SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG NGUYỄN VĂN THOẠI

Địa chỉ: 132 đường Đô Đốc Lân - phường Hòa Xuân - quận Cẩm Lệ - TP Đà Nẵng

Điện thoại: (0236) 3721 888

Tổ chức hoạt động giáo dục và ngoại khóa tại Trường Đại Học Sư Phạm Kĩ Thuật – Đại Học Đà Nẵng Chủ đề: “Trải nghiệm STEM”

Thực hiện theo Công văn số 2375/GDTrH&GDTX ngày 19 tháng 8 năm 2024 của Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) thành phố Đà Nẵng về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2024 – 2025 của Sở GDĐT thành phố Đà Nẵng; Kế hoạch số 275/KH-THPTNVT ngày 11 tháng 9 năm 2024 của Trường Trung học phổ thông (THPT) Nguyễn Văn Thoại về việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục năm học 2024 – 2025; Kế hoạch số 03/KH-TCM ngày 03 tháng 9 năm 2024 của Tổ chuyên môn về chương trình giáo dục và kế hoạch tổ chức hoạt động giáo dục của bộ môn Vật lí và Công nghệ trong năm học 2024 – 2025; Tổ Vật lí – Công nghệ đã tổ chức hoạt động giáo dục kết hợp hoạt động ngoại khóa dành cho học sinh ba khối 10, 11, 12 tại Trường Đại Học Sư Phạm Kĩ Thuật – Đại Học Đà Nẵng.

Buổi trải nghiệm nhằm mục đích:

1. Thực hiện tốt chương trình môn học, đáp ứng đổi mới GDPT 2018, đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực và sáng tạo cho học sinh.

2. Bổ sung kiến thức thực tế của các môn Vật lí và Công nghệ, tổ chức cho các em học tập trải nghiệm: Stem về Cơ học cho học sinh khối 10; Stem về Điện trường cho học sinh khối 11; Stem về Từ trường cho học sinh khối 12.

3. Đẩy mạnh hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm sáng tạo, rèn kĩ năng sống, định hướng nghề nghiệp cho học sinh đồng thời rèn luyện cho học sinh có kĩ năng tìm hiểu kiến thức và vận dụng kiến thức vào thực tiễn.

Hoạt động tham quan, trải nghiệm thực tế tại Trường Đại Học Sư Phạm Kĩ Thuật – Đại Học Đà Nẵng với chương trình như sau:

1. Hoạt động 1: Học sinh tham quan học tập, tư vấn hướng nghiệp tại Trường Đại Học Sư Phạm Kĩ Thuật – Đại Học Đà Nẵng.

2. Hoạt động 2: Học sinh tham gia trải nghiệm buổi học Stem dưới sự hướng dẫn của các giáo viên tại Trường Đại Học Sư Phạm Kĩ Thuật – Đại Học Đà Nẵng, với các nội dung: Stem về Cơ học; Stem về Điện trường; Stem về Từ trường.

3. Hoạt động 3: (được thực hiện sau buổi tham quan, trải nghiệm): Đại diện nhóm học sinh tham gia hoạt động giáo dục viết bài báo cáo tổng hợp về các hoạt động học tập và cảm nhận của bản thân sau chuyến tham gia học tập trải nghiệm và báo cáo trước lớp.

Thông qua buổi trải nghiệm các bạn học sinh đã phát huy được năng lực, phẩm chất, kỹ năng của mình, hiểu bài sâu hơn, nhớ bài kỹ hơn. Giúp các bạn học sinh hình thành và rèn luyện nhiều kỹ năng như: kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng nghiên cứu khoa học, kỹ năng thuyết trình trước đám đông, giải quyết vấn đề, khẳng định giá trị của bản thân.

Ngoài ra, các bạn còn được tư vấn hướng nghiệp lựa chọn một số ngành nghề tại trường ĐHSP Kỹ thuật.

Dưới đây là một số hình ảnh của buổi trải nghiệm:

Ngày hội Văn hóa Dân gian và Tư vấn Hướng nghiệp “Gìn Giữ Truyền Thống, Định Hướng Tương Lai”

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, việc hiểu rõ cội nguồn, bản sắc văn hóa dân tộc là cái nôi nuôi dưỡng tâm hồn, giúp người trẻ đứng vững trước những thách thức toàn cầu. Từ đó, mỗi cá nhân củng cố  tình yêu văn hóa dân tộc và định hình khát vọng hướng về tương lai. Văn hóa dân gian là kho tàng quý báu mà ông cha ta đã dày công xây dựng và gìn giữ qua bao thế hệ, từ những câu hò, điệu múa, bài ca, đến những trò chơi, làng nghề truyền thống.

Ngày Hội Văn hoá Dân gian và Tư vấn Hướng nghiệp của trường THPT Nguyễn Văn Thoại, tổ chức ngày 18/1/2025 nhân dịp chào mừng Xuân Ất Tị, đã trở thành sự kiện ý nghĩa để tôn vinh những giá trị truyền thống, đồng thời trang bị cho học sinh định hướng nghề nghiệp đúng đắn.

Những hoạt động nổi bật

Sự kiện mang đến nhiều hoạt động hấp dẫn và bổ ích. Các tiết mục biểu diễn nhạc cụ truyền thống do sinh viên Đại học FPT thực hiện đã mở đầu chương trình với những giai điệu sâu lắng. CLB Bài chòi Sông Yên tiếp nối bằng những câu hát bài chòi đậm chất dân gian, thu hút sự chú ý của đông đảo học sinh và giáo viên, nhân viên nhà trường.

Bên cạnh đó, các trò chơi dân gian như kéo co, nhảy bao bố, đi cà kheo và nhảy dây không chỉ khơi gợi ký ức tuổi thơ mà còn mang lại bầu không khí sôi động, đoàn kết. Đặc biệt là hội chợ ẩm thực với các gian hàng đa dạng do chi đoàn các lớp phụ trách đã giới thiệu những món ăn truyền thống phong phú, góp phần làm nổi bật nét đặc sắc trong văn hóa ẩm thực Việt Nam.

Điểm nhấn của ngày hội

Phần được mong chờ nhất của ngày hội có lẽ là các tiết mục văn nghệ, nhảy sạp và trình diễn sáng tạo đến từ học sinh các khối lớp. Lớp 10 mang đến những bài hát dân gian và điệu múa đậm sắc xuân, rộn ràng không khí Tết. Lớp 11 thể hiện sự uyển chuyển và khéo léo qua các phần trình diễn nhảy sạp. Lớp 12 thu hút mọi ánh nhìn với bộ sưu tập trang phục tái chế mang đậm dấu ấn dân tộc. Tất cả đều thể hiện sự chuẩn bị kỹ lưỡng, sáng tạo và nhiệt huyết của các em học sinh.

Ngoài ra, chương trình còn có phần tư vấn hướng nghiệp do các trường đại học tại Đà Nẵng như Đại học Kinh tế, Đại học Đông Á, Đại học Pegasus… thực hiện. Đây là cơ hội để học sinh, đặc biệt là khối 12, tìm hiểu về các ngành học, đánh giá năng lực bản thân và nhận diện xu hướng nghề nghiệp trong thời đại mới.

Giá trị sâu sắc từ ngày hội

Ngày hội không đơn thuần là sân chơi văn hóa, mà còn là dịp để học sinh hiểu thêm về bản sắc dân tộc, nhận thức rõ trách nhiệm gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống. Hòa mình vào không khí sôi động, náo nhiệt giúp các em cảm nhận sâu sắc hơn về bản sắc dân tộc và niềm tự hào về quê hương, đất nước. Khi lắng nghe những giai điệu dân gian, lắng nghe từng câu hát câu hò bài chòi mượt mà hay tiếng đàn bầu réo rắt, chúng ta càng thấm thía hơn giá trị của những di sản tinh thần mà ông cha ta đã để lại. Mỗi lời ca, tiếng hát không chỉ thể hiện sự tài hoa của nghệ nhân mà còn là linh hồn của dân tộc, kết nối quá khứ với hiện tại. Thêm vào đó, các trò chơi giúp học sinh càng hiểu thêm về đời sống tinh thần phong phú của cha ông ta từ thuở xa xưa, đó không chỉ là hình thức giải trí mà còn thể hiện tinh thần đoàn kết, khéo léo và sự sáng tạo của người Việt. Qua các hoạt động, các em được tiếp cận với di sản tinh thần của cha ông, nuôi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước và lòng tự hào dân tộc.

Chương trình đã diễn ra thành công tốt đẹp với sự tham gia nhiệt tình của cán bộ, giáo viên, học sinh và phụ huynh. Đây là một minh chứng sống động cho việc kết hợp giữa giáo dục văn hóa truyền thống và định hướng nghề nghiệp, góp phần hình thành thế hệ trẻ có nhận thức và trách nhiệm.

Hy vọng rằng, thông qua ngày hội, ý thức bảo tồn và phát huy truyền thống dân tộc sẽ được khắc sâu trong mỗi học sinh, để văn hóa Việt Nam luôn trường tồn và ngày càng tỏa sáng. Văn hóa dân gian – linh hồn của dân tộc, nơi kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai, làm nên bản sắc và niềm tự hào của mỗi con người.

Hoạt Động Trải Nghiệm Kỷ Niệm 80 Năm Ngày Thành Lập Quân Đội Nhân Dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024)

Trên cơ sở thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới (CTGDPT 2018), Tổ Giáo dục thể chất – Giáo dục quốc phòng và An ninh; tổ Sử – Địa – GDKT&PL – Âm nhạc kết với Đoàn trường tổ chức cho học sinh lớp 10, 11, 12 năm học 2024 – 2025 được học tập trải nghiêm thực tế tại trường Quân sự Quân khu 5, thành phố Đà Nẵng. Với mục đích gắn việc học tập với thực tế nhằm mở rộng hiểu biết, giáo dục bộ môn, giúp học sinh được giáo dục về kỷ luật, lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, trách nhiệm xã hội, ý thức rèn luyện thể lực, góp phần xây dựng nhân cách và lý tưởng sống cho học sinh, trải nghiệm về một địa điểm hoạt động của các chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam trong thời bình, giúp các em khơi dậy lòng tự hào và yêu quê hương, đất nước, giúp học sinh hiểu rõ hơn về lịch sử hào hùng của dân tộc và giá trị của sự hy sinh cao cả vì Tổ quốc.

Không gian tái hiện lịch sử

Sáng ngày 14/12/2024, Thầy cô và hoc sinh Trường THPT Nguyễn Văn Thoại được đến thăm và trải nghiệm nhiều hoạt động thực tế tại Trường Quân sự Quân Khu 5.

Học sinh được tham gia các hoạt động:

1. Dâng hoa và quả tượng Bác Hồ.

2. Quan sát hoạt động nội vụ của các chiến sỹ: Học cách gấp chăn màn theo kiểu quân đội, thăm quan nơi sinh hoạt hằng ngày của bộ đội tại Tiểu đoàn D4

3. Tham quan Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh: Tham quan Sinh viên của Trung tâm Giáo dục Quốc phòng Quân khu 5 thực hành về ngắm súng và bắn, các em được trải nghiệm thực hành tại đây

4. Trường Quân sự Quân khu 5: Thầy cô và các em được nghe thuyết minh về Quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành 80 năm Quân đội Nhân dân Việt Nam. Các em được lắng nghe những câu chuyện xúc động từ những người lính năm xưa, qua đó thêm tự hào và biết ơn những đóng góp to lớn của thế hệ cha ông. Thầy cô và học sinh phát biểu cảm tưởng về chuyến tham quan, học tập và trải nghiệm tại Trường Quân sự Quân khu 5

Chương trình văn nghệ tri ân

Hoạt động khép lại bằng chương trình văn nghệ đặc sắc với các tiết mục ca ngợi Tổ quốc, người lính và tình yêu quê hương. Tiết mục múa “Tuổi đôi mươi” cùng tiết mục hát “Màu hoa đỏ” đã làm bừng lên không khí tự hào, đầy xúc động trong lòng khán giả.

Ý nghĩa của chương trình

Chuỗi hoạt động không chỉ giúp các em học sinh hiểu rõ hơn về lịch sử, truyền thống vẻ vang của Quân đội Nhân dân Việt Nam, mà còn là dịp để các em rèn luyện tinh thần kỷ luật, đoàn kết và lòng yêu nước. Đây cũng là cách nhà trường giáo dục thế hệ trẻ tiếp nối truyền thống cha anh, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Cảm ơn Trường THPT Nguyễn Văn Thoại và Trường Quân sự Quân khu 5!

Chúng ta hãy cùng nhau tiếp tục nuôi dưỡng những giá trị tốt đẹp, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng vững mạnh! Chương trình kỷ niệm đã khép lại nhưng những giá trị và bài học lịch sử mà các em học sinh được trải nghiệm chắc chắn sẽ là hành trang quý báu trên bước đường trưởng thành, phát triển toàn diện.

Một số hình ảnh của buổi Hoạt động trải nghiệm:

Tuyên truyền, huấn luyện, diễn tập phương án PCCC và cứu nạn, cứu hộ năm học 2024 – 2025

Nhằm nâng cao ý thức và khả năng phòng cháy chữa cháy (PCCC) cũng như cứu nạn cứu hộ (CNCH) cho toàn thể học sinh, giáo viên và cán bộ nhân viên trong năm học 2024 – 2025, sáng ngày 14/12/2024, trường THPT Nguyễn Văn Thoạiđã tổ chức thành công buổi Tuyên truyền, Huấn luyện và Diễn tập Phương án PCCC và Cứu nạn Cứu hộ. Buổi hoạt động không chỉ giúp các em học sinh và cán bộ nhà trường trang bị kiến thức cơ bản mà còn rèn luyện các kỹ năng cần thiết để bảo vệ mình và những người xung quanh trong các tình huống khẩn cấp.

Tại buổi Tuyên truyền, huấn luyện và diễn tập, các đồng chí trong lực lượng PCCC và CNCH đã cung cấp các kiến thức cơ bản như:

  • Các nguyên nhân dễ gây cháy nổ trong trường học, đặc biệt là trong phòng thí nghiệm, khu vực bếp ăn và phòng học.
  • Các biện pháp phòng ngừa cháy nổ hiệu quả, từ việc sử dụng các thiết bị điện đúng cách đến việc kiểm tra các hệ thống điện và các vật dụng dễ gây cháy.
  • Quy trình xử lý khi có cháy nổ xảy ra: Cách nhận diện, báo động và thực hiện các biện pháp chữa cháy cơ bản.

Tiếp theo phần tuyên truyền, các giáo viên và học sinh được tham gia vào chương trình huấn luyện kỹ năng PCCC và cứu nạn cứu hộ. Các chuyên gia PCCC từ lực lượng cứu hỏa đã trực tiếp hướng dẫn các kỹ năng cơ bản, bao gồm:

  • Cách sử dụng bình chữa cháy: Các học sinh và cán bộ nhân viên được thực hành thao tác với các bình chữa cháy xách tay, học cách dập tắt đám cháy nhỏ một cách an toàn và hiệu quả.
  • Kỹ năng thoát hiểm: Các học sinh được hướng dẫn cách nhận diện các lối thoát hiểm trong trường học, thực hành sơ tán nhanh chóng ra khỏi các khu vực nguy hiểm khi có sự cố cháy xảy ra.
  • Cứu nạn và sơ cứu: Các kỹ năng sơ cứu cơ bản như cấp cứu nạn nhân bị ngạt khói hoặc bỏng, các động tác cứu thương khẩn cấp trong tình huống bị thương, đều được huấn luyện một cách chi tiết.

Điều đặc biệt trong buổi hoạt động năm nay là phần diễn tập phương án PCCC và cứu nạn cứu hộ. Diễn tập được tổ chức nhằm mô phỏng một tình huống cháy giả định trong trường học và kiểm tra khả năng ứng phó của toàn bộ học sinh, giáo viên và nhân viên nhà trường.

Tình huống giả định là một đám cháy xảy ra ở ngay tại khuôn viên trường học, các giáo viên, cán bộ nhân viên nhà trường nhanh chóng dùng bình chữa cháy và vòi cứu hỏa tại chỗ tiến hành chữa cháy đồng thời lực lượng PCCC đã điều các chiến sĩ và 2 xe chữa cháy đến hiện trường tổ chức phương án chữa cháy.

Buổi Tuyên truyền, Huấn luyện và Diễn tập Phương án PCCC và Cứu nạn Cứu hộ năm học 2024 – 2025 đã thành công tốt đẹp và để lại nhiều dấu ấn trong cộng đồng trường học. Việc thực hiện đầy đủ các bước tuyên truyền, huấn luyện và diễn tập không chỉ giúp các học sinh, giáo viên và nhân viên nhà trường có được những kiến thức và kỹ năng cần thiết, mà còn tạo nên một môi trường học tập an toàn và chuẩn bị tốt cho mọi tình huống khẩn cấp.

Qua đó, nhà trường cam kết tiếp tục duy trì và phát huy công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, đảm bảo rằng mọi người đều có thể ứng phó nhanh chóng và hiệu quả khi có sự cố xảy ra, từ đó góp phần xây dựng một môi trường học tập an toàn, lành mạnh cho các thế hệ học sinh.

Hưởng ứng Tháng Hành động vì Bình đẳng giới và Phòng ngừa, Ứng phó với Bạo lực trên cơ sở giới năm 2024

Hưởng ứng Tháng Hành động vì Bình đẳng giới và Phòng ngừa, Ứng phó với Bạo lực trên cơ sở giới năm 2024, chủ đề của năm nay là một lời kêu gọi đầy ý nghĩa và khát vọng: “Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới.”

Chúng ta cùng nhìn nhận rằng, bình đẳng giới không chỉ là quyền lợi của mỗi cá nhân mà còn là động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững của cả xã hội. Bằng cách đảm bảo an sinh xã hội và tăng cường quyền năng cho phụ nữ và trẻ em gái, chúng ta không chỉ giúp họ thoát khỏi sự bất bình đẳng mà còn khơi dậy những tiềm năng quý giá, giúp họ tỏa sáng và đóng góp cho cộng đồng.

An sinh xã hội là nền tảng giúp phụ nữ và trẻ em gái tự tin và an toàn hơn trong cuộc sống. Khi có cơ hội tiếp cận với giáo dục, y tế, việc làm và sự bảo vệ xã hội, họ có thể tự chủ trong cuộc sống và vững vàng trước những khó khăn, thử thách. Họ cũng sẽ trở nên mạnh mẽ hơn trong việc lên tiếng chống lại bạo lực và bất công, đóng góp vào việc xóa bỏ những rào cản lâu đời đối với bình đẳng giới.

Tuy nhiên, ở nhiều nơi, bạo lực và định kiến giới vẫn còn đè nặng. Những hành vi bạo lực không chỉ để lại nỗi đau cho cá nhân mà còn kéo theo những tổn thất lớn cho xã hội: mất mát trong giáo dục, giảm năng suất lao động, và làm suy giảm chất lượng cuộc sống của cộng đồng. Việc xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới không chỉ vì lợi ích của phụ nữ và trẻ em gái, mà còn để kiến tạo một xã hội công bằng, nhân văn và văn minh cho tất cả mọi người.

Để xây dựng một xã hội công bằng và nhân ái, chúng ta cần hành động đồng lòng:

Bảo vệ an sinh xã hội cho phụ nữ và trẻ em gái: Chính phủ và các tổ chức cần triển khai mạnh mẽ các chính sách an sinh xã hội, bảo đảm quyền được tiếp cận y tế, giáo dục, và việc làm cho phụ nữ. Đây là nền tảng giúp họ tự tin và không bị phụ thuộc.

Xóa bỏ các rào cản định kiến và tạo điều kiện phát triển: Cần nâng cao nhận thức cộng đồng và trang bị kỹ năng nghề, kỹ năng sống cho phụ nữ và trẻ em gái. Khi họ có cơ hội phát triển tài năng, họ sẽ không chỉ tự bảo vệ bản thân mà còn đóng góp nhiều hơn cho xã hội.

Tạo môi trường an toàn và bảo vệ quyền lợi phụ nữ và trẻ em gái: Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ và tư vấn cho nạn nhân của bạo lực giới. Bằng cách cung cấp sự hỗ trợ kịp thời, từ tâm lý đến pháp lý, chúng ta sẽ giúp họ vượt qua khó khăn, tự tin và lấy lại niềm tin vào cuộc sống.

Khuyến khích sự tham gia của nam giới và cộng đồng: Sự thay đổi về bình đẳng giới cần sự góp sức từ mọi người, đặc biệt là từ nam giới. Họ là những người bạn đồng hành quan trọng trong việc chấm dứt các hành vi bạo lực và xây dựng một môi trường bình đẳng, an toàn.

Đổi mới giáo dục về bình đẳng giới ngay từ sớm: Giáo dục về bình đẳng và tôn trọng giới tính cho trẻ em là cách giúp các thế hệ sau trưởng thành với những giá trị nhân văn. Hãy để trẻ em lớn lên với niềm tin rằng mọi giới tính đều xứng đáng được tôn trọng và yêu thương.

Chúng ta kêu gọi mỗi cá nhân, từng gia đình và toàn thể cộng đồng cùng nỗ lực xây dựng một xã hội công bằng và nhân ái, nơi phụ nữ và trẻ em gái được an toàn, tôn trọng và có cơ hội phát triển toàn diện.

Hãy cùng hành động, hãy lên tiếng, hãy bảo vệ và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái – những người mẹ, người chị, người em của chúng ta – để họ có thể tự tin và mạnh mẽ bước tới. Bằng việc đấu tranh cho bình đẳng giới, chúng ta đang tạo nên một tương lai tốt đẹp, nơi tất cả mọi người đều có quyền mưu cầu hạnh phúc và đóng góp cho xã hội.

Cùng chung tay vì một xã hội bình đẳng và không bạo lực!