, tập vận động như một đứa trẻ và tự học trung học phổ thông, tự học tiếng Anh, tự học vi tính… để trở thành một dịch giả tài năng, một nhà diễn thuyết truyền cảm hứng.

Điều gì đã giúp tác giả vượt qua tất cả? Đó chính là ý chí sắt đá, lòng lạc quan và một trái tim yêu đời. Cô đã biến những khó khăn thành động lực để vươn lên, để chứng minh rằng cuộc sống vẫn còn nhiều điều ý nghĩa.

Tự truyện của Nguyễn Bích Lan không chỉ truyền cảm hứng về niềm khát khao được sống, ý chí không khuất phục nghịch cảnh, không đầu hàng số phận dù cho phải chịu nhiều gian truân và thử thách cả thể chất lẫn tinh thần mà còn lan tỏa tình yêu đọc sách, ý chí tự học và lòng biết ơn với những trang sách. Cuộc đời cô là minh chứng cho điều đó, khi bị tàn phá nặng nề và gần như phải làm “người tàn phế” bởi căn bệnh loạn dưỡng cơ quái ác, Nguyễn Bích Lan tự tìm nguồn vui và sức mạnh từ việc đọc và tự học. Đối với cô, sách nâng đỡ tinh thần mỗi khi tuyệt vọng, sách tiếp thêm động lực cho ước mơ được sống và cống hiến. Từ ánh sáng của tri thức được thu nhận qua sách và Internet, cô gái trẻ dần vượt qua bóng tối khổ đau và từng bước đến bình minh tương lai khi tự mình học tập và trở thành cô giáo của lớp học cây Táo đầy thiện tâm, trở thành tác giả, dịch giả của gần 30 đầu sách nổi tiếng. 

“Không gục ngã” không chỉ là câu chuyện của riêng Bích Lan, mà còn là câu chuyện của mỗi chúng ta. Đó là về nghị lực sống, về niềm tin vào bản thân và về tình yêu cuộc sống. Qua câu chuyện của Nguyễn Bích Lan, chúng ta học được rằng, cuộc sống có khó khăn đến đâu, chúng ta vẫn có thể vượt qua bằng nghị lực và sự kiên trì, thử thách lớn đến đâu, chúng ta vẫn có thể tìm thấy niềm vui và ý nghĩa trong mỗi khoảnh khắc. Hãy để câu chuyện của tác giả trở thành ngọn lửa thắp sáng tâm hồn bạn, giúp bạn khám phá những khả năng tiềm ẩn của bản thân và sống một cuộc đời thật ý nghĩa. Bởi cuộc sống này quá ngắn ngủi để chúng ta buông xuôi và hối tiếc. Hãy sống hết mình, yêu thương hết mình và đừng bao giờ từ bỏ ước mơ của mình các bạn nhé!

Kính mời quý thầy cô và các bạn học sinh tìm đọc!

LỄ KẾT NẠP ĐẢNG VIÊN

Trong không khí tưng bừng và phấn khởi của ngành giáo dục cả nước kỉ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2024), Trường THPT Nguyễn Văn Thoại đã tổ chức một sự kiện đặc biệt và trang trọng “Lễ kết nạp đảng viên mới”. Đây không chỉ là dịp để tri ân những đóng góp của các thầy cô giáo mà còn là một dấu mốc quan trọng trong công tác xây dựng Đảng tại nhà trường, góp phần bồi dưỡng thế hệ đảng viên mới, có phẩm chất chính trị vững vàng, tiếp tục phát huy vai trò lãnh đạo trong sự nghiệp giáo dục.

Công tác phát triển Đảng viên luôn là nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. Một tổ chức cơ sở Đảng mạnh được thể hiện thông qua số lượng và chất lượng Đảng viên. Thông qua việc phát triển Đảng viên, sẽ lựa chọn đào tạo đội ngũ giáo viên, nhân viên vừa có trình độ chuyên môn tốt, vừa gương mẫu, có trách nhiệm trong các công việc, thực hiện tốt chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Chi bộ THPT Nguyễn Văn Thoại rất coi trọng công tác phát triển Đảng viên. Trong năm 2024 này, Chi bộ đã kết nạp được 06 đảng viên mới.

Sáng  ngày 20/11/2024, tại hội trường THPT Nguyễn Văn Thoại, Chi bộ nhà trường đã tổ chức lễ kết nạp đảng viên mới là đồng chí Lê Văn Hiếu – giáo viên tổ GDTC – GDQPAN. Đồng chí là một công đoàn viên xuất sắc, không chỉ trong công tác giáo dục đồng chí còn có nhiều thành tích nổi bật trong các hoạt động thể thao của công đoàn nhà trường và của Ngành Giáo dục. Dưới lá cờ Tổ quốc, cờ Đảng, đồng chí đã tuyên thệ các nhiệm vụ của người Đảng viên và hứa tiếp tục phát huy hơn nữa năng lực cá nhân trong công tác giáo dục của mình trước sự chứng kiến của đảng viên trong chi bộ và đặc biệt hơn trong buổi lễ này có sự hiện diện của các công đoàn viên, đoàn viên ưu tú đã được học lớp bồi dưỡng cảm tình Đảng.

Buổi lễ diễn ra trong ngày trọng đại của một nhà giáo. Đây không chỉ là niềm tự hào mà còn là dấu ấn đặc biệt của đồng chí Lê Văn Hiếu trong ngày Nhà giáo Việt Nam. Buổi lễ như đã tiếp thêm sức mạnh cho tuổi trẻ, góp phần giáo dục tinh thần yêu nước, hun đúc ý chí quyết tâm vì sự nghiệp trồng người cho tất cả các đồng chí tham dự, đặc biệt là các đối tượng chuẩn bị kết nạp Đảng.

Buổi lễ kết thúc trong không khí trang nghiêm và phấn khởi, với những lời chúc mừng nồng ấm và niềm tin vào sự phát triển bền vững của Chi bộ. Xin gửi tới đồng chí tân Đảng viên những lời chúc mừng chân thành và đầy kỳ vọng. Tin rằng, dưới sự dìu dắt, hỗ trợ tận tình của Chi bộ và các Đảng viên, đồng chí sẽ tiếp tục phấn đấu không ngừng, cống hiến hết mình cho lý tưởng của Đảng, trở thành những tấm gương sáng về phẩm chất, trí tuệ và nhiệt huyết trong mọi lĩnh vực công tác. Mong rằng trong thời gian tới, các đồng chí sẽ luôn tiếp tục trau dồi bản thân, giữ vững bản lĩnh chính trị, cùng phấn đấu và cống hiến hơn nữa để xứng đáng là một người Đảng viên trẻ. 

Một lần nữa, toàn thể Chi bộ chúc mừng đồng chí Lê Văn Hiếu.

Sách hay: Chiến binh cầu vồng

 Kính thưa quý thầy cô giáo và các bạn học sinh thân mến!

             Chắc hẳn, ai cũng có cho mình những ước muốn riêng nhưng không phải lúc nào nó cũng có thể trở thành thành hiện thực. Có một số người đặt ra ước mơ nhưng lại lười biếng, không chịu hành động. Hay có người đặt ra những giấc mơ quá lớn, vượt xa khả năng của bản thân nên khó có thể chinh phục được. Với những đứa trẻ đang ở độ tuổi cắp sách đến trường thì việc được đi học, được gặp bạn bè, thầy cô, được vui chơi thỏa thích chính là niềm vui của chúng. Thế nhưng không phải đứa trẻ nào cũng có được những hạnh phúc giản dị đó, nhất là đối với Lintang, Mahar, Sahara, Ikal, Akiong… những cô bé, cậu bé ở vùng đất nghèo Indonesia, được tác giả Andrea Hirata khắc họa qua tác phẩm “Chiến binh cầu vồng”. Cuốn sách do nhà xuất bản Văn nghệ ấn hành năm 2008.

Chân dung tác giả Andrea Hirata

               “Chiến binh cầu vồng” là cuốn sách được viết bởi tác giả người Indonesia – Andrea Hirata. Ông là nhà văn ăn khách nhất tại đất nước vạn đảo, nơi nổi tiếng với nhiều nền văn hoá và sự đa dạng ngôn ngữ. Đây là tác phẩm đầu tay của ông, xuất bản vào năm 2005 và đã nhận được thành công vang dội. Cuốn sách đã bán được 5 triệu bản, được dịch ra 26 thứ tiếng khác nhau, gây ảnh hưởng sâu rộng nhất Indonesia, được chuyển thể thành phim điện ảnh, phim truyền hình và cả nhạc kịch.

Cuốn sách Chiến binh cầu vồng của tác giả Andrea Hirata


             Nội dung cuốn sách được thể hiện qua 48 chương đã giúp cho người đọc cảm nhận, thấu hiểu rõ nét về cuộc sống của những con người sống dưới đáy xã hội tại hòn đảo Belitong (Indonesia). Nghèo đói bủa vây người lớn khiến những đứa trẻ không được đến trường. Chúng phải lựa chọn: hoặc đi học hoặc kiếm tiền nuôi sống gia đình. Nếu từ bỏ quyền đi học, những đứa trẻ sớm sẽ trở thành công nhân, như thế hệ cha mẹ chúng, lao vào công cuộc kiếm tiền khốc liệt. Nếu không, những đứa trẻ buộc đánh cược cả tính mạng để đến trường. Mỗi ngày, chúng đạp xe 40km, vượt qua đầm cá sấu chết người, để đến trường Tiểu học Muhammadiyah – ngôi trường nghèo nhất ở Belitung.

              Muhammadiyah đã trụ vững ngay cả trong giông bão để che chở ước mơ của những đứa trẻ. Cậu bé Lintang khát khao trở thành nhà Toán học để cha mẹ tự hào, Mahar say mê âm nhạc, nghệ thuật, Sahara muốn đấu tranh cho nữ quyền, Ikal ước mơ làm giáo viên. Còn Akiong sẽ là một thuyền trưởng tài ba trong tương lai…

Những đứa trẻ với nhiệt huyết học tập cháy bỏng

                Nuôi dưỡng những ước mơ tươi đẹp ấy, là thầy Harfan và cô Mus đáng kính tại Muhammadiyah. Một thầy giáo “không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn là người bạn và người dìu dắt tinh thần cho học sinh của mình”. Một cô giáo khao khát được dạy học dù ở ngôi trường làng tồi tàn nhất và không hề được trả lương. Thầy Harfan và cô Mus đã mang đến cho những cô cậu học trò nghèo không chỉ kiến thức vô tận mà còn là tuổi thơ đẹp nhất, tình bạn đẹp nhất và tâm hồn phong phú. Chiến binh cầu vồngcó cả tuổi học trò trong sáng lẫn những trò đùa tinh quái, cả nước mắt lẫn nụ cười. Một bức tranh chân thực về hố sâu ngăn cách giàu nghèo, một tác phẩm văn học cảm động truyền tải sâu sắc nhất ý nghĩa đích thực của việc làm thầy, việc làm trò và việc học.

Cô giáo Mus và những chiến binh cầu vồng

                 Dù hiện thực nghiệt ngã, khổ đau và tiếc nuối nhưng đến cuối cùng, người đọc sẽ cảm nhận những hạt mầm hy vọng vẫn đang sinh sôi, những tia nắng vẫn đang le lói rọi đến tương lai của các nhân vật. Giáo dục vẫn luôn là một phép màu, ít nhất là khi con người còn đặt niềm tin vào phép màu ấy.

               Chiến binh cầu vồng là cuốn sách được viết nên bằng nụ cười và nước mắt, sự chân thành của tác phẩm đã lấy đi nước mắt của hàng vạn độc giả. Đọc xong cuốn sách các bạn sẽ thấy mình thật may mắn biết bao khi có đầy đủ điều kiện được cắp sách tới trường cùng bạn bè, được thầy cô dìu dắt trong từng bước đi ngã rẽ.

               Với lời văn của mộc mạc, gần gũi, giúp người đọc dễ dàng đồng cảm với những nhân vật trong truyện. Cuốn sách sẽ đưa người đọc trải qua đầy đủ những cung bậc của cảm xúc, vui có, buồn có, còn có cả xúc động lẫn bồi hồi đan xen với nhau. Kính mời quý thầy cô và các bạn học sinh tìm đọc nhé!

HỘI THI NHẢY FLASHMOB CHÀO MỪNG 42 NĂM NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM

          Hằng năm mỗi khi gió đông ùa về, những hạt mưa tí tách rơi trên sân trường, một chút hanh hao se lạnh, tia nắng vàng mùa thu cuộn mình trong những chiếc lá khô, tháng 11 lại về với bao thương nhớ, bao nỗi niềm bồi hồi xao xuyến trong tấm lòng của bao nhiêu lớp học sinh vẫn trọn một niềm kính yêu thầy cô giáo Và những học trò hôm nay luôn biết ơn công lao nâng bước của quý thầy cô giáo. Từ những nét chữ đầu tiên cô dạy, đến bài giảng của thầy, cho chúng em tri thức vào đời. Bằng tấm lòng yêu người, yêu nghề. Thầy cô chính là người dìu dắt các thế hệ học trò trên con đường đi tới ước mơ.

Hòa trong  không khí tưng bừng tháng 11 và nằm trong chuỗi các hoạt động hướng tới chào mừng kỉ niệm 42 năm ngày nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2024).

Đoàn Trường THPT Nguyễn Văn Thoại tổ chức hội thi nhảy flashmob nhằm tạo sân chơi bổ ích đồng thời tạo điều kiện cho học sinh được phát huy tài năng và sức trẻ của mình. Cuộc thi còn hướng học sinh đến các giá trị nhân văn và truyền thống tốt đẹp của dân tộc như “Tôn sư trọng đạo”, “Uống nước nhớ nguồn”.

Đến dự và tham gia hội thi nhảy Flashmob rất vinh dự có sự tham gia của:

Về phía quận Đoàn

    – Đồng chí: Lê Thanh Hải – Phó Bí thư Quận đoàn Cẩm Lệ

    – Đồng chí: Võ Thu Uyên – Phó chủ tịch hội đồng đội quận Cẩm Lệ

    Về phía nhà trường

    – Thầy giáo: Đặng Hùng Thương – bí thư chi bộ – hiệu trưởng nhà trường

    – Thầy giáo: Phan Hữu Thịnh – Phó bí thư chi bộ – Phó hiệu trưởng nhà trường

    – Thầy giáo: Nguyễn Châu – Phó hiệu trưởng nhà trường

    – Cô Trần Thị Lành – Bí thư đoàn trường.

    Mở đầu hội thi là tiết mục nhảy của chi đoàn lớp 10/8 mang tên Sắc màu Thanh Xuân là sự kết hợp mashup của các tiết mục: “Em bé ngoan. Tình bạn diệu kì. Nhất quỷ nhì ma”.

    Tiết mục nhảy mashup dựa trên nền nhạc bài “Nhất quỷ nhì ma và chia sẻ từng khoanh khắc”. Với tiết mục này tập thể lớp 11/6 không chỉ gửi lời tri ân sâu sắc đến các thầy cô, mà còn thể hiện tinh thần đoàn kết, sáng tạo của tập thể lớp. Với những bước nhảy sôi động và giai điệu tràn đầy năng lượng, chúng em hy vọng sẽ mang đến không khí vui tươi, ấm áp cho buổi biểu diễn.

    Cũng mang đến một không khí không kém phần sôi động, là tiết mục Nhảy Thanh Âm miền núi với sự biểu diễn của các bạn lớp 12/7. “Thanh Âm Miền Núi” là sự pha trộn giữa nhảy hiện đại và âm nhạc mang đậm nét núi rừng hòa với sự tươi mới, cái “chất” của tuổi trẻ. Với những động tác mạnh mẽ, linh hoạt và đầy cảm xúc, “Thanh Âm Miền Núi” kể lại câu chuyện về cuộc sống của những con người miền núi – nơi thiên nhiên tươi đẹp nhưng cũng đầy thử thách.​

    Tiết mục nhảy đến từ chi đoàn lớp 12/2 với sự kết hợp của bài hát Khúc ca vàng và Chiếc khăn piêu. Và trước khi biểu diễn tiết mục của lớp 12/2, tập thể 12/2 có đôi lời muốn nhắn nhủ “Thưa thầy cô và các bạn, nếu có một điều gì đó mà chúng em không giỏi bằng thầy cô, thì đó chắc chắn là làm toán và viết văn. Nhưng nếu có điều gì chúng em luôn tự tin, thì chính là mang năng lượng và sự sôi động đến với hội thi.

    Chi đoàn 10/6 mang đến phần trình diễn flashmob với bài nhảy lấy cảm hứng từ tình yêu đất nước, thể hiện lòng biết ơn, tri ân sâu sắc đến những nhà giáo đã dạy dỗ, truyền cảm hứng cho các học sinh và đóng góp lớn cho ngành giáo dục Việt Nam. Qua từng bước nhảy và giai điệu, chúng em muốn truyền tải tinh thần đoàn kết và niềm tự hào dân tộc. Chúng em hi vọng màn trình diễn sẽ mang đến cảm xúc và sự trân trọng đối với công lao to lớn của các thầy cô.

    Lớp 11/2 mang đến hội thi phần nhảy sôi động “Kí ức thanh xuân”

    Mang đầy tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc và mang niềm tin về những điều tốt đẹp của đất nước hình chữ S thương yêu  dựa trên nền nhạc bài “Việt Nam muôn đời và khúc vàng ca” do tập thể 12/3 biểu diễn.

    Bài nhảy mang tên “Chiến tranh và hòa bình” của tập thể 12/6, bài nhảy thể hiện về tình cảm đồng chí, nhẹ nhàng, sâu lắng ở chiến trường đầy gian khổ nhưng chính vì thế mà tinh thần chiến đấu anh dũng của đồng bào ta lại trỗi dậy, đứng lên để giành độc lập cho dân tộc.

    Nhảy mashup của hai bài hát “Những ngôi sao xa xôi và Cùng anh những chuyến đi”. Mở màn với bài hát “Những ngôi sao xa xôi” đã ngân lên giai điệu mang âm hưởng về hình ảnh những cô gái thanh niên xung phong trong thời chiến xưa. Giờ đây, đất nước hòa bình, ta có thể khám phá những vẻ đẹp mỹ miều mà họ đã đánh đổi để có thể bảo vệ. Giai điệu “Cùng anh những chuyến đi” vang lên chính là lời hối thúc chúng ta hãy tận hưởng vẻ đẹp của nó. Và nó là khúc ca kết màn cho màn trình diễn của tập thể lớp 11/3.

    Góp mặt trong hội thi ngày hôm nay, chi đoàn 11/5 xin gửi đến tất cả mọi người tiết mục nhảy mashup vô vùng vui tươi, sôi động và tràn đầy năng lượng với bài nhạc “Lớn rồi còn khóc nhè và Nhớ mãi chuyến đi này”.

    Biết bao nhiêu thế hệ cha ông đã đi trong bóng tối để hôm nay chúng em được được ngắm nhìn bầu trời xanh sáng – bầu trời độc lập tự do. Ngay tại đây, tập thể lớp 10/2 chúng em sẽ để cho âm nhạc bày tỏ lòng biết ơn và tình yêu to lớn của mình với tổ Quốc thân yêu qua tiết mục nhảy “Âm điệu sắc trẻ”.

    Khăn quàng thắp sáng bình minh và Gặp nhau giữa rừng mơ là hai bài hát đều thể hiện tình yêu, niềm tự hào về quê hương đất nước qua những góc nhìn khác nhau: “Khăn quàng thắp sáng bình minh” là sự nhiệt huyết của tuổi trẻ với lý tưởng và ước mơ, trong khi “Gặp nhau giữa rừng mơ” lại là một khung cảnh thơ mộng của tình yêu nơi núi rừng, thể hiện sự mến yêu với quê hương tươi đẹp.

    Hòa mình vào không gian âm nhạc đầy ý nghĩa, nơi mỗi bước nhảy sẽ là lời tri ân sâu sắc gửi đến thầy cô – những người đã thầm lặng cống hiến vì từng “bụi phấn” trắng phủ mờ mái tóc. Bài nhảy flashmob đến từ tập thể lớp 11/8 tiếp theo đây sẽ là sự kết hợp giữa hai bài hát  “Bụi phấn” và “Đi giữa trời rực rỡ”, mang thông điệp về lòng biết ơn và niềm tự hào về hành trình học tập, trưởng thành.

    Lòng yêu nước của mỗi một thế hệ được thể hiện một cách khác nhau và tuổi trẻ chúng ta cũng thế.Từng giai điệu, từng câu từ đều mang lòng yêu nước đầy tự hào. Tiếng trống ngân vang vẫn đập mãi, sự nhiệt huyết vẫn cứ thế bùng cháy, nối đuôi nhau trở thành khúc ca huy hoàng.Và sau đây là phần trình diễn đầy đặc sắc của lớp 11/1 phần trình diễn mang tên Khúc Ca Đại Ngàn.

    Nam Sơn Điển Tích Ngàn Năm

    Ơn người tận hiến tiếng thơm muôn đời.

    Ở nơi đây, vào lúc này, chúng em dùng âm nhạc làm tiếng nói, dùng cảm xúc ước lệ cho những nét tinh hoa quý giá của dân tộc.Văn hoá là nguồn cốt của dân tộc, văn hoá còn là dân tộc còn. Giữ, giữ vững, giữ mãi, giữ muôn đời – Hãy cùng chung tay cùng 12/5 qua tiết mục nhảy Nam Sơn Điển Tích.

    “Ơn người tận hiến” đến từ chi đoàn lớp 12/1. Ơn người tận hiến là lời tri ân sâu sắc từ trái trái tim của tập thể 12/1 đến những người lái đò thầm lặng. Tác phẩm kể về tuổi học trò lắm mộng nhiều mơ, một học sinh bị chính thế giới nội tâm u tối của mình nuốt chửng và chính những người tận hiến đã xuất hiện như vầng dương vực dậy tuổi học trò rực cháy.

    Những vị anh hùng đã đổ máu vì dân tộc, liệu thế hệ nay mai còn nhớ? Những chiến công lớn lao với dân tộc của họ, mãi mãi được khắc ghi trong mỗi đứa con đất Việt, ngân vang trong niềm tự hào và biết ơn khôn xiết. Để rồi, thế hệ ấy biết yêu lấy mảnh đất phương Nam, yêu cả người mẹ Việt Nam anh hùng, ngẩng cao đầu gắng mình góp vào “cái ta” của nước nhà.

    Hiểu những điều thiết yếu ấy đối với mỗi con người sinh ra trên đất Việt, đặc biệt đối với lứa học sinh, tập thể lớp 10/10 sau đây xin thể hiện niềm tự hào đồng thời mong muốn được truyền tải tinh thần yêu nước đến với mỗi học sinh ở trường THPT NVT qua màn trình diễn đầy sâu sắc tiếp theo.

    Tuổi trẻ, tuổi học trò có lẽ là quãng thời gian mà một khi trải qua không bao giờ ở lại. Nơi ấy ta được học bao điều hay lẽ phải từ thầy cô, bạn bè, được tắm mình trong những năng lượng tích cực, niềm tin và niềm hi vọng. Với tinh thần đó, tập thể lớp 10/1 xin gửi đến quý thầy ban giám khảo, quý thầy cô và tất cả các bạn học sinh tiết mục nhảy mang tên “Rực rỡ tuôi thanh xuân” với điệu nhạc sôi động và tràn đầy năng lượng là sự kết hợp giữa hai bài hát “Khăn quàng thắp sáng niềm tin và Đi giữa trời rực rỡ”.

    Tập thể lớp 10/3 xin gửi đến đã sử dụng phần trình bày nhảy flashmob  thay cho lời muốn nói.Chi đoàn chúng em đã sử dụng các tổ hợp động tác khác nhau, vũ đạo mang tính trẻ trung, năng động của tuổi học trò, sáng tạo, hào hùng của tinh thần yêu nước của tuổi trẻ để góp vào không khí sôi động trong buổi sáng ngày hôm nay.

    Hai tiết mục “Nam quốc sơn hà và Bo xì bo” 10/5 và tiết mục “Người ơi người ở đừng về” đến từ tập thể lớp 10/4 mang đến cho hội thi sự mới mẻ, sôi động

    Tiết mục nhảy mang tên “Đất nước” đến từ tập thể lớp 11/4. Đất Nước được vang lên với giai điệu vô cùng hào hùng, vang dội, từng câu chữ như tái hiện toàn bộ quãng thời gian lịch sử đầy hào hùng của cả dân tộc trong nhiều giai đoạn. Ca khúc chính là sự ngợi ca tình yêu đối với Tổ Quốc và khơi dậy lòng biết ơn đối với những vị anh hùng đã có công dựng nước và giữ nước.

    Việt Nam quê hương ta được thiên nhiên ban tặng rất nhiều danh lam thắng cảnh và được mệnh danh là rừng vàng, biển bạc, với rất nhiều cảnh tượng thiên nhiên tươi đẹp của vùng sông nước, biển đảo Việt Nam, nơi những chú tôm, chú cá sinh sống. Qua lăng kính ngây thơ của trẻ nhỏ, thế giới tự nhiên hiện lên sống động, rộn ràng với âm thanh và hình ảnh vui tươi. Điều ấy cũng được thể hiện qua tiết mục “Bài ca tôm cá” đầy tươi vui và nhộn nhịp cua chi đoàn lớp 10/7.

    “Kí ức cách mạng” đến từ tập thể lớp 12/8. Từ năm 1945 – 1975, Nước ta bị đọa đày bởi Thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ. Nhân dân luôn khao khát ánh sáng sáng của hòa bình và tìm kiếm hy vọng sống trong những chuỗi ngày đau khổ. Nhất quyết dành lại sự tự do và độc lập dân tộc. Đó là một trong những “kí ức cách mạng” mà thầy cô luôn muốn nhắc nhở chúng em rằng, hòa bình hôm nay được đổi bằng xương bằng máu của đồng bào. Phải luôn khắc ghi tất cả những gì thuộc về quê hương Tổ quốc để tiếp tục bước tiếp chặng đường lịch sử vẻ vang của người đã nằm lại.

    Mashup “Đất rừng phương Nam, Nam quốc sơn hà, Việt Nam trong tôi là “ đến từ chi đoàn lớp 11/7.

    Không kém phần hào hùng và khí thế của tập thể lớp 10/9 mang tên “Hoài xuân dẫn lối”. Tiếc mục của lớp 10/9 đi từ cuộc sống đời thường của nhân dân, cho đến khi gặp chiến tranh và nỗ lực của nhân dân. Tiết mục đã nói lên đời sống thường nhật bình dị của người nông dân xưa trong thời kì chiến tranh, kháng chiến nổ ra vô cùng ác liệt. Khi ấy chính họ có thể bị ném bom và ra đi bất cứ lúc nào. Thế nhưng con đường chông gai thử thách ấy đã bị vùi lấp bằng ngọn lửa nhiệt huyết của những người thanh niên xung phong ở giai điệu “cô gái mở đường”.Qua giai điệu thứ 3 mang tên “khát vọng tuổi trẻ” thể hiện một lòng yêu nước và đoàn kết của thế hệ hiện tại tương lai.

    “NGƯỢC BÃO” là một tác phẩm thể hiện tinh thần kiên cường của dân tộc Việt Nam, dù trải qua bao thăng trầm, đặc biệt là sau những cơn bão tàn phá, như cơn bão Yagi đã từng đổ bộ. Mặc dù chiến tranh và khó khăn đã qua đi, nhưng trong mỗi con người Việt Nam, vẫn luôn cháy bỏng niềm tin vào sự sống, tình yêu đồng bào và lòng quyết tâm vươn lên. Những bước nhảy trong “NGƯỢC BÃO” sẽ như lời nhắc nhở về sức mạnh tinh thần bất diệt của dân tộc, không bao giờ khuất phục trước thử thách. Xin mời quý vị hướng mắt về sân khấu này và cảm nhận từng nhịp điệu, từng cảm xúc trào dâng của lớp 11/9.

    Tiết mục biểu diễn Ngược bão đến từ tập thể lớp 11/9 đã khép lại hội nhảy flashmob trong buổi sáng ngày hôm nay.

    28 tiết mục biểu diễn trong hội thi là 28 màu sắc, âm điệu khác nhau của các chi đoàn lớp. Sự đầu tư, dàn dựng công phu đã đem đến hội thi sự sôi nổi, hấp dẫn.

    Bài giới thiệu sách tháng 11 năm 2024: “Chào mừng kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 – 20/11/2024″

    Kính thưa quý thầy cô giáo cùng các bạn học sinh thân mến!

    “Có một nghề bụi phấn bám đầy tay

    Người ta bảo đó là nghề trong sạch nhất

    Có một nghề không trồng cây vào đất

    Mà mang lại cho Đời đầy trái ngọt hoa tươi”!

    “Dạy học là một nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý”. Nhân dân ta từ ngàn xưa đã có truyền thống “Tôn sư trọng đạo”. Mỗi thầy cô giáo là tấm gương sáng cho chúng ta học tập, noi theo, dạy cho chúng ta những bài học quý giá về đạo làm người, dìu dắt, đưa chúng ta đi trên con đường đến với bến bờ của tri thức. Có thể nói, cuộc đời của mỗi chúng ta ai cũng từng là học sinh với bảng đen, phấn trắng, là hình bóng bạn bè, thầy cô và kỉ niệm trong sáng tuổi hoa niên. Mãi đến những năm tháng rất xa sau này, chúng ta sẽ vẫn mãi ngậm ngùi mỗi khi chợt nhớ…

    Hòa trong không khí hân hoan hướng về ngày nhà giáo Việt Nam 20/11, ngày mà cả nước tri ân, tôn vinh sự cống hiến miệt mài của các thầy giáo, cô giáo. Thư viện xin gửi tới quý thầy cô giáo và các bạn cuốn sách “Tình thầy trò” nằm trong bộ sách “500 câu chuyện đạo đức” của hai tác giả Nguyễn Hạnh và Trần Thị Thanh Nguyên, được nhà xuất bản Trẻ tái bản năm 2021.

              Các bạn học sinh thân mến!

    Thầy cô giáo là những người đã âm thầm lặng lẽ cống hiến cho sự nghiệp trồng người, những người mang đến không chỉ nguồn kiến thức vô hạn mà còn có cả niềm vui  nguồn động viên cho mỗi chúng ta. Các thầy cô là nguồn cảm hứng bao la cho biết bao nhiêu nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ dùng ngòi bút và những ca từ hay để viết nên những bài ca, bài thơ hay mang đậm tình nghĩa thầy trò.

                                           “Dẫu đếm hết sao trời đêm nay

                                             Dẫu đếm hết lá mùa thu rơi

                                             Nhưng ngàn năm, làm sao

                                             Em đếm hết công ơn người thầy”.

    Không lời nào có thể diễn đạt hết công lao của những người làm thầy. Cuốn sách “Tình thầy trò” chỉ dày hơn 100 trang nhưng chứa đựng trong đó thật nhiều những tâm tình, những nỗi niềm không của riêng ai. Mỗi người khi lật giở từng trang sách sẽ tìm thấy cho mình tiếng nói sẻ chia, sẽ cảm nhận được bước chân thời gian đang đi và dường như quá khứ cùng hiện tại sẽ hiện hữu, để chúng ta nhận ra rằng, có một tình cảm lớn từng ngày bao bọc lấy ta, nuôi ta lớn và chắp cánh cho ta bay, đó là: Tình thầy trò.

     Toàn bộ cuốn sách gồm 11 mẩu chuyện. Có những tựa đề đầy cảm xúc yêu thương như: Tập lưu bút, lòng yêu thương, cô ơi, thầy chủ nhiệm, cô thủ thư hay lời phê…Mỗi trang sách là một bài học nhân từ về đạo làm trò, về tình cảm ấm áp và trách nhiệm – tình thương của người làm thầy, làm cô. Không đặt ra nhiều vấn đề luân lí cao siêu và khô khan, các tác giả đã tạo những mạch truyện tự nhiên, giản dị mà sâu lắng. Người đọc qua đó sẽ tự hiểu ra nhiều điều và sẽ ngẫm nghĩ đến những gì mình phải làm, nên làm. Sau mỗi câu chuyện là “Một chút suy tư” mà các tác giả đúc kết, để lại cho chúng ta một bài học, một lời khuyên tốt cho chúng ta học hỏi, áp dụng trong cuộc sống thực tế ở môi trường học đường.

              Trong số 11 câu chuyện, khiến nhiều người cảm động hơn cả chính là câu chuyện “Cô ơi” trang 36. Mở đầu là lời tâm sự, là nỗi niềm tha thiết của người học trò cũ đối với cô giáo – người mẹ hiền năm xưa. Nỗi nhớ cháy bỏng khiến tôi phải thốt lên thành tiếng “Cô ơi”. Xuyên suốt câu chuyện là tình cảm ân cần, dịu dàng chỉ bảo của cô Hiền đối với một đứa học trò tự kiêu, đang bỏ bê việc học, chỉ chăm chút đến dáng vẻ bề ngoài của mình:“ Em ơi, nhân cách của con người không phải ở bề ngoài tốt hay xấu mà ở tâm hồn trong sáng và kiến thức vững vàng”. Thái độ và lời giảng giải của cô đã làm cho cậu nhận ra điều sai trái: “Nhờ sự động viên của cô Hiền, tôi như con bướm chui ra khỏi cái kén chật hẹp để học hành một cách say mê”.  Và người học trò chưa ngoan năm ấy nay đã trở thành một người thầy giáo ưu tú. Sau này mỗi lần gặp khó khăn trong giảng dạy hay đến ngày 20/11 hàng năm cậu được học sinh tặng quà, cậu vẫn thầm tha thiết gọi “ Cô ơi!”. Cô mãi là nhà giáo tuyệt vời, là tấm gương soi sáng để cho cậu thành một thầy giáo tốt, một tấm gương sáng tận tâm trong công việc và yêu quý học trò của mình.

    Bạn đọc thân mến!

    Thầy cô là người viết lên trang giấy trắng trẻ thơ và chính là người vẽ ra cả một tương lai đầy mơ ước, những người làm nghề giáo không chỉ dạy chữ mà thầy cô còn có một sứ mệnh cao cả hơn, vun đắp nên những tâm hồn thơ trẻ.

    Trên đây chỉ là một trong số rất nhiều câu chuyện cảm động trong cuốn sách nhỏ này. Các bạn hãy tìm đọc để hiểu thêm tình cảm mà các thầy cô luôn dành cho chúng ta như thế nào nhé. Qua đó chúng ta hãy biết trân trọng hơn thời gian quý giá để học tập và rèn luyện sao cho xứng đáng với tấm lòng và sự kỳ vọng của các thầy cô.

    Hy vọng sau khi đọc xong cuốn sách “Tình thầy trò” chúng ta sẽ thêm hiểu về công việc cao cả của các thầy cô giáo và thêm yêu quý, kính trọng các thầy cô giáo của mình hơn nữa.

    Các bạn cũng mình tìm đọc cuốn sách này nhé!