SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG NGUYỄN VĂN THOẠI

Địa chỉ: 132 đường Đô Đốc Lân - phường Hòa Xuân - quận Cẩm Lệ - TP Đà Nẵng

Điện thoại: (0236) 3721 888

Sách hay: “Dế Mèn phiêu lưu ký”

       Kính thưa quý thầy cô giáo và các bạn học sinh thân mến!

Nhà văn Maksim Gorky đã từng nói “Tôi càng đọc nhiều sách thì sách càng làm cho tôi gắn bó với thế giới, cuộc đời càng trở nên rực rỡ, có ý nghĩa đối với tôi.” Đúng vậy, sách là kho tàng kiến thức vô giá, đọc sách không chỉ giúp bạn mở mang kiến thức mà còn giúp bạn tích lũy được những kinh nghiệm sống quý giá cho bản thân, nuôi dưỡng tâm hồn cao đẹp. Người xưa có câu “Đọc một cuốn sách, đi muôn dặm đường”. Cuốn sách “Dế Mèn phiêu lưu ký” của nhà văn Tô Hoài đã đưa em đến những dặm đường kì diệu đó.

Nhà văn Tô Hoài (1920 – 2014) là một trong những cây bút xuất sắc nhất của nền văn xuôi hiện đại Việt Nam. Suốt cuộc đời gần 90 năm sáng tạo bền bỉ của mình, tác giả đã để lại một lượng tác phẩm đồ sộ với gần 200 đầu sách, trong đó nổi tiếng là tác phẩm “Dế Mèn phiêu lưu ký”. Đây là tác phẩm đặc sắc và thành công nhất của nhà văn Tô Hoài viết về loài vật dành cho lứa tuổi thiếu nhi.

Nhắc đến “Dế Mèn phiêu lưu ký” của nhà văn Tô Hoài là nhắc đến một thế giới đồng quê, nơi các loài vật, côn trùng tồn tại, sinh hoạt như thế giới loài người với đầy đủ các tập tục, nếp sống, văn hóa riêng, được tác giả miêu tả đầy sinh động, hấp dẫn. Thông qua đó, tác phẩm thể hiện cái nhìn nhân văn về con người, lồng ghép các giá trị, bài học giáo dục của tác giả gửi gắm đến độc giả thiếu nhi bằng một hình thức mới mẻ, lôi cuốn. Bằng ngòi bút tinh tế, nhà văn đã kể lại cuộc phiêu lưu sôi nổi, kì thú của chú Dế Mèn mới lớn, nông nổi mà ham học hỏi. Trải qua nhiều thập kỉ, tác phẩm đã được in đi in lại nhiều lần và được nhiều thế hệ bạn đọc yêu thích.

Theo bước chân của Dế Mèn, chúng ta sẽ được lạc vào thế giới loài vật gần gũi, thân thương, gắn chặt với đời sống thôn quê dân dã như: bác Xiến Tóc, Châu Chấu Voi, Võ sĩ bọ ngựa, Ếch Cốm, Chuồn Chuồn…Tô Hoài đã vẽ nên một thế giới với muôn vàn những tình cảm mới lạ, những ham thích thiết thực và đầy phiêu lưu, những rung động tinh tế trước vẻ đẹp cuộc đời và thiên nhiên.

Chú Dế Mèn mà tôi biết vốn là một chú dế cường tráng nhưng bướng bỉnh, kiêu ngạo và hung hăng hay đi bắt nạt người khác. Dưới con mắt Dế Mèn, Dế Choắt chỉ là một kẻ yếu ớt, xấu xí gầy lêu nghêu như một “gã nghiện thuốc phiện”. Dế Mèn luôn chê anh chàng này lười nhác, ngu dốt, hôi như cú mèo. Chính sự kiêu căng, xốc nổi của mình, Dế Mèn đã vô tình gây tai họa khiến người láng giềng tội nghiệp phải ra đi mãi mãi. Lời trăn trối của Dế Choắt, mãi là bài học dành cho Dế Mèn và mọi người: “Ở đời mà có thói hung hăng bậy bạ, có óc mà không biết nghĩ, sớm muộn gì rồi cũng mang vạ vào mình đấy!”. Nhà văn Tô Hoài đã mượn lời nhắc nhở của Dế Choắt nhằm gửi tới các bạn đọc nhỏ tuổi lời khuyên không nên kiêu căng, tự mãn, không ngừng rèn luyện nhân cách để sau này trở thành người tử tế và hữu ích.Bài học đắt giá của Dế Mèn đã nhắc nhở chúng tôi sống biết mình, biết ta, có thái độ đúng mực. Đặc biệt khi phạm lỗi lầm, phải biết ăn năn hối cải về những khuyết điểm của mình trong cuộc sống.

Mang theo mình bài học đường đời đầu tiên, Dế Mèn quyết chí đi chu du thiên hạ, làm những việc có ý nghĩa. Trên chuyến hành trình của mình, Dế Mèn kết tình anh em cùng Dế Trũi – một người bạn tốt, giỏi võ, vui tính. Họ cũng nhau chu du khắp thế gian, sát cánh bên nhau cùng trải qua biết bao gian nan, thách thức. Tình bạn chân thành, cao đẹp của Dế Mèn và Dế Trũi đã gây xúc động lớn cho biết bao thế hệ bạn đọc. Đúng là phải qua khó khăn, thử thách mới hiểu hết được nhau, thêm yêu quý và tôn trọng nhau. Nếu cuộc sống này không có tình bạn, thì thật sự rất lẻ loi, cô độc.

Trong mỗi chúng ta, ai cũng có lúc là một chú Dế Mèn trẻ con, bồng bột, sai lầm, ích kỷ, vấp ngã,… nhưng rồi chúng ta sẽ thay đổi và trưởng thành theo thời gian và những trải nghiệm từ cuộc sống. Những đứa trẻ, chắc chắn trong đường đời của mình, sẽ có những vấp ngã rồi mới trưởng thành được. Nhưng em sẽ học tập Dế Mèn, học sự tự tin và những cố gắng sửa chữa lỗi lầm, học sự chia sẻ, tốt bụng của chú.

Đọc cuốn sách này, dường như mỗi chúng ta đang được phiêu lưu cùng chú Dế Mèn qua bao cuộc hành trình. Có những sai lầm, có những bài học đắt giá, có những ân hận và có cả những giọt nước mắt thấm đẫm qua mỗi bước chân đầu đời. Nhưng hơn hết, Dế Mèn lại giúp chúng ta học thêm bao bài học, dạy ta yêu thương, biết ước mơ và hành động vì ước mơ đó. Dế Mèn đã sống và trưởng thành như thế đấy!

Đến nay, “Dế Mèn phiêu lưu ký” đã chu du đến gần 40 quốc gia và lập kỉ lục là tác phẩm văn học Việt Nam được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất. Chưa bao giờ vơi đi sức hấp dẫn, cuốn sách này đã đang và sẽ mãi là cuốn sách gối đầu giường của bao thế hệ bạn đọc. Và dù nhà văn Tô Hoài đã vĩnh viễn đi xa nhưng “Dế Mèn phiêu lưu ký” và các giá trị nhân văn trong các tác phẩm của ông sẽ còn mãi với thời gian. Các bạn hãy cùng tới thư viện để tìm đọc cuốn sách đầy ý nghĩa này nhé.

Xin chào và hẹn gặp lại thầy cô và các bạn trong chuyên mục “mỗi tuần một cuốn sách hay” lần sau nhé!

Bài giới thiệu sách tháng 10 năm học 2024 – 2025

Kính chào bạn đọc của chuyên mục mỗi tuần một cuốn sách hay!

“Tôi muốn viết những vần thơ về mẹ
Để đọc lên cho nước mắt trào rơi
Vì có gì đẹp đẽ nhất trên đời
Thiêng liêng nhất phải chăng là tình mẹ”.

Melanie Reid đã từng viết: “Cảm ơn thượng đế đã cho tôi người mẹ, và tôi không muốn là của ai khác ngoài mẹ”. Chỉ có niềm tin của mẹ mới có thể giúp chúng ta trên đường đời và truyền cảm hứng để chúng ta tự tin mà bước tới. Trái tim, niềm tin và tình yêu của mẹ sẽ định hình nhân cách cho chúng ta.

Nhân dịp kỷ niệm 94 năm ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, thư viện xin giới thiệu đến quý thầy cô và các bạn cuốn sách có tựa đề “Trái tim của Mẹ” của tác giả Phạm Thị Hoài Anh, họa sĩ Đậu Đũa, sách do NXB Kim Đồng xuất bản năm 2015.

Bạn đọc thân mến!

Tình yêu thương là điều khó nói nên lời. Và đôi khi chúng ta – dù mải miết kiếm tìm suốt đời, cũng chưa thể nào trả lời cho mình câu hỏi “Tình yêu là gì?”. Thế nhưng có một cô bé 4 tuổi rất nhí nhảnh và đáng yêu có thể sẽ đem đến cho bạn câu trả lời ấy một cách nhẹ nhàng và cảm động đến bất ngờ: “Vì trái tim là tình yêu. Chỉ cần nhìn trái tim là biết yêu nhau…” – cô bé ấy tên là Nim, nhân vật chính trong cuốn sách trái tim của mẹ.

Tác phẩm là cuốn nhật kí bằng tranh ghi lại những khoảnh khắc dung dị mà đời thường mà ta có thể bắt gặp trong bất kì ngôi nhà của người Việt nào. Đó là cảnh gọi con dậy mỗi sáng chuẩn bị tô phở nóng cho con ấm bụng, là cảnh 2 mẹ con trên chiếc xe máy tới trường, tới cơ quan, là hò reo cổ vũ con trong ngày hội thể thao, là cùng nhau trồng rau, vui đùa, là cùng nhau vào bếp, là tiếng gọi mẹ trong giấc mơ của con…chỉ những hành động đời thường ấy lại là trải nghiệm tuyệt vời trên hành trình đồng hành cùng con của những người mẹ, và điều con yêu nhất là được làm mọi thứ cùng mẹ, mọi khoảnh khác ở bên mẹ đều là những khoảnh khắc vô giá.

Tác giả chia sẻ: “Cuộc sống cơ bản là những điều đơn giản. Không phải lúc nào người ta cũng đủ năng lượng, cảm hứng, động lực để làm những điều phi thường, vĩ đại. Hãy tìm thấy niềm vui ngay trong những điều bình dị, giản đơn của cuộc sống. Đó cũng là mong muốn của mình khi viết cuốn sách‘Trái tim của mẹ’.” Có lẽ vì vậy mà khi đọc xong cuốn sách, bạn sẽ tìm thấy vẻ đẹp của cuộc sống đến từ những gì giản dị và thân thương nhất.

Ở cuốn sách này, ấn tượng nhất với người đọc chắc hẳn là những trang sách được minh họa bằng những bức tranh màu nước rất đẹp và sinh động. Khi sống trong cảm giác yêu thương, mọi vật xung quanh đều đáng yêu, dễ mễn. Hình ảnh trái tim được tái hiện trong từng khuôn hình. Đó có thể là chiếc lá rơi bên thềm, là những bong bóng xà phòng, là bước chân “lịch bịch, lịch bịch” của mẹ, là hạt mầm mới nở xòe hai lá, là đám mây bồng bềnh trên bầu trời, là hơi thở êm êm của con… Trái tim có hình dạng thật đặng biệt: biểu tượng của yêu thương, vừa là nơi chứa đựng vừa là nơi trao gửi, sẻ chia tình yêu.

Những dòng chữ ngọt lành bên những trang minh họa xinh yêu nên vừa đọc chúng ta vừa ngắm nhìn, vừa thấy vang lên trong lòng tiếng cười rúc rích như thủa bé thơ đùa vui bên mẹ. Cuốn sách không quá dày, nhưng mẹ và con có khi phải dừng lại thật lâu bên mỗi bức tranh và ngân nga trong từng con chữ. Trong cuốn sách có câu: trái tim của người mẹ là điều tuyệt vời nhất trên đời – thật vậy trái tim của mỗi người mẹ đều thật kì diệu bởi nó luôn chất chứa bao tình yêu thương và tuyệt vời hơn nữa khi tình yêu ấy được gìn giữ và tiếp nối qua các thế hệ.

Đó cũng là những nhắc nhở tuyệt vời rằng có rất nhiều khoảnh khắc bình dị nhưng vô cùng đặc biệt giữa bố mẹ và con cái, chính tình yêu thương trong gia đình đã làm cho những điều bình dị đó trở nên đặc biệt. Hãy dành thời gian nhiều hơn cho các con, chơi đùa với con, lắng nghe con, học hỏi từ con và dành cho các con trọn vẹn trái tim của bố mẹ bởi Được đồng hành cùng nhau – đó chính là hạnh phúc.

Cuốn sách là dành tặng cho những người mẹ yêu con và những người con yêu mẹ bởi trái tim của mẹ là điều kì diệu nhất trên đời. Và bây giờ, hãy cùng bước vào thế giới ngọt ngào, êm dịu trong “trái tim của mẹ” để lắng nghe những nhịp đập yêu thương nhé! Cho những ngày mùa thu, và những ngày tháng 10 của mọi người Mẹ.

Nhân ngày kỉ niệm ngày Phụ nữ Việt Nam xin kính chúc một nửa thế giới luôn trẻ trung, xinh đẹp và hạnh phúc, xin được gửi lời cảm ơn sâu sắc tới các bà, các mẹ, các chị, các em qua cuốn sách “trái tim của mẹ”.

Kính mời quý thầy cô và các bạn học sinh tìm đọc nhé!

Đại hội đại biểu đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường THPT Nguyễn Văn Thoại Lần thứ V, nhiệm kì 2024 – 2025

Chiều ngày 05/10/2024, Đại hội Đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trường THPT Nguyễn Văn Thoại lần thứ V, nhiệm kì 2024-2025 đã diễn ra trong không khí trang trọng với sự hiện diện của những cán bộ Đoàn, Đoàn viên ưu tú, tiêu biểu của các chi đoàn.

Đại hội vinh dự đón tiếp các đồng chí:

– Về phía Quận Đoàn Cẩm Lệ:

Đồng chí Đặng Hữu Đức, Bí thư Quận Đoàn Cẩm Lệ

– Về phía Cấp ủy, Lãnh đạo nhà trường:

Đồng chí Đặng Hùng Thương, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường,

Đồng chí Phan Hữu Thịnh, Phó Bí thư Chi bộ, Phó Hiệu trưởng nhà trường,

Đồng chí Nguyễn Châu, Phó Hiệu trưởng nhà trường,

Đồng chí Nguyễn Thị Hoài Thương, Phó Chủ tịch Công đoàn nhà trường.

Tại đại hội, các đại biểu đã tiến hành thông qua phương hướng nhiệm kỳ mới, các nội dung trong văn kiện và bầu 15 đồng chí đủ tiêu chuẩn vào BCH khoá mới.

Phát biểu tại Đại hội, Thầy Đặng Hùng Thương – Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường và đồng chí Đặng Hữu Đức, Bí thư Quận Đoàn Cẩm Lệ đã ghi nhận, biểu dương những kết quả đạt được, chỉ ra một số tồn tại, hạn chế mà Đoàn trường gặp phải trong nhiệm kì 2023-2024. Cũng trong buổi đại hội, đồng chí Đặng Hữu Đức – Bí thư Quận Đoàn Cẩm Lệ đã trao giấy khen cho các đồng chí có thành tích xuất sắc trong công tác đoàn và phong trào thanh niên nhiệm kỳ vừa qua.

Xin chúc mừng những thành tích mà các đồng chí đoàn viên Đoàn trường THPT Nguyễn Văn Thoại đã xuất sắc đạt được trong nhiệm kỳ 2023-2024.

Chúc mừng các đồng chí đã trúng cử ban chấp hành nhiệm kỳ mới. Chúc các đồng chí sẽ có thật nhiều năng lượng, luôn nỗ lực hết mình để phát huy tốt những truyền thống tốt đẹp của Đoàn trường THPT Nguyễn Văn Thoại.

Tổ chức khám sức khỏe định kì đầu năm học 2024 -2025 cho học sinh

Thực hiện kế hoạch số 304/KH-THPTNVT ngày 03 tháng 10 năm 2024 về việc Khám sức khỏe cho Học sinh năm học 2024 – 2025. Trong 03 ngày 08,09 và 10 tháng 10 năm 2024, Trường Trung học phổ thông Nguyễn Văn Thoại đã phối hợp với Trung tâm y tế Quận Cẩm Lệ và Trạm y tế Hòa Xuân tổ chức khám sức khỏe định kì đầu năm học cho 1240 học sinh toàn trường.

Trong lần khám sức khỏe này, các em học sinh được khám lần lượt từ cân nặng, chiều cao, chỉ số BMI, huyết áp, thị lực, Tai – mũi – họng, Răng – hàm – mặt, tim mạch, cơ xương khớp…Đoàn khám đã phát hiện sớm một số trường hợp bệnh trong học đường mà học sinh hay mắc phải như tình trạng Béo phì, gầy (thiếu cân), tật khúc xạ, bệnh răng miệng, tim mạch, các bệnh về cơ xương khớp, các bệnh về tâm thần và một số bệnh lí khác…Qua đó, một số em mắc bênh sẽ được nhà trường thông báo đến cha mẹ hoặc người giám hộ của học sinh về tình hình sức khỏe của con em mình để có kế hoạch chăm sóc và điều trị theo chuyên khoa phù hợp.

Việc khám sức khoẻ đầu năm học cho các em học sinh là hết sức thiết thực và ý nghĩa, thông qua việc làm này đã góp phần không nhỏ vào việc nâng cao nhận thức cho giáo viên và học sinh về ý thức phòng chống một số bệnh thường xuất hiện ở lứa tuổi học đường và cũng qua hoạt động này đã đem lại sự phấn khởi, tin tưởng trong giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh về một môi trường giáo dục an toàn và thân thiện.

Trong những buổi tổ chức khám sức khỏe cùng với y tế nhà trường, Chi đoàn giáo viên cũng tích cực phối hợp tham gia tổ chức để những buổi khám đạt kết quả như mong đợi.

Tuyên truyền ngộ độc thực phẩm trong học đường

Hiện nay, Ngộ độc thực phẩm là vần đề hết sức phức tạp và đã trở thành mối quan tâm của toàn xã hội, gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và đời sống của con người.

Để giúp giáo viên, phụ huynh, hiểu hơn về ngộ độc thực phẩm và có thể tự phòng ngừa bệnh. Hôm nay, tôi xin gửi đến quý thầy, cô giáo các bậc phụ huynh, và toàn thể các em học sinh  một số biện pháp phòng ngừa ngộ độc thực phẩm  như sau:

I. NGUYÊN NHÂN

Ngộ độc thực phẩm có thể do nhiều nguyên nhân:

– Do vi sinh vật, hoá chất độc do bản thân thực phẩm có chất độc

– Do thực phẩm bị hư hỏng, biến chất. Trong mùa hè, nhiệt độ môi trường thường ở mức cao là điều kiện thuận lợi cho các vi sinh vật gây bệnh phát triển. Vì vậy cần chú ý đề phòng ngộ độc thực phẩm do vi sinh vật.

II. CÁC VI SINH VẬT GÂY NGỘ ĐỘC THỰC PHẨM THƯỜNG GẶP

Gồm các vi khuẩn Salmonella Shigella, E.coli, Bibrio choterea, Clostridium botulinum, Clostridium perfringens; các vius Hepatis, virus Hepatis virus A, Rotavirus; các ký sinh trùng Amip, sán lá gan, sán bò, trùng lông; các nấm mốc và nấm men Aspergillus, candida, Furanium.

– Các vi sinh vật có mặt khắp nơi trong đất, nước, không khí, quần áo, đồ dùng, phân người, phân động vật, ở trong họng, mũi, vết thương, tay của người bệnh.

– Các vi khuẩn phát triển mạnh ở nhiệt độ từ 25oC-45oC trong điều kiện thuận lợi, chúng có thể tồn tại nhiều ngày ở môi trường bên ngoài.

– Vi sinh vật gây nhiễm  thực phẩm bằng 4 con đường chính: qua súc vật, qua môi trường, chế biến và bảo quản.

– Khi nhiễm thực phẩm, vi sinh vật gây hư hỏng làm thực phẩm bị đổi màu, đổi vị, có mùi.

– Tuy nhiên cũng có một số loại gây nhiễm thực phẩm nhưng không làm thay đổi màu, mùi, vị hay hình dạng bên ngoài của thực phẩm. Vì vậy rất khó nhận biết bằng cảm quan.

III. NGỘ ĐỘC THỰC PHẨM CÓ THỂ XẢY RA MỌI LÚC, MỌI NƠI

– Chúng có thể gây ngộ độc hàng loạt, nhất là ở các bếp ăn tập thể, các khu lễ hội, đám cưới, đám giỗ, các quán phục vụ học sinh đi thi hay khách đi đường.

– Chúng có thể làm bùng phát thành các vụ dịch nguy hiểm gây tổn hại đến sức khoẻ cộng đồng trầm trọng, ảnh hưởng đến trật tự xã hội và thiệt hại kinh tế to lớn. Mặc dù nhờ cố gắng của các cấp, các ngành mà ngộ độc thực phẩm trong những năm qua có xu hướng giảm nhưng nguy cơ ngộ độc vẫn rất cao, ngộ độc lẻ tẻ vẫn thường xảy ra.

IV. NHỮNG ĐIỀU CẦN CHÚ Ý ĐỀ PHÒNG NGỘ ĐỘC

1. Rửa tay trước khi ăn.

2. Chỉ uống nước chín (đun sôi để nguội), hoặc đã qua thiết bị tinh lọc.

3. Phòng ngộ độc bởi phẩm màu độc hại: luôn nghi ngờ thịt sống, chín nhuộm màu khá thường: xôi màu gấc không thấy hột và thịt gấc; bánh, kẹo, mứt có màu lòe loẹt, không có địa chỉ sản xuất.

4. Phòng ngộ độc bởi hóa chất bảo vệ thực vật: rau, củ, quả tươi, đặc biệt thức ăn sống phải được ngâm kỹ rồi rửa lại vài lần bằng nước sạch hoặc dưới vòi nước chảy.

5. Phòng ngộ độc bởi thực phẩm có độc tự nhiên: không ăn nấm, củ, rau, quả hoang dại nghi có độc, sản phẩm động vật có độc (phủ tạng, và da cóc, cá nóc, …).

6. Phòng vi khuẩn sống sót làm thực phẩm biến chất, có hại: Không dùng đồ hộp lon phòng cứng ở hai đáy hộp, bị gỉ, móp méo; sữa, nước giải khát trong hộp giấy bị phơi ngoài nắng dù còn hạn sử dụng; nước giải khát, nước đóng chai bị biến màu, đục, có cặn.

7. Phòng vi khuẩn nhân lên trong điều kiện môi trường: thức ăn chín để qua bữa quá giờ nếu không không được bảo quản lạnh (dưới 10°C), phải được hâm lại kỹ hoặc chần nước sôi.

8. Phòng ô nhiễm chéo sang thực phẩm chế biến sẵn (thịt quay, luộc) để ăn ngay từ: cá, dụng cụ bán hàng như dao, thớt, đũa, thìa, que gắp đang chế biến thực phẩm sống hoặc chưa được làm sạch; bàn tay, trang phục của người bán hàng trực tiếp bị bẩn…

9. Không mua hàng bao gói sẵn không có địa chỉ nơi sản xuất, đóng gói và hàng hết hạn sử dụng.

10. Tránh ăn ở quán không có nước sạch hoặc cách xa nguồn nước sạch và không có tủ kính che đuổi ruồi, bụi, chất độc môi trường (nếu ở mặt đường, vĩa hè) hoặc không có lưới che ruồi, nhặng (nếu ở trong nhà, chợ có mái che).